Một tổ chức từ thiện tại Kenya đã tổ chức cuộc thi sắc đẹp dành cho người bạch tạng với mục đích giúp họ có được sự tự tin, tăng cường nhận thức và đẩy lùi bạo lực.
|
30 thí sinh từ khắp Đông Phi đã tụ hội tại Kenya trong lễ khai mạc cuộc thi sắc đẹp dành cho những người bị bệnh bạch tạng do quỹ từ thiện Kenya Albinism Society tổ chức ngày 30/11, theo Reuters. Với mục đích đẩy lùi sự kỳ thị đối với người bạch tạng, cuộc thi có khẩu hiệu “Tôi có thể nếu bạn chấp nhận tôi, không xa lánh tôi” và được coi là cơ hội tuyệt vời để giúp các bệnh nhân bạch tạng có được sự tự tin. Ảnh: AP. |
|
Các thí sinh đã thể hiện tài năng trong các lĩnh vực khác nhau tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kenyatta (KICC), như một lời tuyên bố rằng vẻ đẹp của người bạch tạng vượt ra xa khỏi sự khác biệt về màu da. Ảnh: Reuters. |
|
Okwii Simon Peter, luật sư người Uganda 26 tuổi, nói rằng anh tham gia vào cuộc thi này để chứng minh rằng sống chung với bệnh bạch tạng không khiến anh khác biệt. “Chúng tôi ở đây để nâng cao nhận thức cho mọi người và vận động họ thể hiện vẻ đẹp cũng như tài năng của mình”, anh nói với Reuters. Ảnh: Reuters. |
|
Emmanuel Silas Shedrack (trái), 20 tuổi đến từ Tanzania, và Maryanne Muigai, 19 tuổi đến từ Kenya, đã được trao vương miện Hoa vương và Hoa khôi với giải thưởng tiền mặt, đồng thời trở thành đại sứ cho các tổ chức đối tác trong vòng một năm. Ảnh: Dennis Onsongo |
|
Cuộc thi đặc biệt này kêu gọi cộng đồng không nên xa lánh người bạch tạng, bởi hiện nay họ đang phải đối mặt với sự phân biệt đối xử rất lớn, tình trạng bạo lực và đôi khi dẫn đến cái chết tại châu Phi. Sự kiện là một trong số những nỗ lực mạnh mẽ của tổ chức từ thiện Kenya Albinism Society nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người bạch tạng. Ảnh: Dennis Onsongo |
|
Vào năm 2016, Kenya Albinism Society cũng tổ chức cuộc thi sắc đẹp để chọn ra Hoa khôi và Hoa vương bạch tạng. Đây là một phần của chiến dịch hàng năm với mục đích nâng cao nhận thức của người bạch tạng nói riêng và xã hội nói chung để ngăn chặn bức hại, lạm dụng, phân biệt đối xử và kỳ thị. Ảnh: AP. |
|
Valencia Bosibori, 25 tuổi, giám đốc bộ phận chăm sóc khách hàng tại một công ty viễn thông ở Kenya, đã tham gia sự kiện tương tự được tổ chức vào năm 2016. Cô nói rằng muốn thông qua cuộc thi “để truyền tải kiến thức tới những người chưa hiểu biết về bệnh bạch tạng”. Ảnh: Reuters. |
|
Thông qua cuộc thi, tổ chức này cũng tiến hành gây quỹ thúc đẩy giáo dục, tạo công ăn việc làm và mở ra nhiều cơ hội hơn cho người bạch tạng trong các lĩnh vực xã hội và cả chính trị. Ảnh: Reuters. |
|
Cuộc thi được tổ chức dưới sự quản lý của Thượng nghị sĩ Kenya, ông Isaac Mwaura. Bộ trưởng Lao động Nội các Ukur Yatani, khách mời của chương trình, cho biết sẽ cung cấp các sản phẩm cần thiết như kem chống nắng, son dưỡng môi, mũ rộng vành và dịch vụ kiểm tra ung thư cho những người bạch tạng trên toàn quốc. Ảnh: Reuters. |
|
“Bộ lao động sẽ làm việc với tất cả các đại diện nhà tài trợ có mặt ngày hôm nay để đảm bảo mọi hoạt động của cộng đồng người bạch tạng đều diễn ra thành công”, ông Yatani nói thêm. Ảnh: Reuters. |
|
Theo Liên Hợp Quốc, bạch tạng là tình trạng di truyền hiếm gặp và không lây nhiễm, dẫn tới thiếu sắc tố ở tóc, da và mắt, khiến người bạch tạng dễ bị tổn thương dưới ánh sáng mặt trời. Bạch tạng phổ biến hơn ở vùng cận sa mạc Sahara châu Phi. Liên Hợp Quốc ước tính cứ 1/1.400 người Tanzania và 1/1.000 người Zimbabwe bị bạch tạng. Ảnh: AP. |
|
Tại một số quốc gia phía nam và phía đông châu Phi như Tanzania, Malawi, Burundi và Mozambique, những người bạch tạng là nạn nhân của sự kỳ thị và tấn công bạo lực. Người bạch tạng thậm chí bị giết để lấy tay chân và các bộ phận cơ thể khác để thực hiện một số nghi lễ, vì người dân tin rằng chúng có sức mạnh ma thuật mang lại sự giàu sang và may mắn. Ảnh: AP. |
cuộc thi dành cho người bạch tạng
Liên Hợp Quốc
Valencia
Kenya
bạch tạng
châu Phi