Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nơi tập trung nhiều của cải và quyền lực nhất hành tinh, lại vừa diễn ra giữa pháo đài tự nhiên của băng tuyết trên dãy núi Alps của Thụy Sĩ.
Tổng thống Trump có bài phát biểu theo lịch trình vào ngày 21/1. Hàng chục nhà lãnh đạo thế giới khác cũng tham dự cùng với các CEO, quản lý quỹ, các ông trùm và một số người nổi tiếng.
Hội nghị năm nay đánh dấu năm tổ chức thứ 50 kể từ khi nó bắt đầu vào năm 1971, đánh dấu một nửa thế kỷ đầy biến động của chính trị cùng sự bùng nổ và tàn lụi của kinh tế.
Một tấm bảng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới treo ở Davos, Thụy Sĩ, ngày 19/1. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Washington Post, trong nhiều năm, Davos, nơi tụ họp của các nhà lãnh đạo toàn cầu, đại diện cho sự sùng bái một thế giới quan đặc biệt: niềm tin gần như hoàn toàn vào các lợi ích của chủ nghĩa tự do và toàn cầu hóa, gắn liền với nhận định rằng những người đứng đầu các công ty có thể trở thành những người giám hộ và thậm chí là có đạo đức cho phúc lợi chung.
Niềm tin đó giờ lung lay
Sự gián đoạn và vết thương của thập kỷ vừa qua đã thử thách niềm tin của Davos vào chính mình. "Chàng Davos" - một người đàn ông giàu có, mang tư tưởng toàn cầu cuối cùng đã trở thành đối tượng của sự chế giễu và mất lòng tin đối với cả chính trị cánh tả và cánh hữu.
Khủng hoảng tài chính, chủ nghĩa dân túy dân tộc gia tăng ở phương Tây, sự bành trướng của Trung Quốc và sự gia tăng đều đặn của biến đổi khí hậu đã thuyết phục nhiều người rằng không có gì ngăn cản được tiến trình tự do.
Một cuộc thăm dò dư luận toàn cầu mới trên hàng chục nghìn người cho thấy hơn 50% những người được khảo sát hiện nay cho rằng chủ nghĩa tư bản "làm hại nhiều hơn là tốt".
Mỗi năm, diễn đàn đều bị truyền thông hoài nghi. "Đây là một cuộc đoàn tụ gia đình cho những người, theo quan điểm của tôi, đã phá vỡ thế giới hiện đại", Anand Giradharadas, tác giả và nhà phê bình hoạt động từ thiện của tỷ phú, nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình năm ngoái.
"Davos có thể giữ tôn chỉ của mình không?", Economist đặt câu hỏi vào cuối tuần trước. "Từng là ngọn hải đăng của hợp tác quốc tế, Davos giờ trở thành trò cười", New York Times nhấn mạnh.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos năm 2020. Ảnh: AFP/Getty. |
Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành của diễn đàn, tin chắc rằng thời điểm hiện tại cần nhiều Davos hơn chứ không phải ít hơn.
Trước thềm các cuộc họp tuần này, ông đã công bố bản tuyên ngôn mới của Davos, ông kêu gọi các công ty "trả thuế công bằng, không khoan nhượng đối với tham nhũng, duy trì nhân quyền trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ và ủng hộ sân chơi cạnh tranh".
Schwab cho rằng đường hướng này sẽ khắc phục sự bất bình đẳng thế giới và có thể giúp các chính phủ đáp ứng các mục tiêu khí hậu theo thỏa thuận Paris 2015.
"Các lãnh đạo doanh nghiệp giờ có cơ hội đáng kinh ngạc. Bằng cách trao cho các nhà tư bản mục đích cụ thể, họ có thể vượt ra ngoài nghĩa vụ pháp lý của mình và duy trì nghĩa vụ của mình đối với xã hội", Schwab viết trong bài bình luận xuất bản tháng trước.
