Hồi ký Nước mắt và niềm vui của trung tá Vũ Thành Trung vừa được phát hành. Ảnh: Thanh Trần. |
Nước mắt và niềm vui là cuốn hồi ký của cựu chiến binh, trung tá Vũ Thành Trung viết về những kỷ niệm thanh xuân, những năm tháng chiến đấu hào hùng trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, những năm tháng cống hiến trong công cuộc kiến thiết xây dựng đất nước sau chiến tranh ở miền Đông Nam Bộ kéo dài cho đến 15 năm sau ngày Thống nhất đất nước.
Chia sẻ trong buổi ra mắt sách tại Hội Nhà văn TP.HCM, tác giả, trung tá Vũ Thành Trung cho biết: "Có nhiều kỷ niệm vui buồn trong chiến tranh khiến tôi muốn viết để lại, bởi nếu như thế hệ chúng tôi mất đi rồi, lớp người trẻ và ngay cả con cháu trong nhà cũng không thể hiểu được thế hệ cha ông họ đã đổ máu như thế nào mới có được cuộc sống hòa bình như ngày nay".
Nước mắt và niềm vui
Là một trinh sát chiến trường, ông cho biết bản thân đã phải chấp nhận hy sinh, chấp nhận gian khổ. Tuy vậy, ông vẫn không cầm được nước mắt khi nhắc về nữ y tá từng đổi chiếc áo để lấy ít gạo và thịt cho ông ăn trong lúc trọng thương, rồi mất vì bom đạn địch khi ông chưa kịp trả ơn.
Cuốn sách còn là câu chuyện của những người đồng đội, đồng bào, những người đã ra đi trong chiến tranh mà ông là người chứng kiến, là câu chuyện chiến trường từ Tây Nguyên đến vùng Đông Nam Bộ.
Những năm tháng ở chiến trường Tây Nguyên trong giai đoạn chưa ác liệt nhưng đã đầy khó khăn. Không có giao thông, không có bản làng, để có được muối ăn cho khỏi bướu cổ họ phải cử người đến Ninh Thuận lấy muối. “Đoàn đi 30 người thì về mất 10 người do địch bắn, do sốt rét mà không có thuốc chữa. Các anh em lúc thấy muối thì mừng lắm, lấy cả bọc nhưng khi về đến đơn vị chỉ còn chút đỉnh, có người còn vài miếng, chia nhau để ngậm cho khỏi bướu cổ”, ông kể lại.
Ông thường nhớ về mối tình đầu mà ông đã bỏ lại để đi vào chiến trường, những lần đi trinh sát phải nằm chịu trận để kiến kim, mối càng hành hạ cả đêm, hay khi bị trọng thương cũng chỉ có thể ăn củ mì luộc…
Trong giai đoạn gian khổ nơi chiến trường khi mà việc yêu đương cũng bị hạn chế, ông vẫn có những niềm vui. Đó là tình đồng đội, tình yêu với người vợ mà ông gặp được tại đơn vị và vượt qua nhiều rào cản để có được hạnh phúc.
Trung tá Vũ Thành Trung chia sẻ nhiều kỷ niệm và suy nghĩ trong buổi ra mắt sách ngày 24/3. Ảnh: Thanh Trần. |
Sự cần thiết của văn chương phi hư cấu
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng những điều được kể lại trong hồi ký của trung tá Vũ Thành Trung không chỉ là nguồn tư liệu, mà còn là cảm hứng cho các thế hệ sau. Cuốn sách góp phần tư liệu cá nhân đáng kể về những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh và mô tả cuộc sống của người dân Việt Nam trong những năm đầu của cuộc giải phóng.
Điều đầu tiên thấy được trong cuốn sách này đó là sự trung thực của một cuốn hồi ký về những năm tháng hào hùng tại chiến trường Đông Nam Bộ. Hơn nữa, từ cuộc đời từng trải của mình, tác giả đã rút ra những suy ngẫm đáng để chia sẻ, về nghề công an, về đất nước và về cuộc chiến với bản thân.
Cũng theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, qua những trang viết của một người vốn xa lạ với nghề cầm bút, đã đến lúc chúng ta cần thấy được tầm quan trọng của văn học phi hư cấu. Vài năm gần đây văn học phi hư cấu ngày càng nở rộ. Giải Nobel Văn học 2015 trao cho Svetlana Alexandrovna Alexievich - một nhà báo điều tra Belarus, bà nổi tiếng với tác phẩm Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ.
Ở Việt Nam có nhiều tác phẩm như Biên bản chiến tranh của Trần Mai Hạnh, hay Gánh gánh... gồng gồng... của tác giả Xuân Phượng, những người đã sống và kể lại những thăng trầm của cuộc chiến.
“Thế kỷ 21 được dự đoán là thế kỷ của văn học tự sự vì khi công nghệ phát triển, mỗi con người càng trở nên nhỏ bé và đáng được trân trọng hơn. Chính vì thế mà dòng văn học tự sự khuyến khích mọi tiếng nói, dù là những người nổi tiếng hay vô danh, hồi ký của họ đều có những giá trị nhất định”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói.
Nhà văn Hoài Hương cho rằng điều thú vị trong Nước mắt và niềm vui chính là nó giúp làm rõ những chi tiết mà trước nay rất nhiều tác phẩm văn học khác còn dè dặt đề cập. Với lời văn tự sự, ngôn từ đơn giản, tác giả thường gọi thẳng tên sự việc từ đó giúp người đọc cảm nhận một cách chân thực cuộc sống của thế hệ người đi trước.
“Mỗi giai điệu riêng tư được cất lên giúp con người thấu hiểu nhau và chia sẻ với nhau nhiều hơn, từ đó xây dựng cộng đồng văn minh hơn, đáng sống hơn. Vì thế tôi cho rằng chúng ta cần khuyến khích những tác phẩm văn học phi hư cấu. Bởi mỗi người đều là những hạt bụi trong thời gian lịch sử, để những hạt bụi ấy không trôi dạt mịt mù, chúng ta phải viết lại nó. Đó là cách duy nhất để biến những hạt bụt lịch sử thành những hạt vàng”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói.