Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuốn sách đưa một tội phạm tình dục vào tù

Nhà văn người Argentina Belén López Peiró viết sách về trải nghiệm bị chính chú mình bạo hành tình dục và giờ đây, người chú ấy đã bị bắt vào tù.

Cảnh cắt từ phim Promising Young Woman, một bộ phim về nạn xâm hại tình dục. Ảnh: NYT.

Khi phán quyết được đưa ra, Belén López Peiró thở phào nhẹ nhõm. Kẻ đã gây ra cho nữ nhà văn biết bao đau đớn, kẻ đã lạm dụng tình dục khi cô còn là một thiếu nữ mới lớn, cuối cùng cũng bị kết tội. Cô cho biết trải nghiệm kinh hoàng ấy đã xảy đến "khi cô còn chưa biết tình yêu là gì".

Đó là một hành trình dài kể từ giây phút nữ nhà văn lần đầu viết những gì cô đã phải trải qua lên trang giấy. Chú cô, một cựu trung sĩ cảnh sát từng lẻn vào phòng nữ nhà văn lúc nửa đêm và nằm đè lên người cô.

Theo The Washington Post, ngày 26/12, tòa án địa phương ở Argentina đã tuyên án Claudio Marcelino Sarlo tội "tấn công tình nghiêm trọng" trẻ vị thành niên và bị lãnh án 10 năm tù.

Thẩm phán kết luận Sarlo đã tấn công cháu gái mình nhiều lần, từ năm López Peiró 13 đến 17 tuổi. Khi ấy, López Peiró thường dành kỳ nghỉ hè ở nhà chú và dì mình tại Santa Lucia, một cộng đồng nhỏ ở tỉnh Buenos Aires. Tòa cũng phán quyết rằng Sarlo sẽ phải trả khoảng 78.000 USD bồi thường và không được liên lạc với nạn nhân qua bất kỳ hình thức nào.

Cuộc giải thoát của một nạn nhân xâm hại tình dục

Luật sư của Sarlo chưa cho báo chí bất kỳ bình luận nào. Trên tờ El País, López Peiró viết: "Vậy là xong. Tôi đã được giải thoát".

xam hai tinh duc anh 1

Nhà văn Belén López Peiró. Ảnh: Alejandra López.

Trong cuộc phỏng vấn với The Washington Post, nữ văn sĩ 30 tuổi so sánh cuộc chiến pháp nhân như “bị tra tấn”, cô bị buộc phải làm chứng tám lần, phải trải qua nhiều bài đánh giá tâm lý và y tế. Cô cho biết quá trình này kéo dài nhiều năm và làm rạn nứt quan hệ gia đình cô khi các thành viên gia đình chứng kiến những chi tiết trong cuộc sống riêng của họ trở thành một chủ đề bàn tán công khai.

López Peiró đã kể chi tiết những gì cô đã trải qua trong 2 cuốn sách nhằm lật mặt người chú của mình. Hai tác phẩm nhận được nhiều lời khen ngợi vì cách tiếp cận tường thuật sáng tạo, đồng thời châm ngòi cho cuộc tranh luận mang tầm quốc gia về lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và những lỗ hổng trong hệ thống tư pháp, gắn với phong trào nữ quyền buộc chính phủ ghi nhận những lời tố cáo quấy rối tình dục một cách nghiêm túc hơn.

Mặc dù mục tiêu vạch mặt chú mình đã thành công và đem lại cho López Peiró sự nhẹ nhõm, nữ nhà văn hiện cũng phải đối mặt với nhiều mất mát cá nhân.

López Peiró cho biết cô cảm thấy đau đớn khi phải đối mặt với kẻ đã xâm hại mình tại tòa án và phải đứng lên làm chứng nhiều lần. Đối mặt với câu hỏi: "Cô cảm thấy thế nào khi bị lạm dụng?", López Peiró cảm thấy cô chính là người bị đưa ra xét xử chứ không phải chú mình.

Khi có người hỏi cô liệu tất cả những việc phiền phức này có đáng không và rằng liệu công lý có thực sự chữa lành được vết thương trong lòng cô. López Peiró thú nhận rằng cô vẫn chật vật không tìm được câu trả lời.

Trong cuộc phỏng vấn tại Barcelona, nữ nhà văn nói: "Trong quá trình tìm lại công lý, tôi tìm thấy một loại sức mạnh mới ở ngôn từ. Điều ấy đánh dấu số phận tôi và mở đường cho tôi với văn chương. Vì vậy, tôi sẽ không bao giờ hối tiếc những gì mình đã làm".

