Ảnh minh họa: CNN |
Kim Dong Shik được chọn trở thành điệp viên từ khi còn là học sinh phổ thông. "Khi người ta nói tôi sẽ trở thành điệp viên, tôi vô cùng kinh ngạc. Tôi đã nghe kể về nhiều tai nạn xảy ra với các điệp viên trong quá khứ. Nhiều người sang Hàn Quốc làm nhiệm vụ đã thiệt mạng. Do vậy, tôi tin rằng một ngày nào đó tôi cũng sẽ gặp kết cục như vậy", Kim nói với CNN.
Theo Kim, những bài huấn luyện thể lực như tập võ, lặn, bắn súng chỉ là một phần, "việc chuẩn bị tâm lý mới là điều quan trọng nhất". "Chúng tôi phải sẵn sàng hy sinh. Nếu bị bắt sống, chúng tôi sẽ tìm cách tự sát", Kim cho biết.
Ông nhận nhiệm vụ đầu tiên tại Hàn Quốc vào năm 1990. Công việc của Kim là giúp một điệp viên cấp cao họ Lee hồi hương. Ngoài ra, ông cũng phải tìm hiểu rồi chiêu nạp những người Hàn Quốc bày tỏ thái độ chống chính phủ và theo xu hướng ủng hộ Bình Nhưỡng.
Những năm 1990, Kim liên lạc với trụ sở chính tại Bình Nhưỡng qua tín hiệu vô tuyến sóng ngắn. Khi cần thông báo về nhiệm vụ mới, một người từ Triều Tiên sẽ đọc các dãy số mật mã để Kim tự nhận ra công việc cần làm.
Năm 1995, Kim trúng đạn của cảnh sát Hàn Quốc trong một lần thực hiện nhiệm vụ. Do trọng thương nên Kim không thể tự vẫn trước khi lực lượng an ninh Hàn Quốc bắt ông.
Chiến thuật của một điệp viên
Ông Kang Myong Do từng là một điệp viên cao cấp ở Triều Tiên. Kang cho biết, Triều Tiên từng cử hàng trăm gián điệp đến nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ, trong những năm cuối thế kỷ 20. Nhiệm vụ chính tại Mỹ của họ là tìm kiếm và kết thân với những người Mỹ gốc Triều, rồi thu hút sự ủng hộ của những người này.
"Chúng tôi áp dụng 3 chiến thuật chủ yếu. Đầu tiên, bạn giúp họ có thị thực nhập cảnh vào Triều Tiên. Sau đó, bạn tạo điều kiện để họ làm việc và kinh doanh. Cuối cùng, bạn phải dùng đến 'mỹ nhân kế' vốn là chiến thuật quen thuộc trong thập niên 80", ông Kang nói.
Ông Kang từng là chuyên viên tại Phòng Phát triển Thống nhất từ năm 1984. Nhiệm vụ của bộ phận này là cử điệp viên đến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Những thông tin tình báo mà họ gửi về rất có ích đối với ban lãnh đạo ở Bình Nhưỡng.
Do vậy, ông Kim Dong Shik cho biết: "Chính phủ đãi ngộ các điệp viên rất tốt. Họ hưởng những chế độ tương đương các sĩ quan cấp tướng, học tập trong môi trường chất lượng cao. Có thể nói Triều Tiên rất coi trọng công việc của các điệp viên".