Tổ chức Oxfam công bố báo cáo “Time to Care” về bất bình đẳng kinh tế toàn cầu trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên tại Davos, Thụy Sĩ. Nghiên cứu cho biết phụ nữ trên khắp thế giới mỗi ngày tạo ra cho nền kinh tế khoảng 12,5 tỷ giờ lao động.
Đóng góp của lao động là phụ nữ và trẻ em gái, được trả công không xứng đáng hoặc không được trả công, cho nền kinh tế toàn cầu mỗi năm nhiều gấp 3 lần các ngành công nghệ. Tổng giá trị tạo ra mỗi năm của nhóm yếu thế này lên đến 10.800 tỷ USD.
Người biểu tình phản đối Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại thành phố Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters. |
“Lao động nữ giới không được trả công chính là động lực chưa được nhìn nhận của nền kinh tế hiện nay. Điều này phải thay đổi”, Amitah Behar, CEO Oxfam tại Ấn Độ, trả lời Reuters.
Behar nhấn mạnh mức độ bất bình đẳng trong nền kinh tế toàn cầu đang bùng nổ. Ông so sánh trong khi các tỷ phú đến Davos bằng máy bay riêng và lối sống thượng lưu, thì tại Ấn Độ một người phụ nữ vẫn phải làm việc gần 16-17 tiếng/ngày vừa phải lo cho con cái, gia đình, vừa làm những công việc với đồng lương rẻ mạt.
“Đó không chỉ là một người. Tại Ấn Độ, tôi gặp những trường hợp đó mỗi ngày. Điều này diễn ra khắp thế giới. Chúng ta phải thay đổi, và chắc chắn cần chấm dứt cuộc bùng nổ tỷ phú này”, ông chia sẻ.
Theo Behar, để giải quyết tình trạng bất bình đẳng, bước đầu các chính phủ cần đảm bảo việc buộc người giàu đóng thuế đầy đủ là ưu tiên lớn nhất. Số tiền đó cần được ưu tiên chi cho các vấn đề như nước sạch, chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng trường học.
“Nếu bạn quan sát khắp thế giới, hiện có hơn 30 nước nổ ra biểu tình. Người dân xuống đường và họ đòi hỏi những gì? Họ không chấp nhận bất bình đẳng. Họ không chấp nhận sống trong tình trạng hiện nay”, ông nhận xét.