Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cười rồi khóc, khóc rồi cười

Cuốn sách của tác giả Võ Tòng Đánh Mèo là sự pha trộn lẫn lộn của cảm xúc vui buồn trong lối dẫn chuyện tự nhiên như đi dạo.

Khóc cười là chuyện đời thường nhưng khóc đời, khóc bằng tiếng cười thì không phải là điều đơn giản. Đọc sách, bạn sẽ bị trôi đi theo dòng cảm xúc bởi lối dẫn chuyện tự nhiên như đi dạo. Đôi khi lời văn ngắn gọn, súc tích đến mức cộc lốc nhưng sâu trong đó là quá trình nghiền ngẫm, suy tư rờm rà, phức tạp. Đọc văn của Võ Tòng Đánh Mèo bạn sẽ không thể biết được câu tiếp theo anh ấy sẽ viết gì.

“- Thầy ơi, sao răng của con tôi lại dài thế thầy nhỉ? Nhìn như răng lợn ấy!

- Ông không thấy vừa rồi vong hiện về kêu đói sao? Đói không có gì ăn thì răng nó phải dài ra thôi!”

Bởi vậy, cảm xúc bạn rất dễ được đẩy lên chỉ sau một câu rất ngắn, nó có thể khiến bạn cười ha hả, nhưng cũng có thể làm bạn lặng người đi vì sự trăn trở…

“- Tại sao con chó nó được tiểu tiện, còn tôi thì không?

- Vì ông chủ của nó đã trả tiền! Tôi chỉ quan tâm đến tiền, không cần biết là người hay chó!”.

Ảnh bìa cuốn sách.
Ảnh bìa cuốn sách.

Trào phúng là một nghệ thuật khó, bởi nếu làm không đúng sẽ rất vô duyên, phản cảm. Có lẽ Võ Tòng Đánh Mèo nhận thức rất rõ điều này, bởi vậy giọng điệu và cách pha trò của tác giả rất chuẩn mực, khi nào cần bốc thì bốc, khi cần điều tiết thì cũng rất điều tiết. Hay nói cách khác, kỹ năng trào phúng đã đạt đến độ gần như điêu luyện, điều không dễ thấy ngay cả ở những cây bút lớn tuổi, từng trải chứ chưa nói gì đến một người viết trẻ.

“Đừng tưởng cứ xách cái xe máy ra đầu đường đứng là thành xe ôm đâu, nó không đơn giản thế. Trước tiên là phải có một bộ quần áo hơi cũ kỹ một chút, vì làm xe ôm mà cứ bóng loáng, phẳng lì, thơm tho như lên văn phòng thì sẽ dễ tạo khoảng cách với khách, và trông nó cứ có cái gì đó không ổn lắm, nói đúng ra là bất thường. Mà dân ta thì cứ cái gì hơi hơi bất thường là họ sợ không dám dùng”.

Mảng hiện thực phê phán và tùy bút cũng là một điểm nhấn của cuốn sách này. Hiếm có một cuốn sách nào, và cũng hiếm có tác giả nào có phong cách viết đa dạng đến thế. Võ Tòng thâm thúy và hài hước ở thể loại trào phúng thì rõ rồi, nhưng sang dòng hiện thực phê phán, anh cũng sâu sắc không kém. Kỹ năng miêu tả diễn biễn tâm lý nhân vật rất chắc và logic khiến truyện của anh hầu như không có những đoạn bị gấp khúc, nó luôn liền một mạch và rất trôi. Mà với những người đọc khó tính thì đó là yêu cầu cần phải có.

“Trẻ sơ sinh thì chỉ biết khóc, biết ăn, rồi tè, rồi ị, chứ còn bố hắn, ngoài những thứ đó ra, ông còn biết chửi nữa. Trái ý một tí là chửi. Cháo nấu hơi nhừ cũng chửi; khăn mặt vắt hơi khô cũng chửi, hắn nghe quen rồi, thành ra không thấy khó chịu nữa. Chỉ có một chuyện mà mỗi lần ông rủa tới là mặt hắn tối sầm, rồi hậm hực bỏ ra ngoài: “Đồ bất hiếu, bất tài, đẻ mãi mà không ra được cho tao đứa cháu trai, mày muốn cái nhà này tuyệt tự hả? Muốn tao chết không nhắm mắt hả?”

Lúc cần tinh tế thì rất tinh tế, lúc cần đơn giản thì rất đơn giản, lúc thì ngôn từ chân chất, lúc lại cực bay bổng. Có lẽ, bởi sự đa dạng trong tư tưởng, trong giọng văn và trong phong cách viết nên đôi khi chỉ trong một bài viết của Võ Tòng Đánh Mèo cũng đã thể hiện đầy đủ hết các phẩm chất của tác giả.

Dù là truyện trào phúng như Làm dâu phố cổ thì vẫn có những đoạn tả cảnh đầy lãng mạn: "Có lẽ khi ấy, em cũng giống như bao nhiêu người khác, chỉ biết đến Phố Cổ với những nhà hàng, cửa hiệu hào nhoáng, có những ông Tây lang thang trên những con phố lung linh, ngợp lá thu vàng, mà không thấy rằng, phía sau những ánh đèn long lanh ấy là rất nhiều những con ngõ nhỏ gầy gò, ẩm thấp, là những dãy nhà xập xệ, xuống cấp, là những căn phòng chật chội, tối tăm".

Dù là truyện nặng về nhân tình thế thái như Mèo hoang thì vẫn có những đoạn miêu tả mang nét mỉa mai không thể lẫn với ai: “Nhìn ả không khác gì một cái xác khô đội mồ sống dậy, nom qua đã phát khiếp, vậy thì tìm đâu ra một thằng đàn ông ngu ngốc chịu bỏ tiền để ôm ấp, giày vò cái thây ma ấy? Thế nhưng ả vẫn phải đi, vắt nốt chút sức lực cuối cùng này, lê lết cái thân xác bệu bã này trên đường, mong kiếm được một khách làng chơi bần cùng, ăn tạp, không quan trọng nhan sắc, không đòi hỏi phổng phao, không yêu cầu non trẻ. Nhưng hỡi ôi, đàn ông có thể không quan tâm đến những thứ đó khi tìm vợ, chứ tìm gái điếm, thử hỏi có thằng nào không?”

Cười rồi khóc, khóc rồi cười sẽ mang đến cho độc giả những xúc cảm đúng như cái tên của nó vậy. Còn gì tuyệt hơn là một mình bạn một với một góc thu bình yên của Hà Nội, cầm cuốn sách trên tay để rồi cùng với cuộc đời ta khóc, ta cười. 

Huỳnh Anh

Bạn có thể quan tâm