Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vòng xoáy tình dục, chất kích thích của những tuổi trẻ lạc lối

“Màu xanh trong suốt” là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản.

Hình ảnh trong phim chuyển thể "Tokyo Decadence" do Ryu Murakami đạo diễn. Ảnh: The movie database.

Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình. Tuổi trẻ của họ là những ngày dài bị giam cầm trong một vòng xoáy của tình dục, chất kích thích và nhạc rock. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.

Cuốn tiểu thuyết ra mắt và lập tức trở thành một tác phẩm bán chạy. Nhiều thanh thiếu niên Nhật Bản tìm thấy hình ảnh của mình trong tác phẩm. Điều này khiến tiểu thuyết của Ryu Murakami mang tính cách mạng, tách biệt với xu hướng tiểu thuyết hậu chiến vốn thịnh hành và mở ra một giai đoạn mới cho nền văn học Nhật Bản.

Những thanh niên không có mục đích sống

“Chúng ta chỉ quên đi cơn đau, cậu hiểu không, không phải vì bụng tớ đã mục ruỗng cả rồi, mà tất cả chúng ta, ai cũng đau đớn. Vì vậy, khi nó thật sự cào xé tớ, theo một cách nào đó, tớ lại cảm thấy thanh thản, giống như tớ lại được là tớ”, trích nội dung sách.

Những nhân vật trong Màu xanh trong suốt gần như không có một mục đích sống. Những cô cậu thanh thiếu niên ấy dành phần lớn thời gian trong phòng, chơi thuốc, làm tình và nghe nhạc. Họ làm tất cả những điều đó một cách vô thức, không đam mê, không thỏa mãn. Họ đẩy cao cấp độ của những điều họ làm (đến độ cực đoan) chỉ để quên đi sự đời.

tieu thuyet Nhat Ban anh 1

Tiểu thuyết Màu xanh trong suốt do Trần Phương Thúy dịch mới được phát hành tiếng Việt. Ảnh: Minh Hùng.

Nhưng nhìn vào những hành vi táo tợn, bạo lực của nhóm thanh niên này, độc giả thấy lấp ló bản chất ngây thơ của tuổi trẻ. Có thể nói, Màu xanh trong suốt là phiên bản điên dại hơn của tiểu thuyết The holy innocents (Gilbert Adair) hay phim The dreamers (Bernardo Bertolucci). Ở The dreamers, 3 nhân vật ở lì trong nhà, chìm đắm trong thế giới điện ảnh, nghệ thuật và tình dục, để rồi thức tỉnh bởi một hòn đá của đám biểu tình ngoài phố.

Trong Màu xanh trong suốt, Ryu và nhóm bạn cũng mê man trong một hoạt cảnh tương tự, trong một bối cảnh tương đồng. Đó là một giai đoạn nhiễu nhương, dễ làm quay cuồng những tâm hồn ngây thơ. Nhật Bản khi ấy còn chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa phương Tây, ta thấy các nhân vật trong tác phẩm hết mực hâm mộ những nhóm nhạc Mỹ, những bộ phim Hollywood.

Với cái nhìn phóng xa tới một miền đất hứa, một cõi mộng khác xa với những gì nhà nước Nhật Bản cho họ khi ấy, nhóm thanh niên này lựa chọn lẩn tránh thực tại. Đâu đó, nhận thức về thực tại ập đến với họ, tựa như một thoáng tro tàn sáng lên nhưng chưa đủ để hồi sinh ngọn lửa sức sống trong họ.

“Gần đây, cậu biết không, tớ nhìn ra ngoài cửa sổ, đơn độc. Ừ tớ nhìn ra ngoài cửa sổ, mưa và những chú chim, cậu biết không, và mọi người đi trên đường. Nếu nhìn thật lâu quanh cậu sẽ thấy rất thú vị, ý tớ muốn nói thế đấy. Tớ không biết tại sao, nhưng những ngày này mọi vật đều trở nên mới mẻ đối với tớ”, trích lời nhân vật Ryu trong sách.

Càng ngày, nhóm thanh niên càng trở nên cực đoan, tâm hồn và thể xác đều mục ruỗng, có người trở nên bạo lực, có người phát điên, có người tự sát. Họ sống trong một sự hoang đàng thối rữa, tựa như hình ảnh quả dứa chín nẫu trong sách, tỏa ra mùi thơm gắt, “vết cắt đã ngả màu đen, nước quả nhỏ ra đông lại trên đĩa”.

