Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc sống xa hoa tột bậc của vua nhạc da màu

Rick James sở hữu cuộc sống xa hoa với những bữa tiệc và những cuộc ăn chơi chỉ ông hoàng mới đủ khả năng chi trả.

Rick James (1948-2004), được biết đến như một thiên tài tạo ra thể loại rock mới mẻ (nhạc funk) và là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế giới thập niên 1980. Ông cũng là ngôi sao có cuộc sống “hoang dại” khiến những nghệ sĩ phóng khoáng nhất thế giới cũng phải.. chào thua.

Sau vài năm lận đận với sự nghiệp, James phát hành album You and I và trở thành album ăn khách nhất so với mọi album từng phát hành của các nghệ sĩ da màu trước đó. Album này mang lại cho James tấm séc 2 triệu USD giúp anh mua được lâu đài từng sở hữu bởi William Randolph Hearst (ông trùm báo chí lừng danh nước Mỹ một thời).

Thành vua nhạc sau 1 đêm

James sử dụng đại sảnh của tòa lâu đài trên làm phòng thu và thành lập ban nhạc Stone City Band cũng như đỡ đầu cho các ban nhạc khác. Giữa năm 1979 và 1986, James làm 16 album và đều lần lượt phá hết kỷ lục này tới kỷ lục khác.

Năm 1981 là năm cực thịnh của James khi đĩa đơn Super Freak của James bán được hơn 40 triệu bản. Sau đó, một rapper có tên MC Hammer đã copy bản bass trái phép của Super Freak để dùng cho ca khúc U Can’t Touch This và bán được hàng triệu bản ra toàn thế giới.

Chỉ trong 1 đêm, tên tuổi của James được cả thế giới biết đến như Vua nhạc Funk, một trong những tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghiệp âm nhạc vào thời Disco đang tàn lụi. Hiện tại, Super Freak vẫn là một trong những ca khúc "biểu tượng" của nhạc Funk thập niên 1980.

Nhờ Super Freak, Rick James thành vua nhạc da màu sau 1 đêm.

Sau đó, James viết và sản xuất ca khúc cho Stevie Wonder, Smokey Robinson, the Temptations, Teena Marie, Chaka Kahn, the Stone City Band, Eddie Murphy, và nhiều nhiều nghệ sĩ khác. Các show trực tiếp của James trở thành huyền thoại. Kiểu tóc bện dài, quần da, dây lưng kim cương giả, áo sơ mi lụa dù, giày cao bồi hình trăn trở thành thương hiệu của James.

“Khi thập kỷ 70 đang dịch chuyển sang 80, Rick là kẻ hư đốn, siêu hư đốn, hư nhất trong số các trai hư ở vùng lãnh thổ màu mỡ có tên nhạc funk", nhà phê bình âm nhạc David Ritz từng viết.

Ông chủ của các nô lệ âm nhạc

Sau mỗi album mới, James càng trở nên chính xác hơn, đòi hỏi hơn, ám ảnh hơn và chuyên quyền hơn. Thứ đắt giá nhất ở anh thời gian này chính là đôi tai bản năng. Anh yêu cầu các bản thu âm phải được làm đi làm lại cho tới khi từng nốt nhạc trở nên hoàn hảo. Anh đẩy mọi người trong ê-kíp làm việc với hiệu năng cao nhất.

Sự khó tính với chất lượng âm nhạc của James trở thành giai thoại. Một lần các thành viên ban nhạc và James đang đi trên xe hơi từ Los Angeles đến Sausalito, họ vừa hít cần sa vừa uống rượu vừa nghe bản hòa âm cuối cùng của ca khúc Give It To Me Baby – vốn đang được gửi đi xuất ra băng gốc.

Danny Lamelle, giám đốc quản lý thân cận của James kể lại: “Chúng tôi tựa người ra sau xe nghe ca khúc thì đột nhiên Rick yêu cầu dừng con Winnebago lại. 'Mọi người có nghe thấy gì không?', anh ấy hỏi chúng tôi. Rồi anh ấy bật băng đi bật băng lại bắt chúng tôi ngồi đó nghe 1 tiếng đồng hồ ca khúc này. Sau đó, anh ấy chửi rủa chúng tôi, dọa sa thải chúng tôi, dọa đuổi chúng tôi xuống giữa đường cao tốc trong khi không ai trong ban nhạc hiểu được chuyện gì đang xảy ra”.

"Cuối cùng, James giải thích, rằng có một đoạn cực ngắn trong ca khúc đã bị chơi chỉ bằng một loa thay vì hai loa. 'My shit gotta be perfect' (Sản phẩm của tôi phải hoàn hảo), James nói".

Candi Ghant, một trong những thành viên ban nhạc Mary Jane Girls dưới sự bảo hộ của Rick James hồi tưởng lại việc luyện tập: “Chúng tôi - con gái  - thường luyện tập từ sáu giờ tối tới hai giờ sáng. Dù trời đất có chuyện gì đi nữa, luôn phải là ngần đó thời gian. Chúng tôi làm việc với vũ đạo 5 ngày một tuần. Thời gian còn lại chúng tôi học thanh nhạc".