Trong nghiên cứu kết hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Oxfam nhận thấy các tỷ phú thế giới kiểm soát khối tài sản nhiều hơn 4,6 tỷ người, tương đương 60% nhân loại.
Bất bình đẳng gia tăng, biến đổi khí hậu thêm trầm trọng
"Thêm một năm nữa, một dấu hiệu khác cho thấy cuộc khủng hoảng bất bình đẳng đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Bất chấp cảnh báo lặp đi lặp lại về bất bình đẳng, các chính phủ đã không đảo ngược tiến trình của nó", Paul O’Brien của Oxfam Mỹ cho biết.
"Một số chính phủ, đặc biệt là Mỹ, đang thực sự làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng bằng cách cắt giảm thuế cho những người giàu nhất và cho các tập đoàn trong khi cắt giảm các dịch vụ công cộng và mạng lưới an toàn - như chăm sóc sức khỏe và giáo dục - những thứ thực sự chống lại bất bình đẳng", Paul O’Brien nhận xét.
Một số người tham dự Davos đồng tình. "Chiếc bánh kinh tế đang lớn hơn bao giờ hết trong lịch sử, điều đó có nghĩa là chúng ta có thể làm cho mọi người hưởng lợi nhiều hơn, nhưng chúng ta đã chọn một xã hội bỏ lại rất nhiều người phía sau", Erik Brynjolfsson, giám đốc Sáng kiến MIT về Kinh tế Kỹ thuật số, nói với Washington Post.
"Điều đó không chỉ không tha thứ được về mặt đạo đức mà còn thực sự rất tệ về mặt chiến thuật", ông cho biết.
Nhà hoạt động khí hậu Thụy Điển Greta Thunberg trong cuộc biểu tình ngày 17/1 tại Lausanne, Thụy Sĩ, trước cuộc họp của các lãnh đạo thế giới ở Davos. Ảnh: Getty. |
Trong một kịch bản hoàn toàn khác, Tổng thống Trump ca ngợi sự thành công của các chính sách kinh tế và thương mại của ông. Trong quá khứ, các biện pháp bắt nạt và tận dụng thuế quan của ông đã xáo trộn trật tự của Davos.
Ông chỉ trích các nhà hoạt động môi trường là những người mang tiếng lời "tiên tri về sự diệt vong", trong khi triển vọng kinh tế của nước Mỹ đang tươi sáng.
Mặc dù tổng thống đã không nhất quán trong cách thực thi thế giới quan của mình, Trump trước nay luôn làm rõ rằng ông không có kế hoạch từ bỏ chiến thuật mạnh tay của mình ngay cả khi chúng ngày càng đối địch cả bạn bè và kẻ thù của Mỹ, khiến Mỹ có khả năng bị cô lập nhiều hơn trên trường quốc tế.
Greta Thunberg và 3 nhà hoạt động môi trường khác ngồi ở hàng ghế cử tọa lắng nghe bài phát biểu của tổng thống Mỹ.
Mặc dù ông Trump gần như chắc chắn sẽ không chú ý đến lời kêu gọi của Thunberg, nhưng đại diện của các công ty lớn tham dự diễn đàn đang nỗ lực cho thấy họ đang điều chỉnh mô hình kinh doanh như thế nào để phù hợp với các vấn đề khí hậu.
Hai năm trước, Schwab đã thu hút những lời chỉ trích cho những gì được xem là một bài phát biểu nịnh bợ để chào đón ông Trump đến diễn đàn. Hiện tại, ông có nhiều mâu thuẫn hơn với tổng thống Mỹ, không chỉ về sự cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu.
"Chúng tôi không muốn đạt đến điểm tới hạn không thể đảo ngược về biến đổi khí hậu. Chúng tôi không muốn các thế hệ tiếp theo kế thừa một thế giới trở nên thù địch hơn bao giờ hết", ông Schwab nói với các phóng viên tuần trước.