Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc sống 'Vua bãi rác' Võ Hoài Nam sau 16 năm dừng đóng phim

Võ Hoài Nam cho biết anh mở quán ăn, tự nấu nướng và tiếp khách. Nhiều lần nhớ nghề nhưng với anh, gia đình là ưu tiên hàng đầu.

Võ Hoài Nam một thời là tài tử trên màn ảnh Việt. Anh tham gia nhiều dự án phim, nổi tiếng nhất phải kể đến Vua bãi rácCảnh sát hình sự. Vai Chiến do Võ Hoài Nam thể hiện trong Cảnh sát hình sự đã chinh phục và nhận sự yêu mến từ khán giả xem phim thời đó. Tuy nhiên, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Võ Hoài Nam tuyên bố dừng đóng phim.

Thông báo của Võ Hoài Nam khiến khán giả bất ngờ. Họ càng tiếc nuối khi tài tử một thời dừng đóng phim tới 16 năm. Võ Hoài Nam thừa nhận nhiều đồng nghiệp khuyên anh diễn xuất trở lại trong suốt 16 năm qua. Tuy nhiên, anh ưu tiên gia đình hơn công việc.

"Tôi quay Cảnh sát hình sự 2 năm chỉ được 38 triệu đồng"

- Vì sao anh quyết định đóng phim trở lại sau 16 năm?

- Sau 16 năm, con cái đã lớn, tôi đỡ bận với việc chăm sóc gia đình nên quyết định trở lại với đam mê đóng phim. Chuyện kinh tế chỉ là một phần, điều quan trọng nhất với tôi trước khi quyết định có tiếp tục đóng phim hay không chính là gia đình và các con.

- Nhưng chính anh từng cho biết dừng đóng phim vì thu nhập từ công việc này không đủ trang trải cuộc sống. Vậy chắc hẳn lúc này, kinh tế đã không còn là mối lo ngại?

- Cách đây 16 năm, tôi làm phim khổ lắm, không có gì cả. Cát-xê cho diễn viên rất ít, không được như bây giờ. Quá trình làm phim cũng kỹ càng, vất vả hơn. Thường 10-15 ngày, chúng tôi mới hoàn thành một tập phim. Thu nhập ít mà những cảnh quay ở xa, phải ăn ở nhờ nhà dân, chúng tôi tự lo chi phí đi lại.

Thời tôi quay Cảnh sát hình sự, thu nhập là một triệu đồng một tập. Tôi quay trong khoảng hai năm được 38 triệu đồng. Tôi tự đi ôtô, tự đổ xăng thì làm sao sống được với thu nhập như vậy.

- Với thu nhập như thế, anh và gia đình làm thế nào để trang trải cuộc sống?

- Khi đó, gia đình tôi có quán ăn nhỏ. Vợ tôi ở nhà bán hàng, thỉnh thoảng cô ấy phải chuyển tiền cho chồng tiêu khi tôi đóng phim ở xa và có tiền đi lại.

Cuộc sống lúc đó cũng không phải khó khăn bởi chung quy mỗi người có mức sống riêng. Khó khăn hay giàu sang chúng tôi vẫn ăn đủ ba bữa một ngày. Tuy nhiên, con cái đi học, gia đình tốn đủ thứ chi phí nên tôi và vợ cũng hơi thiếu thốn.

- Nhiều diễn viên mua nhà, sắm xe, thậm chí đổi đời chỉ sau một vai diễn thành công. Anh cũng có những dự án phim nổi tiếng, tại sao cuộc sống của anh lại khác biệt như vậy?

- Mọi người có thể làm thêm những công việc khác nhưng tôi thì không. Thời đó, tôi cũng nhận được nhiều lời mời quay quảng cáo với cát-xê hàng chục nghìn USD nhưng tôi không nhận. Tôi không muốn đánh đổi công việc nghệ sĩ. Cái tôi của tôi khá cao, bởi thế trước giá trị vật chất lớn, tôi cũng không muốn mang công việc của mình ra để có được những thứ đó. Ngoài ra, tôi muốn tập trung chăm sóc gia đình, nuôi dạy các con.

- Cuộc sống của một người nổi tiếng ở cách đây 16 năm, khi mạng xã hội chưa phát triển như thế nào?

- Tôi không dám nhận bản thân nổi tiếng nhưng thời đó, nhiều người biết tới vai diễn của tôi, đặc biệt trong Vua bãi rác hay Cảnh sát hình sự. Tôi và gia đình vinh dự, tự hào khi làm tròn vai, đi đâu cũng được khán giả quý mến.

Tôi cứ làm tròn vai trò của bản thân trong phim, ngoài ra sửa sang lời thoại và kịch bản để nhân vật tự nhiên hơn. Khi ngắt máy quay, tôi trở lại con người bình thường, chứ không phải gò bó, giữ hình tượng như người nổi tiếng bây giờ.

"16 năm đằng đẵng nhớ nghề"

- Cuộc sống của anh trong những năm qua, sau khi rời bỏ ánh hào quang của một người nổi tiếng như thế nào?

- Không đi đóng phim, cuộc sống của tôi dễ thở hơn. Tôi và vợ mở một quán ăn. Tôi ở nhà, khách tới ăn nhiều. Tôi đi đóng phim thế này lại mất một số khách quen. Việc này cũng ảnh hưởng đến kinh tế, thu nhập của gia đình nhưng thôi không sao, đam mê cũng rất quan trọng.

- Khách đến quán đông vì yêu thích những vai diễn của anh ngày xưa?

- Nếu họ đến vì tôi và tâm lý tò mò thì cũng chỉ được một, hai lần đầu. Khách đã đến lần thứ ba thì do chất lượng đồ ăn, giá cả hợp lý… Tôi có những khách trung thành cả 20 năm. Tôi và vợ tự nấu nướng, làm mọi thứ chứ không thuê đầu bếp, giúp việc.

- 16 năm chứng kiến thay đổi của phim ảnh và sự nổi tiếng của bạn bè đồng nghiệp, thú thực anh có nhớ nghề?

- 16 năm dừng đóng phim cũng là 16 năm đằng đẵng nhớ nghề. Đồng nghiệp, khán giả cũng khuyên nhủ và nói rằng họ tiếc nuối khi tôi dừng đóng phim. Tuy nhiên, tôi lại không thấy có gì đáng tiếc cả.

Tôi đam mê và nhớ nghề nhưng phải đặt lên bàn cân giữa việc đóng phim và gia đình. Tôi tự suy tính nếu đi đóng phim tôi được, mất những gì. Nếu 16 năm qua, tôi chuyên tâm đóng phim nhưng con cái lớn lên mà hư hỏng, tôi coi như mất tất cả chứ không được gì. Do đó, tôi chấp nhận gác lại việc đóng phim và đặt gia đình lên hàng đầu.

- Khi trở về cuộc sống bình thường, có bao giờ anh trải qua cảm giác hụt hẫng, chạnh lòng khi khán giả lãng quên mình?

- Việc chạnh lòng khi khán giả không nhớ tới cũng dễ hiểu thôi bởi 16 năm rồi. Khán giả cuối 8X, 9X đâu có xem được phim của tôi. Các bé bây giờ cũng có nhiều thú vui khác và những bộ phim hay để lựa chọn.

vua bai rac vo hoai nam anh 5

Võ Hoài Nam bên vợ và các con. Ảnh: NVCC.

- Với dự án ''Hương vị tình thân'' đang thực hiện, cảm xúc của anh khi trở lại phim trường?

- Bây giờ tôi trở lại đoàn phim và cảm thấy rất bỡ ngỡ. Quá trình làm phim đã có nhiều thứ khác biệt. Ngày xưa đoàn phim không có mà ăn, còn bây giờ được lo lắng rất đầy đủ về đồ ăn, thức uống. Bây giờ đoàn phim đều có riêng một người lo nước uống, trái cây cho anh em trong ê-kíp. Ngày xưa chúng tôi quay phim làm gì được như thế.