Cô kể tiếp: "Rick giống như một chủ nô. Chúng tôi không được tiệc tùng, không được xõa. Chúng tôi không được phép có bạn trai. Sau các show diễn là phỏng vấn, chụp hình và rồi chúng tôi được hộ tống về khách sạn. Có người được thuê để kiểm tra giờ lên giường của chúng tôi. Ông ấy (James) như ông chủ, chồng và mẹ. Ông ấy rất rắn với chúng tôi. Nhưng nếu ông ấy làm tổn thương bạn, trước sau ông ấy cũng tặng bạn một món quà để xin lỗi".

Rick James và nhóm the Mary Jane Girls ở Lễ trao giải Âm nhạc thường niên Hoa Kỳ 1984.

Cuộc sống trong cung điện riêng ở Buffalo

Năm 1980, đoàn tùy tùng của James bắt đầu chuyển từ căn hộ triệu đô tới một trang trại gần Buffalo. Cả trang trại này được trang bị với đủ hệ thống phòng thu tiện nghi lẫn các phòng giải trí, bể bơi, bàn tennis. James thích chơi games nên đổ hàng nghìn USD vào trò Galaxian yêu thích. Cuộc sống ở đây giống như một xưởng âm nhạc có đủ mọi trang thiết bị và cũng giống như một cung điện ăn chơi.

Khi khu quần thể kiến trúc xa hoa 28 phòng rộng lớn đã chật kín người, James mua thêm nhà hàng xóm làm chỗ cho mọi người ở. Anh quan tâm đến mọi người trong đoàn. Nếu mẹ của ai phải đi viện, anh đưa tiền trả hóa đơn.

Tuy có đầu bếp phục vụ 24/24, James thường dậy sớm và tự tay nấu những bữa sáng khổng lồ. Trong các bữa tiệc, James đi từ phòng này sang phòng khác xem thức ăn, đồ uống và thậm chí giấy vệ sinh trong toilet đã đủ chưa.

Không có sinh nhật nào đi qua trong yên lặng. Đặc biệt nhất là tiệc sinh nhật dành cho diễn viên hài Eddie Murphy, với hàng trăm khách và đồ ăn la liệt trong phòng. Sau những bữa tiệc bắt đầu từ chiều tối hôm trước, James luôn là người trụ đến lúc tiệc tàn, mặc áo choàng bước qua những thân người đang say ngủ, đánh thức người bạn thân Alonzo và rời căn hộ sánh bước sang công viên dạo bộ buổi sớm mai ngập ánh bình minh. 

Ở giang sơn của mình, Rick James là chúa tể.

Những chuyến du ngoạn bạc tỷ

James thích đi mua sắm và cũng chi rộng cho tùy tùng của mình. Anh thậm chí cho họ tới 80.000 USD để họ đi mua sắm. Trong một cửa hiệu, James chỉ việc đứng và chỉ tay, mọi người khác sẽ lo lấy đồ cho anh: 30 đôi giày cao bồi, nửa tá đồng hồ làm quà cho phụ nữ, da thuộc đủ loại từ sư tử, gấu tới ngựa vằn cho “Căn phòng châu Phi” của mình, các đồ gỗ nội thất trạm khảm tinh xảo cho phòng thu, 365 bộ đồ hiệu chỉ để trưng trong 365 ngày trong khi James vẫn dùng bộ đồ quen thuộc.

Thi thoảng James lên New York trong xe sang cùng nhóm thân thiết nhất, đi ăn hàng ở những nơi thượng đẳng nhất, thưởng thức các món ăn từ khắp năm châu. Một bữa tiệc dưới trăng trên sảnh khách sản ở Hawaii hay một bữa tối sushi có giá 5.000 USD ở Los Angeles là chuyện bình thường.

Studio 54 là chốn ăn chơi quen thuộc. Nơi này James hẹn hò các siêu mẫu thời đó là Ima và Janice Dickerson. Cũng ở đây, những người nổi tiếng khác như Peter Max, Ted Kennedy Jr., Andy Warhol, Jim Brown, Ben Vereen, Robin Williams, Jack Nicholson đều có mặt.

Eddyie Murphy - diễn viên hài, nhà văn, ca sĩ, đạo diễn và nhạc công Mỹ, là bạn thân thiết và cũng là người không thể thiếu trong các bữa tiệc của James.

Có những thời gian James bay đến New Orleans để đánh bạc. Thậm chí, anh thuê hẳn du thuyền để nghỉ mát ở vịnh Caribe, tiền nhiên liệu tốn 30.000 USD. Những chuyến đi chơi này thường có ê-kíp làm nhạc cùng danh sách dài những tên tuổi nổi tiếng khác thời đó như Dizzy Gillespie, Rod Stewart, Louis Farrakhan, Princes Elizabeth von Oxenberg...

Rick James cũng dành thời gian Giáng Sinh đi thăm công nương Dianna Ross, chơi với hoàng tử Elizabeth xứ Nam Tư. Khi những cuộc ăn chơi chuyển dần sang thác loạn, James bắt đầu tăng cấp chuyển sang dùng thuốc phiện và cũng quen với những bóng hồng mà sau này ông thú nhận đã ám ảnh ông suốt cuộc đời.

http://hn.24h.com.vn/ca-nhac-mtv/cuoc-song-xa-hoa-tot-bac-cua-vua-nhac-da-mau-c73a644172.html

Theo Anh Phạm/ Khám phá

Bạn có thể quan tâm