Nếu muốn hiểu rõ cách người Trung Quốc nghĩ về tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi trên Biển Đông, đảo Hải Nam là nơi lý tưởng để bắt đầu. Trong bài báo xuất bản ngày 19/6, phóng viên BBC đã tới đảo Hải Nam để tìm hiểu về cái gọi là bằng chứng chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhóm phóng viên đã tới cảng cá Tanmen, nơi truyền thông Trung Quốc đề cập tới sự tồn tại của tài liệu đặc biệt. Đó là cuốn sách 600 năm tuổi chứa "bằng chứng" về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
“Bằng chứng thép” bị vứt bỏ
Theo BBC, đảo Hải Nam là nơi mọi thứ đều được bẻ cong theo hướng có lợi cho tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh, từ chính quyền, các chính sách quân sự tới đánh cá, du lịch hay thậm chí là lịch sử. Cuốn sách được coi là "bằng chứng thép" thuộc sở hữu của ngư dân giải nghệ Su Chengfen.
Trung Quốc bồi lấp trái phép đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS |
Dựa vào cuốn sách, Trung Quốc nhấn mạnh rằng quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Bắc Kinh vì họ là những người đầu tiên đặt chân tới khu vực. Vì tầm quan trọng của nó, ngư dân 81 tuổi bọc cuốn sách cẩn thận trong những lớp giấy và coi nó như báu vật, truyền thông Trung Quốc đưa tin.
Tuy nhiên, trên thực tế, các báo cáo cho thấy cuốn sách của ngư dân Su chỉ đơn thuần là bằng chứng được “bọc thép” nhằm hỗ trợ cho cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trả lời phóng viên BBC khi đang tất bật xây dựng mô hình chiếc thuyền ở trước sân nhà, cách bãi biển vài phút đi bộ, ngư dân Su cho biết: “Cuốn sách được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ thời ông nội tôi, quyển sách được truyền cho cha tôi và cho tôi. Nó chỉ cho chúng ta cách đi tới các thực thể trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như con đường trở về Hải Nam”.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị xem cuốn sách mà truyền thông Trung Quốc rầm rộ đưa tin chỉ vài tuần trước, ông Su đã tiết lộ một điều đáng kinh ngạc: “Dù cuốn sách quan trọng nhưng tôi đã vứt đi vì nó quá hư hại. Việc lật giở các trang sách nhiều lần trong khi muối biển đọng trên tay đã khiến nó bị ăn mòn. Cuối cùng, tôi vứt nó đi vì không còn đọc được gì từ đó”.
Rời nhà của ngư dân 81 tuổi, phóng viên nhận thấy “bằng chứng thép” của chính phủ Trung Quốc đã không còn ý nghĩa. Trong quá trình tiếp xúc với người dân địa phương, các phóng viên ngoại quốc nhận thấy mọi thông điệp về Biển Đông đều đã được kiểm soát. Thậm chí, họ còn phát hiện bị bám đuôi.
Du lịch nghĩa vụ của người Trung Quốc
Trước khi kết thúc chuyến thực tế ở Hải Nam, nhóm phóng viên BBC đến Tam Á để tìm hiểu các tour du lịch tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo này. Các tour du lịch trọn gói kéo dài 5 ngày, chính thức hoạt động năm 2013. Hàng nghìn du khách đã tới Hoàng Sa phi pháp. Tuy nhiên, các tour du lịch này quay lưng với khách nước ngoài.
Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS |
Xem lịch trình, phóng viên BBC nhận thấy đây là chuyến đi kỳ lạ và kéo dài mà đích đến của nó là vài đá và rạn san hô không có người ở, nằm cách xa đất liền. Tiếp cận một du khách chuẩn bị lên tàu, phóng viên có cuộc trò chuyện thú vị khi hỏi về mục đích của chuyến tham quan.
Nữ du khách chia sẻ: “Chúng tôi không tới đó để tận hưởng. Ngay từ khi sinh ra, chúng tôi được dạy rằng đó là lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Chúng tôi có nghĩa vụ tới và tận thấy khu vực này”.
Có thể tổ tiên của ông Su đã đặt chân đến các đá và rạn san hô trên Biển Đông từ nhiều thế kỷ trước. Tuyến đường hay đặc điểm địa lý có thể được truyền miệng qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, nó không đủ chứng minh cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông thông qua yêu sách "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò". Nước này cũng liên tục bồi lấp, xây dựng loạt cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo và âm mưu quân sự hóa Biển Đông. Ngày 22/1/2013, Philippines đệ đơn lên PCA, kiện cách Trung Quốc giải thích và áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Tòa quốc tế sẽ phán quyết cách giải thích của Trung Quốc về "đường lưỡi bò" có phù hợp hay không phù hợp UNCLOS.