Cách hành quyết và xử lý sau các cuộc đột kích tiêu diệt Osama bin Laden và Abu Bakr al-Baghdadi khác nhau như cách biệt giữa hai vị tổng thống giám sát chiến dịch, CNN nhận định.
Cách mỗi nhà lãnh đạo điều phối thời điểm quan trọng này nói lên nhiều điều về tư duy cũng như chính sách đối ngoại của họ. Trong và sau chiến dịch đột kích tiêu diệt hai kẻ khủng bố bị truy nã gắt gao, Obama và Trump đã áp dụng các cách tiếp cận khác nhau và nhận được phản ứng khác nhau từ công chúng Mỹ.
Chỉ có một điểm chung: cả Barack Obama và Donald Trump đều muốn theo dõi quá trình tiêu diệt các trùm khủng bố.
Cả hai đều nhận thức được sức nặng của thời khắc sẽ mang theo di sản của họ. Cả hai đều muốn chứng kiến những gì xảy ra.
Hình ảnh từ video đăng trên trang web hôm 29/4 cho thấy thủ lĩnh của IS, Abu Bakr al-Baghdadi, được cơ quan truyền thông của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) phỏng vấn. Ảnh: AP. |
"Như thể bạn đang xem một bộ phim", ông Trump hồi tưởng hôm 27/10, sau khi thông báo về cái chết của thủ lĩnh IS bằng hình ảnh chi tiết.
"Chúng tôi chủ yếu theo dõi những gì đang xảy ra trong thời gian thực", ông Obama kể lại với CNN vào năm 2016, năm năm sau khi Biệt kích Hải quân SEAL tiêu diệt chủ mưu vụ 11/9.
Thời khắc quan trọng của hai tổng thống
CNN nhận định ông Obama đã thận trọng và tránh tiết lộ chi tiết về cuộc đột kích. Ông Trump háo hức bình phẩm và tự mình đưa ra nhiều tình tiết cụ thể.
Trong khi ông Obama và các trợ lý cẩn thận để tránh làm tổn thương những người đi theo bin Laden, ông Trump tô vẽ khoảnh khắc cuối cùng của Baghdadi với mô tả rằng ông ta "rên rỉ, khóc lóc và la hét suốt".
Các bức ảnh đều ghi lại khoảnh khắc căng thẳng của hai nhà lãnh đạo.
Trang trọng trong bộ suit và thắt cà vạt, ông Trump mặt lạnh ngồi ở đầu bàn họp dài của Phòng Tình huống, bao quanh là các cố vấn với vẻ mặt nghiêm trọng tương tự, một số mặc đồng phục quân sự, khi cuộc đột kích được trình chiếu trên màn hình lớn.
Xuất hiện ở vị trí trung tâm, ông Trump thể hiện ý thức về quyền lực mà ông khao khát với tư cách tổng tư lệnh.
Trong hình ảnh do Nhà Trắng công bố, Tổng thống Donald Trump cùng Phó Tổng thống Mike Pence (thứ hai từ trái sang) và các quan chức an ninh quốc gia trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng theo dõi chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS. Ảnh: AP. |
Trái ngược với ông Trump, ông Obama mặc áo polo và áo gió, nghiêng về phía trước, khi báo cáo từ Abbottabad cho biết "Geronimo" - bí danh được đặt cho bin Laden - đã bị giết. Ông Obama, hơi lệch sang một bên với chiếc ghế bị đẩy vào một góc, không phải là trung tâm của bức ảnh.
Các bức ảnh được chụp từ các phòng khác nhau: ông Trump được chụp trong Phòng hội nghị John F. Kennedy, phòng họp mang tính biểu tượng nơi tổng thống Mỹ chỉ huy các nhiệm vụ tối mật.
Ông Obama được báo cáo về cuộc đột kích bin Laden từ cùng vị trí nơi ông Trump theo dõi Baghdadi. Nhưng sau đó, ông và nhóm của mình đi đến phòng nhỏ hơn, nơi nguồn cấp dữ liệu video phát trên máy tính xách tay cung cấp hình ảnh tốt hơn. Đó là nơi bức ảnh được chụp.
Khi nhậm chức, ông Obama đã nói rõ với giám đốc CIA đầu tiên của mình, ông Leon Panetta rằng việc truy lùng bin Laden là ưu tiên hàng đầu. Chín tháng trước cuộc đột kích, ông Obama lần đầu tiên được báo cáo về khả năng Mỹ đã xác định được trùm khủng bố tại một khu vực ở Pakistan và đứng trước lựa chọn.
Tổng thống Barack Obama, Phó Tổng thống Joe Biden, cùng Ngoại trưởng Hillary Clinton và các thành viên của đội an ninh quốc gia theo dõi chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng, ngày 1/5/2011. Các tài liệu trong ảnh đã được chỉnh sửa để giữ kín nội dung. Ảnh: AP. |
Ông Trump cũng thảo luận về chiến dịch tiêu diệt Baghdadi trong nhiều tuần, khi trinh thám phát hiện thủ lĩnh IS ở một khu vực gần Idlib, Syria.
