Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc trò chuyện cuối cùng của cha con Đoàn Thị Điểm

Trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông Đoàn Doãn Nghi kịp truyền lại cho con gái những bài thuốc quý giá nhất ông từng ghi chép.

Tiếng cha ho sù sụ vang lên từ gian nhà giữa, ánh lửa đã hồng ở trong bếp. Nàng cầm gói thuốc Tế tân chạy xuống bếp, hỏi:

“Mẹ sắc thuốc cho cha rồi à?”

Mẹ gật đầu đáp: “Phải, mẹ thấy bệnh của cha không thuyên giảm nên đã dậy sớm sắc một ấm thuốc mới, để cha uống đủ ba chén hôm nay”.

“Ồ, thế ạ, giá mẹ làm chậm một tí thì…”

“Thì sao cơ?”

“Tối qua con có tìm được một đơn thuốc của cụ Tuệ Tĩnh nói về vị Tế tân tức là rễ cây Tế tân, vị cay, tính ôn, không độc có thể tác dụng với cả tứ kinh: Tâm, phế, can và thận. Con cũng đã tìm thấy trong ô thuốc của cha rễ cây Tế tân đã phơi khô, con định gia giảm một chút cho ấm thuốc hôm nay sắc để cha uống”.

Bà phu nhân nghe vậy, thở dài: “Thôi lỡ rồi, để chiều vậy con ạ. Kìa. Cha gọi con đó!”.

Nàng lắng tai nghe, có tiếng ông Doãn Nghi gọi yếu ớt: “Điểm ơi, con lên đây với cha”.

Nàng thầm nghĩ: “Mẹ thính tai hơn cả mình ư? Chắc là vì mẹ thương cha lắm”.

Ông Doãn Nghi sắc mặt nhợt nhạt, hơi thở yếu ớt khó khăn, bộ ngực gầy thỉnh thoảng lại rung lên trong một cơn ho. Thấy con gái đến ghé ngồi bên, ông ra hiệu cho con lấy một cái tráp sơn then để ở đầu giường. Ông nói giọng run run: “Con mở ra”.

Nàng mở cái tráp, trong đó có một tập giấy mỏng chép chữ nho, nàng nhìn lướt qua và thấy đó là những tờ ghi chép các bài thuốc. Chữ của cha, nét phóng túng, nếu không quen có thể không luận ra được là chữ gì.

Ông Doãn Nghi gật gù: “Cha thấy con có lòng ham mê nghề làm thuốc chữa bệnh, cha vui lắm. Đây là những tập ghi chép của cha trong nhiều năm bốc thuốc cứu người bệnh. Con giữ lấy nhé”.

Nói đến đây, ông lại ho, người rung lên. Nàng vội đỡ cha nằm xuống giường. Lặng đi một lát, ông Doãn Nghi lại gắng gượng nói: “Cha dặn con này, việc bốc thuốc chữa bệnh là một việc hệ trọng, sai một ly đi một dặm”.

Nói được mấy câu, mệt quá, ông lại dừng nghỉ, chợt nghĩ ra điều gì, ông vẫy tay ra hiệu cho cô con gái hãy đi lên nhà thư trai:

“Sắp đến giờ dạy học, con sửa soạn lên nhà giảng, kẻo học trò chờ…”. Nàng run run đứng dậy, linh tính như mách bảo có gì khác thường, hôm nay nhìn thần sắc cha khác lắm. Vâng lời cha, nàng không dám chần chờ, vội lui ra ngoài ngay.

Chân bước đi mà lòng nàng như vẫn níu lại bên giường cha. Nàng tự biết mình giống cha vẻ bên ngoài và cả trong tâm can nàng, ở đó có một ông Doãn Nghi ẩn mình với cả sự thông tuệ, tính khí khái, niềm đam mê sống vì một chữ nhân.

Người ta ai cũng trong vòng sinh lão bệnh tử, thể xác sẽ úa tàn, sẽ tiêu tan, nhưng nhân tâm của người ta sẽ không tiêu tan, nhân tâm ấy sẽ di truyền từ đời này sang đời khác.

Cha ơi, con hiểu cha, nhân tâm của cha ở trong lòng con đây. Nàng nghĩ như thế cho tới khi bước vào thư trai giảng bài cho học trò.

[...]

Người cha khẽ động đậy mái đầu [...]. Bỗng ông nấc to một tiếng, tay cố gượng giơ lên ra hiệu, đôi môi mấp máy: “Điểm… Điểm… con…”.

Đúng lúc đó như có thần giao cách cảm, nàng đang rón rén đi vào trong nhà, nàng chạy ù đến bên giường cha, hai tay run rẩy nắm chặt lấy tay cha. Ông Doãn Nghi mở mắt ra nhìn thấy con gái, trên đôi môi ông thoáng một nụ cười. Ông thở hắt ra, mắt đứng tròng.

“Cha ơi!”

Tiếng khóc nghẹn ngào của Thị Điểm vang lên. Đại tang của gia đình họ Đoàn đã đến thật rồi.

Lê Phương Liên/ NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY