Tại sao Hùng Vương lại yêu cầu những lễ vật của núi rừng như voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mà không phải là ngọc trai, san hô, đồi mồi – những sản vật của sông biển.
Tại sao Thủy Tinh luôn thua trong mọi cuộc chiến với Sơn Tinh.
Có bí ẩn gì phía sau những huyền thoại ấy?
Khúc ca của những nàng tiên cá đưa độc giả đến với thế giới thủy cung đầy màu sắc, với muôn loài san hô lung linh sắc màu, và từ đó những bí ẩn sẽ dần được khai mở, vô cùng thú vị và độc đáo.
Ở đó là vương quốc của Thủy Tinh, có một Đại Vương tính tình nóng nảy, hiếu thắng nhưng cũng tốt bụng và biết lắng nghe, có Tiến sĩ Chép Trắng là người hiểu biết, học rộng tài cao, luôn khiêm nhường và hết lòng vì Thủy Tinh, có sử gia Rùa Vàng không bao giờ bỏ bạn bè trong lúc khó khăn, lại có Vàng Con, dù mới “sáu tuần trăng tuổi” nhưng vô cùng dũng cảm, thông minh và có lòng hào hiệp, có Ba Ba con trọng tình trọng nghĩa...
Bên cạnh những nhân vật tốt, ta cũng thấy không ít những con vật xấu, như Bạch Tuộc mưu mô độc ác, Cá Sấu, Mè Hoa tham lam xảo quyệt...
Cuốn truyện còn có sự xuất hiện của các nhân vật trong truyền thuyết Việt Nam như Vua Hùng, thần Kim Quy, Mị Nương.... Nhưng được xây dựng bằng những hình ảnh, câu chuyện rất gần gũi với đời sống thường ngày.
Thế giới thủy cung có thể xem là một tấm gương phản chiếu đời sống của con người, nhưng có khả năng khơi gợi nên những vùng tưởng tượng độc đáo. Những hình ảnh như Núi mặt trăng giữa hai hòn đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi ở của thần Kim Quy, hay hình ảnh cuộc thi vượt vũ môn... đều là những hình ảnh đẹp đẽ. Đó là thế giới mà trẻ thơ luôn khao khát được chiêm ngưỡng.
Sự xuất hiện của hai đứa trẻ từ thế giới loài người, với câu chuyện về “tri thức” và “ước mơ” có lẽ chính là điểm mấu chốt của câu chuyện, đem lại kịch tích cho tác phẩm, và cũng là cơ hội để Đại Vương Thủy Tinh nhìn nhận vấn đề một cách sáng suốt và thấu đáo hơn.
Tác phẩm Khúc ca của những nàng tiên cá của nhà văn Lan Phương. |
Song song với những hình ảnh của vương quốc thủy cung đẹp đẽ, Khúc ca của những nàng tiên cá cũng tái hiện lại những chết chóc, hôi thối, tàn bạo của cuộc chiến tranh giữa Sơn Tinh – Thủy Tinh. Những hình ảnh ấy khiến độc giả có cái nhìn chân thực về sự khắc nghiệt của những cuộc chiến tranh. Dù cuốn sách viết cho thiếu nhi nhưng những độc giả lớn tuổi cũng sẽ nhận ra được nhiều điều có giá trị trong câu chuyện này.
Tác phẩm đan cài rất nhiều bài học về tình bạn, về gia đình, đồng thời ca ngợi một cuộc sống hòa bình, nhân ái. Với lối văn trầm tĩnh, mạch lạc rõ ràng, nhưng cũng không kém phần bay bổng, nhà văn Lan Phương đã khiến những bài học đạo đức trở nên rất dễ chịu, và dễ tiếp nhận.
Thông qua hành trình của Tiến sĩ Chép Trắng và con trai Vàng Con, nhiều những kiến thức về các loài vật sống dưới nước đã được đề cập, đem đến cho những độc giả nhí những tò mò, thích thú và hứng khởi.
Vốn là một giáo viên, lại rất am hiểu những câu chuyện truyền thuyết dân gian của dân tộc, nhà văn Lan Phương đã khéo léo đan cài những bài học cũng như những kiến thức văn chương trong câu chuyện của mình, khiến mỗi độc giả bước vào câu chuyện không chỉ cảm thấy vui thích mà còn được khơi gợi được niềm yêu mến của các em dành cho những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích của Việt Nam.
Tiếng hát của các nàng tiên cá vang lên ở cuối câu chuyện chính là một bản hòa ca vui tươi, là ước mơ, cũng là lời nhắn nhủ thân thương đến với cuộc đời này.
“Từ biển cả mênh mông
Đến dòng sông rộng lớn
Qua suối ngàn kênh rạch
Khắp nơi trên thế gian
Tràn đầy dòng nước mát,
Mối bất hòa muôn đời
Tan nhanh thành mây khói”
Mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ trôi đi, mọi điều đau khổ sẽ được hóa giải, chỉ còn lại tiếng hát hân hoan của niềm hạnh phúc, nếu như vạn vật trên thế gian có thể sống ăm ắp tình yêu thương, đó là điều quan trọng nhất và cũng là hạt mần tốt đẹp nhất cần được ươm trồng trên mảnh đất này.