Tìm kiếm sự an ủi trong văn chương

López Peiró nộp đơn khiếu nại lần đầu vào năm 2014. Vài năm sau, trong khi vẫn chật vật với những phiên tòa, cô tham dự một hội thảo văn học và nhận ra trải nghiệm bị xâm hại đã ảnh hưởng sâu sắc đến danh tính của cô như thế nào. Từ đó, cô quyết định sẽ làm chủ những chấn thương mình đã trải qua.

"Đã trải qua nhiều năm đấu tranh, tìm kiếm công lý ở tòa án, tôi cảm thấy mình bị tổn thương hơn. Tôi hiểu rằng mình phải tìm kiếm sự an ủi ở một nơi khác". López Peiró đã tìm đến văn chương.

Trong tác phẩm Porque Volvías Cada Verano (Tạm dịch: Tại sao ngươi quay lại mỗi hè?) và Donde No Hago Pie (Tạm dịch: Không có chỗ đứng), nhà văn không chỉ tố giác chú mình và vạch mặt cả gia đình mình, những người đã ngó lơ và xem nhẹ chấn thương của cô. Cô cũng chỉ trích hệ thống luật pháp và những định kiến, kỳ thị xã hội thường bao trùm những nạn nhân của xâm hại tình dục đã dám lên tiếng.

Nhà văn đã tiếp cận lối kể chuyện từ nhiều điểm nhìn trong Porque Volvías Cada Verano; điểm nhìn từ mẹ cô, từ công tố viên, từ bác sĩ tâm lý, từ người dì (vợ Sarlo, người mặc dù thừa nhận rằng bà tin chồng mình đã xâm hại cháu gái, vẫn không bỏ chồng). Đây là thủ pháp văn học hiếm thấy trong tiểu thuyết bán tự truyện. Thông thường, các nhà văn sẽ chỉ viết ở ngôi thứ nhất.

Chia sẻ với The Post, nhà văn nói: "Quá trình viết sách đã giúp tôi tách mình khỏi cái vai 'nạn nhân' và cho tôi cảm giác như tôi có quyền kiểm soát, trong trường hợp này, tôi kiểm soát ngôn từ, nói chính xác những gì mình muốn nói, không hơn, không kém; và trút hết những giận dữ trong lòng; nói hết những điều mà gia đình tôi lấy làm xấu hổ".

Cuốn sách không chỉ gây được tiếng vang trên văn đàn mà còn có tác động lớn đến phong trào nữ quyền, truyền cảm hứng cho những nạn nhân khác của xâm hại tình dục lên tiếng.

López Peiró đi diễn thuyết ở các trường trung học, đại học và thư viện. Trong khi ghi nhận những bước tiến mà phong trào nữ quyền đã đạt được cũng như tầm quan trọng của việc theo đuổi công lý một cách hợp pháp, López Peiró cho biết ngôn từ vẫn là đồng minh trung thành nhất của cô trong hành trình tự chữa lành tâm hồn.

Trả lời The Washington Post, nhà văn nói: “Tôi muốn những nạn nhân khác biết rằng việc viết có thể sẽ giúp ích, chúng giúp xử lý, gỡ rối và chữa lành - bởi vì tôi nghĩ rằng làm nạn nhân của xâm hại tình dục không giống như việc bị nhiễm bệnh mà có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Với chấn thương tâm lý, bạn có thể tìm cách khôi phục những ký ức cũ, làm quen lại với thân thể và danh tính của mình - những thứ bị xâm hại tình dục tước đoạt”.

Về phần mình, López Peiró cho biết cô đã sẵn sàng để bước tiếp và cuối cùng, viết về những điều khác.

Cuốn sách về cách mạng tình dục của phụ nữ

Thông qua "Bad Sex", tác giả Nona Willis Aronowitz đã nói về con đường cô tìm hiểu về tình dục, cũng như những định kiến khác nhau xung quanh vấn đề này.

Viết về tình dục như một tuyên ngôn nữ quyền

Theo Publishers Weekly, nhiều tác giả nữ đương đại viết về trải nghiệm liên quan đến thương tổn tâm lý, tình dục và mặc cảm tự ti như một cách để vực dậy tinh thần.

Lê Lam

Bạn có thể quan tâm