Vào ngày đột kích, ông thức dậy tại Trại David sau khi tổ chức tiệc kỷ niệm cho con gái và con rể của mình, chơi golf tại Virginia với Thượng nghị sĩ Lindsey Graham và ủy viên Liên đoàn Bóng chày, rồi trở về Nhà Trắng vào khoảng 16h30 (giờ địa phương). Nhóm của ông tập hợp trong Phòng Tình huống 30 phút sau đó.
Ông Obama trở về phòng trong Nhà Trắng để chơi bài khi Biệt kích Hải quân SEAL bay từ Afghanistan đến Pakistan và chỉ trở lại Phòng Tình huống khi các biệt kích đã ở hiện trường. Trong khi đó, ông Trump ở trong Phòng Tình huống trong suốt thời gian nhiệm vụ được thực hiện.
Tối 26/10, khi các đặc công Mỹ trở về một căn cứ chưa được xác định, ông Trump đã đưa ra dòng tweet khó hiểu "Một việc trọng đại vừa diễn ra!". Ngay sau đó, Nhà Trắng cho biết ông sẽ có "thông báo quan trọng" vào sáng hôm sau.
Tranh luận về thời điểm công bố
Các cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump tranh luận về việc liệu có quá sớm để tuyên bố chiến thắng hay không, vì Mỹ thiếu bằng chứng rõ ràng rằng Baghdadi là người đã bị tiêu diệt trong nhiệm vụ trên.
Tuy nhiên, ông Trump rất nóng lòng thông báo tin tức. Các thông tin về nhiệm vụ ở Syria và mục tiêu của nó nhanh chóng xuất hiện trên báo chí.
Cuối cùng, các cố vấn đã thuyết phục ông Trump thông báo về cái chết của Baghdadi vào lúc 9h sáng 27/10, ngay đầu bản tin chính trị hàng tuần để thu hút thêm sự chú ý. Nó cũng cho các quan chức Mỹ thêm thời gian để xác minh mục tiêu.
Hình ảnh chụp từ trên không ngày 27/10 cho thấy địa điểm bị trực thăng không kích, nơi 9 người chết gần làng Barisha, phía tây bắc Syria thuộc tỉnh Idlib, dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty. |
Các trợ lý của ông Obama cũng từng tranh luận về việc công bố cuộc đột kích bin Laden ngay buổi tối hôm đó hay sáng hôm sau. Hầu hết ủng hộ việc chờ đợi, bao gồm ông Obama, người muốn xác minh thêm rằng bin Laden đã bị tiêu diệt.
Sau khi McRaven nói với ông rằng một đặc nhiệm SEAL, người có cùng kích cỡ với bin Laden, đã nằm cạnh thi thể để xác nhận chiều cao của người này, ông Obama muốn có thêm bằng chứng và yêu cầu anh ta lấy thước dây ra đo.
Cuối cùng, thông tin về một vụ tai nạn máy bay trực thăng của Mỹ ở Pakistan bắt đầu nổi lên. Chính phủ Pakistan kêu gọi Nhà Trắng công bố tin tức này. Chỉ trong vài giờ, ông Obama đã có bài phát biểu dài 9 phút thông báo về "chiến dịch mục tiêu" ở Pakistan nhưng chỉ cung cấp vài chi tiết.
"Thành tựu ngày hôm nay là minh chứng cho sự vĩ đại của đất nước chúng ta và quyết tâm của người dân Mỹ", ông nói từ Hội trường Nhà Trắng, với tấm thảm đỏ trải dài phía sau. Bên ngoài Nhà Trắng, đám đông cổ vũ đã tụ tập.
Bài phát biểu của ông Trump có độ dài tương tự nhưng khác về giọng điệu. Mô tả Baghdadi là "kẻ bệnh hoạn và đồi trụy", người đã chết khi "khóc lóc và lẩn trốn".
"Ông ta chết như một con chó. Ông ta chết như một kẻ hèn nhát. Thế giới bây giờ là một nơi an toàn hơn nhiều. Chúa phù hộ nước Mỹ. Cảm ơn các bạn", ông nói trước khi trả lời câu hỏi trong hơn 40 phút trong Phòng Tiếp tân Ngoại giao của Nhà Trắng. Không có đám đông cổ vũ bên ngoài Nhà Trắng, theo CNN.
Sau cuộc đột kích thành công, ông Obama đã gọi điện cho người tiền nhiệm của mình, George W. Bush, người lúc đó đang ăn soufflés với vợ ở Dallas.
Theo các trợ lý, ông Trump đã không thực hiện cuộc gọi tương tự. Trong bài phát biểu tại quê nhà ông Obama hôm 28/10, ông Trump vẫn tỏ thái độ đối nghịch.
"Lẽ ra ông ta đã bị giết nhiều năm trước. Một tổng thống khác lẽ ra nên tóm được ông ta", ông Trump nói về Baghdadi trong bài phát biểu trước các cảnh sát trưởng ở Chicago.