Khi bắt đầu bước chân vào địa hạt sử học vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước, Tạ Chí Đại Trường đã gây nên một sự chú ý rất lớn đối với những người đương thời quan tâm đến lĩnh vực này bằng tác phẩm Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến 1802.
Trong công trình nghiên cứu đầu tay của mình, ông đã lật lại vấn đề vai trò của nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam cũng như mối tương quan về nhiều mặt giữa hai nhân vật quan trọng nhất trong cuộc chiến quyền lực kéo dài trong hơn 30 năm là Quang Trung – Nguyễn Huệ và Gia Long – Nguyễn Ánh.
Từ xuất phát điểm này, lối viết khác lạ và nhãn quan sử học độc đáo sẽ hiện diện xuyên suốt trong nhiều tác phẩm về sau đã định danh Tạ Chí Đại Trường, mà tiêu biểu nhất trong số đó phải kể đến Thần, người và đất Việt.
Trong cơn lốc lịch sử
Tác phẩm này được nhà nghiên cứu hoàn thành và xuất bản lần đầu tiên ở trong nước vào năm 1989. Đây là giai đoạn mà một lớp người vẫn ở trong tình cảnh “vật vờ áo cơm, hoảng loạn tinh thần” sau những biến động của thời thế.
Sự thất tán và khan hiếm về mặt tư liệu cũng như việc thiếu vắng một không gian học thuật chuyên sâu trong giai đoạn đất nước chỉ vừa chuyển sang thời kỳ mở cửa đã gây nên ít nhiều khó khăn cho giới nghiên cứu đương thời.
Tuy nhiên, với Tạ Chí Đại Trường, ông lại coi đây như “một cơ hội thoát khỏi sức nặng của kinh điển để cho trí óc được bay bổng”. Và từ đó, một trong những tác phẩm nổi bật nhất trong việc nghiên cứu về sự biến đổi trong thế giới tâm linh của người Việt đã ra đời.
Đó là thành quả của quá trình làm việc nghiêm túc với lối tư duy khác biệt của tự thân tác giả dựa trên chất liệu của nhiều nguồn thông tin mà ông đã thu thập được bằng nhiều phương tiện khác nhau.
Thâu tóm trong 11 chương của tác phẩm, Tạ Chí Đại Trường đã phần nào vẽ lại một cách rõ nét “cách thức suy nghĩ và ứng xử của người Việt trong đời sống tâm linh” cũng như “những biến chuyển văn hóa ẩn sâu dưới lớp hỗn độn của thần thoại, huyền sử và tín ngưỡng”.
Ở đó, vượt lên những ảo vọng và tô vẽ của những lớp người trước hay những định dạng phát xuất từ ý đồ thế tục đã gây ảnh hưởng lên cả tư duy của giới nghiên cứu sau này, Tạ Chí Đại Trường đã lột tả một cách chân thực hình dáng của các vị thần linh Việt cùng những sự biến đổi và hỗn dung về văn hóa tâm linh trong suốt chiều dài lịch sử.
Cõi thần và cõi người
Trong Thần, người và đất Việt, Tạ Chí Đại Trường đã phác họa lại một lộ trình phát triển, biến đổi và kết hợp của hệ thống thần linh trong đời sống tín ngưỡng của người Việt từ cổ đại cho đến thời cận hiện đại. Lộ trình này cũng đồng thời theo sát với lộ trình phát triển của lịch sử với những biến động và ly loạn của thời thế.
Bằng cách đó, ông đã làm nổi bật lên mối liên hệ mật thiết giữa tâm linh và thế tục. Những biến chuyển của đời sống vật chất cũng đồng thời tác động rất lớn đến việc làm thay đổi những quan niệm và trật tự trong thế giới tinh thần.
Bên cạnh việc chỉ ra những thay đổi xuất phát từ tự thân của đời sống dân cư, Tại Chí Đại Trường cũng thực hiện những động tác nhằm “giải ảo” cho nhiều hình tượng mang tính biểu trưng trong lịch sử.
Những cái tên hiện diện dưới hình dáng nhân thần “hộ quốc an dân”, thậm chí được tôn vinh lên hàng “anh hùng dân tộc” như Thánh Gióng, Cao Lỗ, Triệu Quang Phục… lần lượt được tác giả lột bỏ lớp áo linh thiêng mà giới cầm quyền trong chế độ quân chủ phong kiến đã khoác lên với những ý đồ khác nhau và “trần tục hóa” trở lại dưới hình dáng sơ khai của các vị thần cây, thần đá… theo những cách lập luận hết sức khéo léo, thực tế nhưng cũng không kém phần thuyết phục.
Đối với những người quen tiếp cận lịch sử theo lối kinh viện, điều này có thể gây nên những “cú sốc” rất lớn và là điều khó có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nhìn từ một khía cạnh khác, nó lại góp phần làm cho việc nghiên cứu về văn hóa, lịch sử trở nên phong phú và gần gũi hơn với đời sống thực tại.
