Năm ngoái, đám phiến quân bắt cóc Liatu, 23 tuổi, trên đường. Chúng đưa cô tới căn cứ tại rừng Sambisa, bang Borno, Nigeria. Tại đây, một cuộc tàn sát đẫm máu diễn ra.
“Đám quân phiến loạn cắt cổ mọi người bằng dao. Chúng giết cả phụ nữ và đàn ông. Những nạn nhân cố gắng chạy trốn đều không thể sống sót. Nhóm người man rợ này ít khi sử dụng súng để giết người mà chủ yếu dùng dao găm. Tôi đã chứng kiến khoảng 50 người mất mạng vì chúng”, cô kể.
Liatu nhịn ăn trong suốt 15 ngày ở căn cứ của quân phiến loạn.
“Ngày đầu chúng tra hỏi về tôn giáo. Tôi trả lời rằng tôi theo đạo Cơ đốc. Mười ngày sau, chúng dẫn một người đàn ông đến và nói rằng anh ta thích tôi. Nhưng tôi phải chuyển sang đạo Hồi để tiến hành đám cưới”, cô hồi tưởng.
Phiến quân cũng ép những người Hồi giáo làm việc cho chính phủ phải thôi việc. Nếu ai chống lại chúng sẽ thủ tiêu.
Sau khi biết Liatu phải kết hôn với người lạ, cô quyết định bỏ trốn.
“Một người trong số chúng tôi đứng lên và nói rằng: Chúng ta đều phải chết. Vậy tại sao không ai trốn? Sáu người nhảy lên một chiếc Volkswagen Golf để chạy. Đám phiến quân trong trại dùng xe máy đuổi theo và xả súng cho tới khi chúng tôi đến gần thị trấn Bama. Sau đó, chúng bỏ đi. Tôi cùng những người khác ra khỏi xe và chạy tới tận khi chuông báo hiệu giờ giới nghiêm vang lên. Lúc đó, tôi nhận ra 3 người ngồi sau xe chết vì trúng đạn”, cô nói.
Người dân trong một làng chụp ảnh tử thi những phiến quân Boko Haram mà binh sĩ chính phủ hoặc lực lượng tự vệ tiêu diệt tại một làng. Ảnh: BBC |
Đám phiến quân luôn biết về mọi cuộc truy quét của quân đội Nigeria, Liatu cho biết. Bởi vậy, trong các cuộc truy quét, chúng luôn lẩn tránh trong rừng và các hang động gần biên giới với Cameroon. Quân đội Nigeria xác nhận họ đang săn lùng các tay súng của nhóm Boko Haram trong những vùng địa hình hiểm trở.
Nạn nhân thứ hai, Janet, sống trong căn cứ “địa ngục” của phiến quân khoảng 3 tháng. Cô gái 19 tuổi nói rằng đám người này muốn đào tạo cô thành một sát thủ. Cô cho biết: “Các tay súng của Boko Haram tới Gwoza (khu vực tự trị tại bang Borno, Nigeria) và đem về 5 nạn nhân khác. Chúng bảo tôi cắt cổ một trong số họ nhưng tôi từ chối. Ngay lập tức, vợ của tên thủ lĩnh giết chết người đàn ông vô tội. Những người còn lại cùng chịu chung số phận với người đàn ông đó”, Janet kể.
Một trong những nỗi lo lắng nhất hiện nay là người ta không biết chính xác vị trí căn cứ của Boko Haram và ai là người đáng tin cậy. Janet có thể nhận diện những kẻ bắt cóc. Cô nói: “Tôi biết hầu hết những kẻ bắt cóc bởi họ ở gần nơi tôi sống. Tôi nói với họ trong giận dữ: Khi các ông đến nhà tôi, tôi đối đãi tử tế. Vậy tại sao các ông lại làm điều này với tôi?”. Người phụ nữ khốn khổ tin rằng đám phiến quân giữ mạng sống cho cô cũng bởi cô đối xử tốt với chúng.
Một doanh nhân sống tại bang Borno cho biết, một vài người bán hàng là tai mắt của nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram. Ông cũng giúp cảnh sát Nigeria bắt 11 thành viên của chúng tại thủ đô Abuja.
Chủ trương mở rộng địa bàn hoạt động của Boko Haram là điều thực sự đáng lo ngại với người dân và chính quyền địa phương vùng đông bắc Nigeria. Một giáo viên may mắn sống sót trong vụ tấn công của nhóm Boko Haram vào trường học tại bang Yobe hồi tháng trước. Vụ tấn công khiến 29 học sinh của trường thiệt mạng.
“Tôi nhìn qua cửa sổ. Đúng lúc đó, họ xả súng vào bên trong. Tiếng la hét vang lên khắp nơi. Tôi vội vàng khóa cửa và cầu nguyện. Nếu họ lọt vào bên trong, chắc chắn chúng tôi sẽ chết”, người giáo viên mô tả.
Người đàn ông khốn khổ lẩn trốn hơn ba giờ sau khi vụ nổ súng kết thúc. Phiến quân đi từ nhà này qua nhà khác, giết chóc, cướp bóc và đốt phá mọi thứ.
Hành động của quân nổi loạn cho thấy chúng có những mục tiêu cụ thể. Thầy giáo sống sót kể lại: “Chúng bắt gặp hai đứa trẻ bị bố mẹ bỏ lại đang ngủ trên đệm. Các tay súng đánh thức lũ trẻ, đuổi chúng ra ngoài rồi đốt nhà”.
Rạng sáng hôm sau, các giáo viên phát hiện cảnh tượng kinh hoàng ở kí túc xá.
“Phiến quân cắt cổ một vài học sinh. Số khác bị bắn chết. Chúng tôi đã khóc khi nghĩ tới những đứa trẻ đầy mơ ước. Nhưng tất cả đều đã chết”, ông nói.
Mọi người đều không rõ nguyên nhân khiến nhóm Boko Haram tấn công trường học.
Đóng cửa các trường học
Từ khi vụ tấn công vào trường Buni Yadi xảy ra, chính phủ Nigeria đóng cửa gần 100 trường học tại phía đông bắc do lo ngại về tình trạng an ninh.
Đây là mục đích của Boko Haram. Nhóm Hồi giáo cực đoan này gây tội ác nhằm chấm dứt vĩnh viễn nền giáo dục Nigeria. Trên các con đường tại thành phố Maiduguri, nhiều học sinh cầm súng tham gia vào các vụ thảm sát thay vì ngồi trong trường học.
Nhiều giờ sau vụ nổ súng của nhóm Boko Haram bên ngoài doanh trại Giwa, đám đông thanh niên với dao, dùi cui và gậy tụ tập cùng với lực lượng trật tự địa phương. Trước mặt họ, thi thể các tay súng cực đoan Boko Haram nằm la liệt. Mọi người chụp ảnh các xác chết của phiến quân. Những cảnh tượng như thế không còn khiến cho mọi người cảm thấy sốc nữa.