Ngày 9/12, trên thị trường tự do, giá USD nhích nhẹ. Tại Hàng Bạc, Hà Trung (Hà Nội), giá USD “chợ đen” giao dịch phổ biến ở mức: 22.610 đồng/USD-22.640 đồng/USD, tăng 10 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với hôm trước. “Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra rất thấp. Hiện, đa số những người tìm đến đây là để thăm dò, hỏi giá chứ người mua chỉ túc tắc không nhiều bằng hai tuần trước”, chị Huyền Anh, người chuyên thu đổi ngoại tệ lâu năm cho hay.
Đổi lại, trong các ngân hàng thương mại, thị trường tỷ giá khá “lặng sóng” với việc giá niêm yết tại hầu hết các ngân hàng được giữ nguyên, ngoại trừ Vietcombank điều chỉnh niêm yết tỷ giá VND/USD tại mức mua vào là 22.430 đồng/USD và bán ra là 22.500 đồng/USD, giảm 40 đồng/USD chiều bán ra.
Ảnh minh họa. |
Tại Bản tin thị trường nợ vừa phát đi, Công ty Chứng khoán MBS cho rằng: Tỷ giá VND/USD có xu hướng tăng mạnh trong hai tuần cuối tháng 11. Biểu hiện cụ thể nhất là một số NHTM đã điều chỉnh tỷ giá chào mua và chào bán lên sát mức trần cho phép của NHNN.
Năm 2015, tính đến ngày 9/12, tỷ giá VND/USD đã tăng 5% so với mức cam kết 2% đầu năm. Đợt tháng 9/2015, một cán bộ phụ trách ngoại hối một ngân hàng cổ phần từng bật mí: Vừa ký quyết định thưởng cho phòng kinh doanh ngoại tệ của nhà băng này vì phán đoán đúng tỷ giá bị “đánh lên” mà ngân hàng thu được một khoản lợi nhuận kha khá. Một lãnh đạo NHNN thừa nhận: “Tỷ giá bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý rất nhiều. Có những tác động tâm lý khiến nhà nước phải bỏ cả chục triệu, thậm chí trăm triệu USD ra can thiệp, đôi khi chỉ vì một vài nhận định, đánh giá”.
“Tỷ giá sẽ ổn định từ nay đến hết năm, và sẽ được cố gắng giữ ổn định cả những tháng đầu năm 2016”, vẫn vị lãnh đạo NHNN trên cho biết. Cụ thể hơn, theo phân tích của nhà điều hành, tỷ giá từ nay đến hết năm sẽ không thay đổi, vì bất cứ lý do gì, bởi các đợt điều chỉnh tỷ giá của NHNN đã “hồi đáp” đợt phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ Quốc gia cho biết, điều hành tỷ giá đang xuất hiện những yếu tố thuận lợi như: Kiều hối được dự báo sẽ chảy về ổn định khoảng 12 tỷ USD năm nay; giải ngân vốn FDI lên đến 18 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay; thâm hụt thương mại dự báo khoảng 4 tỷ USD. “Từ đó, có thể thấy không có cơ sở điều chỉnh tỷ giá cuối năm nay. Tuy nhiên, sang năm 2016, khi Việt Nam vào Cộng đồng kinh tế ASEAN – mục tiêu giữ không điều chỉnh tỷ giá đến hết quý I/2016 chắc khó hơn”, ông Ngân nhận định. Dự đoán về mức điều chỉnh tỷ giá 2016, ông Ngân cho hay, tỷ giá năm tới dự đoán biến động tăng 2-3% là bình thường.