Trong một màu xanh của tuổi trẻ lạc lối

Màu xanh trong suốt thành công không chỉ ở riêng Nhật Bản. Cả giới phê bình lẫn độc giả quốc tế đều cảm thấy ngỡ ngàng trước sự táo bạo của tác phẩm này, cho rằng đây là một cách để hiểu giới trẻ Nhật Bản giai đoạn ấy. Tạp chí Time đã bình chọn Ryu Murakami là một trong những người cách-mạng-hóa Nhật Bản.

Nhà văn Nhật đình đám bậc nhất hiện nay - Haruki Murakami - cũng từng thừa nhận là trước khi dấn thân vào sự nghiệp văn chương, Ryu Murakami chính là hình mẫu nhà văn mà ông muốn trở thành.

tieu thuyet Nhat Ban anh 2

Nhà văn Ryu Murakami. Ảnh: Financial Times.

Tên tác phẩm - Màu xanh trong suốt - chỉ màu của một miếng mảnh chai mà nhân vật Ryu định dùng để cắt cổ tay. “Đó là một màu xanh không giới hạn, gần như trong suốt. Tôi đứng dậy và khi tôi đi về phía căn hộ của mình, tôi nghĩ, tôi muốn giống như mảnh thủy tinh đó”.

Bám sát vào hình ảnh này, tác phẩm Màu xanh trong suốt xuất hiện tựa như một tiếng cảnh tỉnh, đánh thức thế hệ trẻ u mê lúc bấy giờ. Dù vậy, tờ Japan Times nhận xét rằng tác phẩm vẫn có tầm ảnh hưởng sau hơn 40 năm xuất bản.

Tác giả Ryu Murakami từng nói rằng những nhân vật của ông chứa đựng một năng lượng hủy diệt, thứ năng lượng khởi nguồn cho chủ nghĩa hư vô. Chủ nghĩa hư vô xuất hiện xuyên suốt sự nghiệp văn chương của Ryu Murakami. Các nhân vật trong Màu xanh trong suốt, dĩ nhiên, cũng phủ định những ý nghĩa cuộc đời, chỉ nhìn thấy sự trống rỗng và mục ruỗng.

Sau sắc xanh u ám, sau những hoạt động bị cho là “suy đồi”, Ryu Murakami cho thấy những con người mỏng manh, cô đơn trong chính tâm trí của mình. Họ lạm dụng những điều khiến họ phân tâm đến khi họ tê liệt cảm xúc. Tình dục trở nên nhàm chán, chất kích thích phải liên tục thay đổi và nhạc rock trở thành một thứ tiếng ồn trắng (white noise) trong cơn mê sảng.

Qua Màu xanh trong suốt, Ryu Murakami cho thấy cả lý do những người ấy chọn lối sống sa ngã, cả lý do tại sao lối sống ấy cũng sẽ không thỏa mãn họ, không cứu rỗi được họ. Trải nghiệm đọc Màu xanh trong suốt tựa như lạc vào một cơn ác mộng phản ánh thực tại.

Cuốn tiểu thuyết mở đầu cho sự nghiệp văn chương đầy gai góc của Ryu Murakami. Cho đến nay, ông đã để lại nhiều tác phẩm đặc sắc, nhiều tác phẩm gây shock. Nhiều người sẽ cảm thấy những câu chuyện của Ryu Murakami quá đáng sợ, quá bạo lực và điên rồ, nhưng không thể phủ nhận rằng văn chương của ông đặc biệt. Màu xanh trong suốt là một trong những tác phẩm khét tiếng nhất của nhà văn này và giữ một vị trí quan trọng trong dòng chảy văn học đương đại ở xứ mặt trời mọc.

Nỗi ô nhục của một con người

Không chỉ là một tác phẩm mang tính thời đại, “Ô nhục” của J.M Coetzee đi sâu khai thác những ẩn ức trong con người giữa xã hội nhiễu nhương.

Murakami nói về những chỉ trích nữ quyền với sách của mình

"Phụ nữ có chức năng tương đối khác biệt với đàn ông... Đó là cách đàn ông và phụ nữ cùng sống sót - giúp đỡ nhau, người này bù đắp cho những gì người kia thiếu sót".

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm