Hướng dương ngược nắng đang nhận được sự quan tâm theo dõi của khán giả. Tuy nhiên, trong một số tập gần đây, phim vấp phải tranh cãi. Một bộ phận khán giả cho rằng phim đề cao nhân vật Loan (do Vân Dung thủ vai) vốn là tiểu tam phá hoại hạnh phúc gia đình bà Cúc (NSND Thu Hà). Bên cạnh đó, tính cách nhân vật nữ chính Minh (Thu Trang) cũng bị nhận xét quá lạnh lùng, hành xử giang hồ.
Đảm nhận vai trò biên tập phim và là thành viên trong tổ biên kịch, chị Nguyễn Thu Thủy cho biết ê-kíp không xây dựng nhân vật hoàn toàn đúng. "Minh có thể là một nhân vật kém hoàn hảo, tạo nên những tranh cãi trái nhưng trong tư duy sáng tác của chúng tôi, đó là mẫu nhân vật hấp dẫn, có sức sống", biên kịch lý giải.
"Tôi lường trước việc nhân vật Minh bị chỉ trích"
- Những tập gần nhất của "Hướng dương ngược nắng" gây tranh cãi. Khán giả cho rằng phim cổ xúy việc ngoại tình, “tẩy trắng" cho tiểu tam. Chị phản hồi thế nào?
- Tôi và các bạn trong nhóm nội dung phần nào dự đoán phản ứng khán giả khi xây dựng kịch bản, cũng như khi trao đổi với đạo diễn và ê-kíp sản xuất. Bộ phim này không có nhân vật hoàn toàn tốt hay nhân vật xấu 100%. Trong nhân vật tưởng như tốt vẫn có điểm xấu. Ngược lại, nhân vật xấu vẫn có những nét tốt.
Trong nhân vật tưởng như đầy trải nghiệm, sâu sắc vẫn có quyết định sai lầm. Trong nhân vật yếu đuối vẫn có những quyết định cứng rắn... Cho nên, chúng tôi lường trước việc khán giả phản ứng trái chiều về nhân vật.
Tuy nhiên, khi khán giả cho rằng bộ phim cổ xúy tiểu tam, nhóm sáng tác bị bất ngờ. Đó có thể là cảm nhận của một bộ phận khán giả, chứ chắc chắn không phải quan điểm của người sáng tác.
Biên kịch cho biết các nhân vật của Hướng dương ngược nắng đều có hạn chế. Ảnh: VFC. |
- Hiện tại, khán giả phản ứng khá gay gắt, thậm chí tuyên bố bỏ xem phim. Ê-kíp đối mặt thế nào với tình huống này?
- Tôi tin rằng thông điệp hoàn chỉnh của bộ phim sẽ đầy đủ và trọn vẹn, khi các nhân vật đi hết hành trình của họ. Phim mới phát sóng 15 tập và các luồng tranh cãi rất đa chiều. Có khán giả phản ứng, cũng có người xem bảo vệ các nhân vật trong phim.
Với nhóm sáng tác, khán giả ủng hộ đồng tình hay bức xúc bày tỏ quan điểm đều là tín hiệu vui. Như thế, chúng tôi biết câu chuyện phần nào đã có được sự quan tâm, chạm vào những vui buồn và thậm chí khó chịu của khán giả.
Thật ra, sự tranh cãi này làm cho tôi nhớ tới bộ phim Về nhà đi con. Ngày đó, ngay cả ông bố mẫu mực như ông Sơn cũng bị phản ứng, thất vọng vì kiên quyết muốn Vũ và Thư ly hôn.
Nếu nhóm sáng tác xây dựng những câu chuyện về người “chỉ tốt”, “chỉ đúng” thì câu chuyện luôn dễ đoán trước, nhân vật không đa dạng, thiếu tính thực tế, gần gũi. Bởi lẽ, con người ít ai hoàn hảo và những nhân vật của chúng tôi cũng thế. Nhân vật của chúng tôi không bao giờ đi hành trình một chiều. Họ thường đi từ sai đến đúng, đi từ sai nhiều đến sai ít, điều chỉnh để hoàn thiện hơn.
Thậm chí, khi tất cả nhân vật đều sai, họ cũng có cơ hội nhìn cái sai của nhau để điều chỉnh chính mình. Ở câu chuyện này, mỗi nhân vật đều có tính phản biện và cho ra những góc nhìn khác nhau. Ngay cả một cô gái tưởng như hời hợt ăn chơi như Ngọc cũng đặt ra vấn đề vì sao con rơi lại được chào đón, vì sao mẹ con cô phải chấp nhận chuyện ngoại tình của cha mình.
Cho nên, tôi hy vọng khán giả đồng hành tới khi bộ phim kết thúc, lúc đó, mọi đánh giá về nội dung và các nhân vật trong phim mới thực sự toàn diện, công bằng.
- Với nữ chính Minh, khán giả nhận xét nhân vật này khá lạnh lùng khi tính kế với cả mẹ ruột, hành xử giang hồ, ăn miếng trả miếng với Ngọc. Ê-kíp có thấy khá mạo hiểm khi xây dựng nữ chính như vậy, dễ khiến nhân vật quan trọng nhất trở thành người bị ghét nhất?
- Tôi từng bất ngờ khi có luồng ý kiến nói rằng Minh là nhân vật quá hoàn hảo, xinh đẹp, giỏi giang, được tất cả nhân vật nam trong phim yêu thích và chúng tôi "lố" khi đẩy nữ chính lên quá đà.
Thật ra, Minh là mẫu nhân vật rất nhiều thiếu sót, thậm chí nhiều sai lầm. Ở trong Minh, có nhiều ưu và nhược điểm. Những điểm cô ấy bị "ghét" thật ra xuất phát từ hoàn cảnh một cô bé thiếu vắng sự yêu thương của người cha, sự dạy dỗ của người mẹ, đã vậy lại sớm gánh vác việc chăm lo em. Sự bản năng, thiếu kiềm chế, hung hãn, cứng nhắc và thậm chí áp đặt quá mức của Minh, mai này khiến cô ấy trả giá.
Nữ chính Minh bị chê hành xử giang hồ. |
Việc Minh bị ghét hoặc chưa được hài lòng, thật ra là điều chúng tôi đoán trước. Nhưng, ngay cả thế, chúng tôi vẫn kiên định với cách xây dựng nhân vật của mình. Chúng tôi không trải hoa hồng cho hành trình của nhân vật mà để chính những bầm dập, thất bại nhân vật gặp phải khiến cô ấy phải soi lại chính mình. Minh có thể thất bại vì đối thủ, nhưng có lúc cô ấy sẽ đau khổ vì chính tính cách, vì sự lựa chọn của mình.
Bởi vậy, chúng tôi tin hành trình của Minh có nhiều thứ để xem. Nó có thất bại, bài học và những thay đổi, đủ để người ta tin rằng cô ấy có những phẩm chất xứng đáng để trở thành một nữ chính.
"Những cá tính mạnh được đặt cạnh nhau để tạo xung đột"
- Mục đích của việc xây dựng nhân vật như vậy là gì?
- Khi xây dựng kịch bản, điều nhóm sáng tác hướng tới là câu chuyện phim hấp dẫn. Mà, một câu chuyện hấp dẫn sẽ được tạo nên từ những nhân vật hấp dẫn. Minh có thể là một nhân vật kém hoàn hảo, tạo nên những tranh cãi trái chiều, nhưng trong tư duy sáng tác của chúng tôi, đó là mẫu nhân vật hấp dẫn, có sức sống, có nhiều không gian để phát triển. Một nhân vật luôn đứng lên đương đầu số phận dù có thể gồng gánh những định kiến. Một nhân vật dám làm, dám trả giá.
Phụ nữ trong phim này từ bà Cúc, Minh, hay Châu, Ngọc, thậm chí Diễm Loan, đều mạnh mẽ theo cách riêng. Họ đều có những điểm mạnh điểm yếu, đều có những sai lầm và cố chấp.
Chúng tôi đã đặt những cá tính mạnh cạnh nhau để họ xung đột, đấu tranh với nhau. Nhưng sau mỗi xung đột, họ có cơ hội để hiểu về người khác và thậm chí hiểu về chính mình.
Riêng về Minh, khác với mục đích của hầu hết nữ chính Việt là đi tìm hạnh phúc và tình yêu đôi lứa, hành trình của cô ấy là không ngừng đấu tranh, bảo vệ cho những gì cô coi là quan trọng nhất là máu mủ và tình thân gia đình. Mẹ, em trai luôn là ưu tiên hàng đầu của Minh. Vậy nên đương nhiên, họ cũng trở thành điểm yếu nhất của cô.
Hành trình của Minh, thực ra, không chỉ khác, mà còn đi ngược với hành trình của số đông phụ nữ. Đó là hành trình học cách từ bỏ cứng rắn để biết yếu mềm đúng lúc, là hành trình học cách từ bỏ trách nhiệm để những người thân của cô có cơ hội trưởng thành.
Hành trình từ hung hãn tới dịu dàng, từ gồng gánh tới sẻ chia, từ ôm đồm tới lúc đủ can đảm để buông bỏ và dựa vào vai một người khác. Đó là hành trình để một “nữ cường” được trở về với thiên tính nữ, với bản chất của một phụ nữ, cần được yêu thương, sẻ chia và tôn trọng.
Trong tập gần nhất, mâu thuẫn của bà Bạch Cúc và Minh càng căng thẳng. |
- Phản ứng khá gay gắt của khán giả hiện tại liệu có làm thay đổi mạch câu chuyện trong phim?
- Những phản hồi của khán giả cũng cho chúng tôi cơ hội lắng nghe, để tìm hiểu về thị hiếu và mong muốn của người xem nhiều hơn. Chặng đường của Hướng dương ngược nắng còn rất dài (60 tập). Các nhân vật sẽ còn rất nhiều biến cố, để thay đổi, nhìn nhận lại cái sai cái đúng.
Chúng tôi vẫn đang thực hiện đoạn kết phim. Khi làm phim, điều mong muốn của cả ê-kíp là làm sao câu chuyện đến gần khán giả nhiều nhất. Do đó, phản ứng của khán giả cũng là yếu tố để nhóm sáng tác cân nhắc và điều chỉnh khi có cơ hội, để bộ phim được đón nhận nhiều hơn.