“Đây là lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam sau 50 năm. Thực sự là một cảm giác lạ lùng khi gặp lại những người mình từng xem là ‘kẻ thù’ nhưng lại có cảm giác vui như gặp bạn cũ”, ông Paul Best, cựu binh Mỹ từng đóng quân ở Pleiku từ năm 1968 đến 1969, trả lời Zing.vn.
Ngày 2/10, Best đi trong đoàn cựu binh Mỹ thuộc Hội Cựu chiến binh Trở về đến tham quan Bảo tàng Áo dài tại TP.HCM. Tại đây, những người lính từng tham chiến tại Việt Nam gặp lại cựu tù chính trị và cựu binh Việt Nam.
Nhà tâm lý Chris Reynolds, người tham gia đoàn cựu binh, thắp hương tưởng niệm tại Bảo tàng Áo dài. Ảnh: Hoàng Việt. |
Hồi tưởng về thời gian tham chiến tại Việt Nam, cựu binh Best cho biết nhiệm vụ của ông là canh gác một tuyến đường quan trọng tại Pleiku, đảm bảo không có bất kỳ "kẻ thù" nào ở xung quanh.
"May mắn là trong suốt 1 năm ở Việt Nam, tôi và các đồng đội không gặp bất kỳ cuộc đụng độ đáng kể nào. Ngay sau khi tôi hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ và trở về Mỹ, đơn vị của tôi chuyển đến Phan Rang, và mỗi ngày họ đều phải giương súng", ông Best nói.
Best kể sau khi về Mỹ, ông quyết định trở thành giáo viên tiểu học. Thời gian ở Việt Nam đã giúp ông "mở tầm mắt", biết cách đón nhận những điều mới mẻ và trân trọng những gì mình đang có.
"Tôi dạy lại những điều ấy cho học trò của mình. Tôi đã có cơ hội gặp gỡ những con người hoàn toàn khác, tiếp xúc với nền văn hóa hoàn toàn khác so với những gì tôi đã biết. Tôi học được cách cảm thông cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình", vị cựu binh bộc bạch. Ông nói thời điểm rời Việt Nam, ông chuẩn bị bước sang tuổi 25.
Ông Paul Best (bên trái) tham quan Bảo tàng Áo dài tại TP.HCM. Ảnh: Hoàng Việt. |
Ông Best và các thành viên khác trong đoàn cựu binh Mỹ bắt tay và ôm những người lính từng ở bên kia chiến tuyến. Họ cùng hát những bài ca thời chiến với lòng tự hào và cảm giác thanh thản khi quá khứ đã qua đi.
Ông Nguyễn Minh Hùng, từng là trung úy thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, cười lớn khi được Zing.vn hỏi về cảm giác gặp lại "cựu thù".
"Bình thường chứ có gì đâu! Mấy ổng là lính, cũng chỉ đi nghĩa vụ theo tiếng gọi của chính quyền. Nay quan hệ Việt - Mỹ khác nhiều rồi!", ông Hùng nói bằng giọng miền Nam.
Bà Nguyễn Thị Sậu, cựu tù chính trị, người có hai anh trai tử trận trong chiến tranh Việt Nam, đón tiếp đoàn cựu binh với khoai lang luộc và ít chuối sáp. Bà cùng những người lính Mỹ gói bánh ít, hai bên tuy không hiểu tiếng nhau nhưng vẫn có thể giao tiếp bằng nụ cười và cử chỉ.
Các cựu binh Mỹ trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Sậu, cựu tù nhân chính trị tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Việt. |
Ông John Schluep, người sáng lập tổ chức Hội Cựu chiến binh Trở về, cho biết ông có nhiều bạn bè từng tham chiến ở Việt Nam, họ đều mang "những vết thương vô hình" sau cuộc chiến.
"Vì vậy tôi muốn tập trung vào việc xoa dịu những tổn thương trong tâm hồn cựu chiến binh. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các chuyến trở về Việt Nam, có sự góp mặt của chuyên gia tâm lý", ông Schluep cho biết.
Kết thúc buổi tham quan, cựu binh và phái đoàn tiếp đón cùng nhau ăn cơm tối trong tiếng mưa.
"Tôi vô cùng hào hứng khi có cơ hội trở về. Tôi được tận mắt chứng kiến những đổi thay và những điều vẫn giữ nguyên sau nửa thế kỷ, đó chính là cái tình ở mảnh đất này", cựu binh Best nói.