Về kỹ thuật, ngày xưa, chúng tôi chỉ có một máy quay nên phải quay đi quay lại 5, 6 lần cho một cảnh, rất mất thời gian. Bây giờ, đoàn phim có 3 máy quay nên cùng lắm 3 lần là xong một cảnh. Nhờ đó, thời gian quay một tập cũng rút ngắn hơn so với ngày xưa, chỉ khoảng 2-3 ngày, thậm chí một ngày chúng tôi đã xong một tập phim. Cát-xê cũng cao hơn ngày xưa nhiều.

- Vợ và các con phản ứng thế nào trước quyết định đóng phim trở lại của anh?

- Mọi người rất vui mừng và ủng hộ quyết định của tôi. Bản thân tôi khi được sống trở lại với đam mê đóng phim thì tư tưởng, tinh thần cũng thoải mái hơn. Với phim mới, bối cảnh ở Hà Nội nhiều nên tôi vẫn phân chia được thời gian giữa đóng phim và chăm sóc gia đình.

- Trước đó, con anh có xem phim do bố đóng không. Các bé chia sẻ như thế nào về vai diễn của anh?

- Cũng tùy từng bé thôi, bé lớn có xem phim của tôi và chia sẻ với bố, còn hai bé út thì ít hơn. Bé lớn nhà tôi đang học nhạc viện, một bé theo sân khấu, điện ảnh. Tôi có nguyên tắc không hướng con học theo ngành nghề gì, quan trọng là sở thích các bé. Tôi cũng không yêu cầu con học giỏi, lên lớp là được. Tôi không dồn ép, tạo áp lực lên con mà chỉ ở đằng sau động viên và đưa ra lời khuyên.

- Có nhiều năm đóng phim và hiểu rõ những khó khăn, góc khuất của ngành giải trí. Anh có lo lắng khi con theo đuổi công việc này?

- Nói về kinh tế, tôi không lo lắng. Tôi có nhiều cách để các con kiếm tiền một cách trong sạch. Nhưng về nghề, đúng là sức cạnh tranh hiện giờ rất lớn. Mỗi năm có biết bao sinh viên được đào tạo nghệ thuật ra trường. Trong số đó, liệu được bao nhiêu người thành công với công việc đóng phim. Tôi thấy một số bạn đóng được một, hai phim rồi chuyển sang công việc khác. Tuy nhiên, tôi nghĩ quan trọng các con cứ yêu và đam mê với nghề thì không cần lo lắng gì cả.

- Anh định hướng và truyền đạt kinh nghiệm gì cho các con?

- Ai làm nghệ thuật mà chẳng mong nổi tiếng. Nhưng tôi nghĩ trước tiên bản thân phải làm tốt mới có tiếng được. Do đó, tôi dạy các con cứ cố gắng hết sức, làm tròn trịa vai, hoàn thành bổn phận ở đoàn phim rồi danh tiếng cũng sẽ đến với mình.

Bây giờ các con có rất nhiều phương tiện học nghề, chẳng hạn mạng xã hội rồi hỏi bạn bè. Do đó, các con không cần hỏi quá nhiều từ bố. Tuy nhiên, những lúc trả bài, làm kịch bản, con vẫn hỏi ý kiến của tôi. Tôi cũng đi xem các con diễn ở trường lớp và động viên, chia sẻ với con. Tôi nghĩ đó là điều các bậc phụ huynh nên làm để tiếp thêm tinh thần cho con.

- Theo dõi phim truyền hình Việt Nam những năm qua, anh có suy nghĩ thế nào?

- Thú thực thế này mọi người đừng cười, tôi ít xem phim Việt Nam lắm. Tôi hay xem các phim hành động của nước ngoài. Tôi xem phim nước ngoài cũng để học cách làm phim. Tôi thích cách họ dàn dựng ánh sáng, quy mô nên thành ra không xem được nhiều phim Việt. Tôi thấy một số phim Việt bị dài dòng, muốn nhiều nội dung nhưng chưa giải quyết được triệt để. Tôi nghĩ nên đặt ra một số vấn đề và giải quyết dứt điểm.

'Bố già' trở thành phim Việt đầu tiên cán mốc 200 tỷ đồng

"Bố già" của Trấn Thành đạt doanh thu 200 tỷ đồng sau 9 ngày ra mắt. Đây là phim Việt đầu tiên có được thành tích này.

Lan Phương

Bạn có thể quan tâm