Căn hộ của Alex Verhaeg chỉ rộng bằng một ô đỗ ôtô thông thường. Ảnh: CNBC. |
Theo CNBC, năm 2020, Alex Verhaeg chuyển đến một căn hộ rộng chưa tới 9 m2 ở khu East Village (quận Manhattan, thành phố New York). Mỗi tháng, anh phải trả 1.000 USD tiền thuê.
"Mọi người có thể thấy nó chỉ giống một căn phòng hay kho chứa. Nhưng với tôi, nơi này là nhà", anh chia sẻ.
Người đàn ông 23 tuổi chỉ được nhìn căn hộ qua ảnh trước khi chuyển đến. Verhaeg làm nghề cắt tóc, đưa thư và sáng tạo nội dung.
"Tôi hơi sốc vì căn hộ quá nhỏ. Nhưng tôi thực sự muốn sống ở khu vực này", anh nói. Verhaeg khẳng định bất cứ không gian nào, dù lớn hay nhỏ, cũng có thể trở thành nhà, miễn là căn hộ được chăm chút và yêu thương.
Căn hộ rộng chưa tới 9 m2 của Alex Verhaeg chỉ đủ để đặt một chiếc giường, một bộ bàn ghế, vài chiếc tủ nhỏ và bồn rửa mặt. Anh phải trả 1.100 USD tiền thuê mỗi tháng. Ảnh: CNBC. |
Verhaeg phải trả 2.000 USD ngay sau khi ký hợp đồng, 1.000 USD tiền thuê tháng đầu tiên và 1.000 tiền cọc. Đến nay, giá thuê đã tăng lên 1.100 USD mỗi tháng.
Giá thuê nhà tại Mỹ đã tăng vọt kể từ năm ngoái. Ở những thành phố đắt đỏ như New York, Los Angeles và San Francisco, tiền thuê nhà đang chiếm phần lớn trong khoản chi tiêu hàng tháng của nhiều cư dân.
Thành phố New York là nơi khó thuê nhà nhất nước Mỹ. Để đảm bảo tiền thuê nhà chỉ chiếm 30% thu nhập, các cư dân cần kiếm hơn 254.000 USD mỗi năm. Theo số liệu của Cục Điều tra Dân số Mỹ, con số này gấp gần 4 lần thu nhập trung bình hàng năm của những hộ gia đình Mỹ.
Nhu cầu tăng cao sau thời kỳ đại dịch khiến giá thuê nhà ở New York lập đỉnh. Số căn nhà chưa có người thuê rơi xuống sát mức thấp kỷ lục. Việc tìm kiếm một căn hộ càng trở nên khó khăn.
Để đảm bảo tiền thuê nhà chỉ chiếm 30% thu nhập, các cư dân của thành phố New York cần kiếm hơn 254.000 USD mỗi năm, tức gấp gần 4 lần thu nhập trung bình hàng năm của những hộ gia đình Mỹ. Ảnh: Nestpick. |
Một số khách hàng chấp nhận trả nhiều tiền hơn để giữ lại căn nhà thuê được với giá rẻ. Trong khi đó, khi lãi suất thế chấp tăng nhanh trong năm nay, không ít người từ bỏ ý định mua nhà và chuyển sang thuê.
Với chiều ngang vỏn vẹn 2,43 m, chiều dọc 4,8 m, căn hộ của Verhaeg chỉ bằng một ô đỗ xe thông thường.
Căn hộ nhỏ cũng không có phòng tắm. Thay vào đó, các cư dân trong cùng một tầng sẽ dùng chung 3 phòng tắm và 2 vòi hoa sen.
Khi sống trong một không gian siêu nhỏ, các bạn không thể mua sắm tùy ý mỗi khi ra ngoài, bởi nhà không còn chỗ để
Alex Verhaeg, 23 tuổi, sống ở thành phố New York
"Bạn sẽ thấy như đang sống trong ký túc xá của trường đại học vì phải dùng chung nhà tắm", Verhaeg cho biết. Anh thậm chí đã làm quen với việc thỉnh thoảng nhìn thấy hàng xóm trong chiếc khăn hoặc áo choàng tắm.
Căn hộ của anh cũng không có phòng bếp. Anh phải sử dụng một bếp điện. Một chiếc tủ được dùng làm nơi đựng đồ ăn và đặt bếp.
Trong góc phòng là bồn rửa và tủ thuốc. Đây cũng là nơi Verhaeg vệ sinh cá nhân. Một chiếc tủ quần áo được đặt gần đó, dùng để đựng quần áo và dụng cụ cắt tóc.
"Lợi ích lớn nhất của việc sống trong một không gian siêu nhỏ là bạn có thể trân trọng mọi đồ đạc, và trở thành người tối giản", anh chia sẻ.
"Các bạn không thể mua sắm tùy ý mỗi khi ra ngoài, bởi nhà không còn chỗ để", Verhaeg nói thêm.
Verhaeg đã sống trong căn hộ được 2 năm. Vào đầu năm nay, giá thuê tăng thêm 100 USD, nhưng anh không mấy bận tâm. Bởi người đàn ông này không phải trả bất cứ khoản phí dịch vụ nào.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế.