Cựu binh Mỹ hòa cùng nghìn người tưởng niệm 50 năm thảm sát Mỹ Lai
Thứ sáu, 16/3/2018 16:39 (GMT+7)
16:39 16/3/2018
Sáng 16/3, hàng trăm cựu binh Mỹ đã cùng người dân, du khách và các lãnh đạo tưởng niệm 504 thường dân vô tội bị sát hại cách đây 50 năm trước.
Dưới tiết trời nắng ấm tháng 3, sáng nay, hàng nghìn người dân cùng nhiều đoàn khách quốc tế về xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi) dành phút mặc niệm tưởng nhớ 504 thường dân vô tội bị quân đội Mỹ sát hại 50 năm trước. Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Ngọc Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đây là dịp để bày tỏ tình cảm yêu thương, cùng thắp nén nhang tưởng nhớ đồng bào bị thảm sát.
Hoa hậu Ngọc Hân ôm bó hoa sen hồng cùng tốp thiếu nhi đội mũ cách điệu chim bồ câu trắng hát múa ca ngợi tình yêu hòa bình trong lễ tưởng niệm. "Lễ tưởng niệm cũng là dịp cầu nguyện cho hòa bình; đồng thời có hành động thiết thực để hàn gắn những vết thương năm xưa, vun đắp những điều tốt đẹp nhất để mọi người đều được sống trong bình yên, vui tươi và hạnh phúc", ông Đặng Ngọc Dũng nói.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi dâng hương phía trước gian thờ tưởng niệm 504 nạn nhân.
Những nữ sinh trong trang phục áo dài trắng cầm hoa sen phục vụ các đoàn khách trong nước và quốc tế dâng hoa dưới chân tượng đài khu chứng tích Sơn Mỹ.
Hàng trăm cựu binh Mỹ dâng hoa sen tưởng niệm các nạn nhân.
Ông Ronald Haeberle (phải), tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai cùng bạn chắp tay tưởng niệm đồng bào bị thảm sát. Sáng 16/3/1968, Ronald Haeberle, phóng viên ảnh chiến trường, theo chân một đơn vị quân đội Mỹ đi trực thăng tiến vào làng Sơn Mỹ. Ông chứng kiến những người lính Mỹ lạnh lùng xả súng bắn chết hàng trăm nông dân, còn vào làng đốt nhà và tiếp tục bắn giết ông già, đàn bà, trẻ con. Cuộc thảm sát 504 thường dân vô tội diễn ra trong vòng 4 tiếng đồng hồ.
Nhiều nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai đến nay đã già yếu đến dâng hương, hoa tưởng niệm người thân của gia đình. "Sau nửa thế kỷ, người dân nơi đây vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau thương nhưng giờ đây họ đã mở lòng bao dung, kết thân bè bạn quốc tế. Người dân Sơn Mỹ hôm nay khát vọng tình yêu hòa bình - đó là là lẽ sống, là đạo lý nhân văn, nghị lực phi thường vượt lên nỗi đau của đồng bào nơi đây", bà Trần Thị Quý, nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai bộc bạch.
Suốt nhiều năm qua, tháng 3 năm nào cũng vậy, cựu binh Mỹ Billy Kenlly mang 504 đóa hoa hồng kèm theo tấm thiệp chia sẻ đau thương đến khu chứng tích Sơn Mỹ nguyện cầu cho 504 linh hồn nạn nhân bị thảm sát được siêu thoát... Ông cầu nguyện thế giới không còn cảnh chiến tranh, mọi người cùng chung tay xây dựng vì cuộc sống hòa bình.
Nữ diễn viên, ca sĩ Kavie Trần (Mỹ) trong trang phục áo dài dâng hoa tưởng niệm. "Nhân chuyến về Quảng Ngãi tặng sách cho học sinh nghèo vùng nông thôn, cơ duyên trùng khớp với lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Mỹ Lai. Thăm khu chứng tích Sơn Mỹ, tôi không kìm được niềm xúc động về quá khứ đau thương mà người dân nơi đây phải gánh chịu. Dâng hoa cầu nguyện linh hồn các nạn nhân siêu thoát, tôi mong nỗi đau chiến tranh không còn xảy ra trên thế giới này nữa", Kavie Trần thổ lộ.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cảm kích bắt tay, tỏ lời cảm ơn ông Ronald Haeberle (trái) vì đã dũng cảm công bố những bức ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai trên tạp chí Life (Mỹ) cuối năm 1969. Đây là lần đầu tiên ông Ronald công bố với thế giới sự thật kinh hoàng về cái chết của 504 con người vô tội ở Mỹ Lai, từ đó tin tức về vụ thảm sát hâm nóng thêm phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam.
Bộ GTVT đề xuất cơ sở kiểm định khí thải xe máy phải có tối thiểu 1 đăng kiểm viên hạng 1. Trong khi cơ sở đăng kiểm ôtô được phép thực hiện kiểm định khí thải xe máy.