Sự kiến tạo, phát triển hay kết hợp của hệ thống thần, thánh bản địa và ngoại lai cũng đồng thời phản ánh rõ nét những biến động khác nhau trong quá trình biến đổi của lịch sử Việt Nam qua những giai đoạn, triều đại hay thể chế khác nhau với những ảnh hưởng và kháng cự khác nhau xảy ra trong nội bộ dân tộc hay đối với những luồng văn hóa từ phía bên ngoài.
Những chân trời mới
Tuy nhiên, ở Thần người và đất Việt, sự thay đổi, kết tập của hệ thống thần linh và những biến dịch trong thế giới tâm thức cư dân Việt không chỉ trong dòng chảy của thời gian mà còn biểu hiện qua chiều kích không gian.
Bên cạnh sự phát triển của tín ngưỡng bản địa và những dấu ấn nhất định của văn hóa phương Bắc, theo bước chân của các tù binh Chàm, luồng ảnh hưởng từ tín ngưỡng phương Nam cũng bắt đầu len lỏi vào trong đời sống của cư dân đồng bằng sông Hồng bắt đầu từ những triều đại Lý, Trần,…
Luồng ảnh hưởng này được biểu hiện cụ thể bằng những hình tượng thần linh, nghi thức thờ tự đậm màu sắc phồn thực hoặc mang tính chất biển. Đồng thời, ở một số giai đoạn, sự trỗi dậy mạnh mẽ và biến chuyển của các vị nữ thần mà sự hỗn giao Việt – Hoa – Chàm được biểu hiện một cách rõ nét qua nhiều phương diện.
Sự chuyển biến càng trở nên rõ nét hơn trên phần lãnh thổ phía Nam kể từ sau thời kỳ các chúa Nguyễn xây dựng nên thiết chế quyền lực đối địch với triều đình trung ương ở Thăng Long. Trong hoàn cảnh mới, một chiều hướng tâm linh mới cũng được sản sinh trong tâm thức những cư dân Việt ly hương lúc bấy giờ.
Bên cạnh đó, sự xa rời ý thức hệ Nho giáo gắn liền với sự độc tôn và kìm hãm cũng đã góp phần vào quá trình phát triển phong phú của hệ thống tín ngưỡng tại vùng đất mới.
Đặc biệt, khi cương vực quốc gia bắt đầu trải rộng đến tận vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, sự nảy sinh tín ngưỡng giữa một tập hợp dân cư đa dạng về sắc tộc lại càng diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, việc khảo sát về sự biến dịch của hệ thống thần linh qua các triều đại quân chủ “không dừng lại với sự tàn tạ của hệ thống này tiếp theo sự sụp đổ của nhà Nguyễn”, Tạ Chí Đại Trường còn kéo dài quá trình khảo sát của mình cho đến thời hiện đại, khi một sự kết hợp thần linh mang tính chất khác biệt diễn ra song hành cùng những biến động của thời đại.
Cùng với việc phác họa lại hành trình phát triển và biến đổi của hệ thống thần linh từ thời sơ khai cho đến hiện đại dưới nhãn quan sử học độc đáo như vậy, tác giả cũng đồng thời phản ánh một cách rõ nét những phương cách ứng xử của người Việt qua nhiều thế hệ đối với thế giới siêu nhiên.
Những phương cách ứng xử đó không tồn tại một cách bất biến mà luôn có sự thay đổi song hành với sự thay đổi của hoàn cảnh, môi trường, thời đại mà con người phụ thuộc.
Và chính từ những điểm này, chúng ta còn có thể nhận ra sự gắn bó chặt chẽ của khía cạnh tâm linh không chỉ đối với tư duy, đời sống của cộng đồng cư dân Việt trải dài từ Bắc đến Nam mà còn liên hệ đến cả một chu trình phát triển của cả quốc gia trên suốt dặm dài lịch sử.
Phan Kế Bính và thông điệp về quốc tuý phong tục Việt Nam
“Tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy” là thông điệp mà nhà nho duy tân Phan Kế Bính đã gửi gắm qua tác phẩm mang đậm tinh thần phản biện của mình.
Khúc ca của niềm hạnh phúc hân hoan
1
"Khúc ca của những nàng tiên cá" chứa đựng nhiều yếu tố huyền thoại, đem đến cho câu chuyện truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh một góc nhìn mới lạ độc đáo.
'Ngọn lửa đen': Huyền tích về loài ngao Tạng
1 1
Truyền thuyết về những chú chó ngao Tây Tạng “to hơn chó sói, mạnh hơn báo hoa, nhanh hơn hươu nai” được kể bằng một giọng văn hiện đại, mới lạ nhuốm màu huyền thoại…