Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuốn cẩm nang khi tới Nhật Bản du học

Với mong muốn tiếp lửa cho ước mơ du học Nhật của nhiều bạn trẻ ở Việt Nam, tác giả Phi Hoa đã ghi lại tất cả những khoảnh khắc đáng nhớ của mình ở xứ sở mặt trời mọc với bạn đọc.

Phi Hoa hiện tại đang là chuyên viên tư vấn chiến lược của tập đoàn Deloitte Consulting tại Tokyo. Đây là một trong những tập đoàn tư vấn lớn nhất thế giới, chuyên cung cấp giải pháp, chiến lược kinh doanh cho nhiều tập đoàn lớn nhỏ ở Nhật Bản và nước ngoài. Quãng thời gian 8 tám năm ở Nhật là một bước trưởng thành rất lớn của chị. Từ một cô tiểu thư nhút nhát sống trong sự bảo bọc của bố mẹ, chị đã trở thành một người phụ nữ tự tin và đầy bản lĩnh.

Phi Hoa là một cựu sinh viên của trường Ngoại thương. Năm 2008, khi còn là sinh viên năm nhất chị đã nhận được học bổng du học của Chính phủ Nhật Bản trong 7 năm và tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Osaka, một trong những ngôi trường danh tiếng hàng đầu.

Du hoc Nhat Ban, anh 1
Tác giả Phi Hoa (trái) giao lưu cùng các bạn trẻ. 

Cách đây 8 năm, số lượng sinh viên Việt Nam sang du học tại Nhật còn khá ít, khi mới tới đây Phi Hoa đã gặp rất nhiều bỡ ngỡ và cảm thấy lạc lõng trước một môi trường xa lạ. Chính từ những khó khăn đó, chị đã quyết tâm viết một cuốn sách tập hợp những kinh nghiệm của bản thân trong quãng thời gian du học để giúp đỡ các bạn trẻ có ước mơ học tập tại Nhật Bản.

Du học Nhật Bản - 3.000 ngày với nước Nhật ghi lại chặng đường dài của tác giả ở xứ sở hoa anh đào, từ những “bước xuất phát” như: “săn” học bổng của Chính phủ Nhật, thời gian đầu du học với những khó khăn để bắt nhịp trong một môi trường mới và cả những trải nghiệm thú vị vầ văn hóa và con người nước bạn.

Khi được hỏi: “Điều gì là quan trọng nhất để có được thành công với một du học sinh?”, Phi Hoa cho rằng đó chính là sự tự lập và bản lĩnh, đặc biệt ở một môi trường đòi hỏi sự quy củ và kỉ luật nghiêm ngặt về giờ giấc như ở Nhật. Theo tác giả, để học tập tốt tại Nhật, trước khi sang Nhật, bạn phải xác định được mình đam mê ngành nào và muốn học cái gì, vì sự định hướng của giảng viên là rất ít.

Môi trường đại học ở Nhật cũng có nhiều khác biệt so với Việt Nam. Nó đòi hỏi tính chủ động của sinh viên nhiều hơn. Khi một bài kiểm tra không đạt điểm tối đa, người ta phải chủ động tìm ra hạn chế của mình và tự khắc phục. Giảng viên thường chỉ khích lệ chứ không chỉ ra điểm hạn chế của sinh viên.

Du hoc Nhat Ban, anh 2
Cuốn sách Du học Nhật Bản - 3.000 ngày với nước Nhật của tác giả Phi Hoa. 

Một điều đáng lưu ý mà tác giả Phi Hoa muốn chia sẻ với độc giả đó là cách để hòa nhập cùng sinh viên bản xứ. Khác với môi trường học tập ở châu Âu hay Mỹ, để hòa nhập và kết bạn với sinh viên Nhật Bản, bạn phải chủ động làm quen và trò chuyện với họ. Sinh viên Nhật khá thân thiện, học sẵn sàng làm bạn với sinh viên nước ngoài, nhưng ít khi họ chủ động làm quen. Đặc biệt, người luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về giờ giấc, họ sẽ rất khó chịu nếu bạn đến trễ hay sai hẹn.

Với tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt về kinh tế cũng như khoa học - kỹ thuật, Nhật Bản đang là “miền đất hứa” cho ước mơ du học của nhiều bạn trẻ ở Việt Nam. Nhưng du học Nhật không phải là “con đường trải đầy hoa hồng”, sẽ có những lúc bạn phải đối mặt với những khó khăn, thử thách. Bí quyết để vượt qua những chướng ngại đó ngoài tri thức còn cần cả sự mạnh mẽ và bản lĩnh. Phi Hoa hy vọng, Du học Nhật Bản và những trải nghiệm của bản thân mình có thể giúp các bạn trẻ thêm vững bước để hoàn thành ước mơ.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm