Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc sống tại trung tâm bạo lực của thế giới

Dân số của El Salvador chưa đầy 6 triệu người nhưng số vụ giết người lại đứng hàng đầu thế giới. Trong 7 tháng đầu năm nay, khoảng 3.400 người thiệt mạng trong các vụ bạo lực.

Những vụ đụng độ của cảnh sát và các băng nhóm tội phạm thường xuyên diễn ra trên phố. Ảnh: Global Risk Insights

Josue Salomon tỏ vẻ hoang mang. Cậu trai 18 tuổi này vừa bị trục xuất trở lại El Salvador sau khi cố gắng nhập cư trái phép đến Mỹ. Tuy nhiên, cậu không dám về nhà.

Salomon xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở vùng Sam Miguel. Tháng trước, anh trốn khỏi đất nước này sau khi một nhóm người bịt mặt có vũ trang đến nhà và yêu cầu anh gặp những tay đầu sỏ vào ngày hôm sau. Nếu từ chối, chúng sẽ giết anh.

Thanh niên này từng báo cảnh sát về mối đe doạ nhưng họ không thể giúp gì và khuyên anh nên chạy trốn. Vì vậy, anh tạm lánh tại nhà bà ở một thị trấn khác cho đến khi đủ tiền sang Mỹ.

“Tôi không muốn rời khỏi làng vì nhớ gia đình. Tuy nhiên, nếu trở về, tôi sẽ bị giết như những người đàn ông khác, những người không tuân theo chúng. Tôi chẳng biết nên đi đâu bây giờ”, Salomon nói.

Anh là một trong số hàng nghìn người tuyệt vọng đang chạy trốn khỏi tình trạng bạo lực ở El Salvador, quốc gia nguy hiểm nhất thế giới bên ngoài khu vực chiến tranh.

Theo Independent, khoảng 3.400 người bị giết trong 7 tháng đầu năm nay, con số kỷ lục từ sau khi cuộc nội chiến (1980 - 1992) kết thúc. Tình trạng tham nhũng, năng lực kém, thiếu kinh phí ở đất nước này dẫn đến hậu quả 95% tội phạm sống ngoài vòng pháp luật.

Chính quyền đang cố gắng kiểm soát tình trạng bạo lực trong nước. Ảnh: New York Times

Năm 2004, gần 300.000 người phải bỏ nhà để thoát khỏi những mối đe doạ. Không cơ quan nào đưa ra con số chính xác về số người đã vượt biên. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2015, gần 24.000 người lớn và trẻ em bị trục xuất trở lại khi đang cố gắng tới Mỹ.

Các gia đình chạy trốn vì lo sợ cho sự an nguy, khi họ không đủ khả năng thanh toán tiền bảo kê cho các băng đảng tội phạm tại địa phương. Nhiều người chọn cách chuyển đến vùng khác, một vài người cố gắng tìm đường sang Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng nước này chia sẻ, 10% dân số, khoảng 500.000 đến 600.000 người, liên quan đến các băng nhóm chuyên tống tiền, buôn bán ma tuý và những cuộc thanh trừng tranh giành lãnh thổ.

Các cuộc đụng độ giữa chính quyền và băng đảng ngày càng diễn ra thường xuyên hơn. Tình trạng này khiến dư luận dấy lên nhiều mối lo ngại. Tính riêng trong tháng 3, cảnh sát đã giết 140 người. Họ khẳng định những nạn nhân này đều là tội phạm. Họ nổ súng chỉ để tự vệ.

Tuy nhiên, Jose Miguel Fortin Magana, giám đốc của Viện Pháp y tại El Salvador cho biết: “Chúng tôi phát hiện một số trường hợp người chết bị bắn từ phía sau".

Veronica Reyna, nhân viên xã hội, cho biết: “Người dân ngày càng sợ chính quyền hơn những tên tội phạm. Các vụ giết người ngoài vòng pháp luật do nhà chức trách nhúng tay sẽ không bao giờ được điều tra. Chính phủ ngày càng khuyến khích lực lượng an ninh truy quét và giết các thành viên băng đảng".

Theo Mirror, El Salvador đã triển khai khoảng 6.000 binh sĩ và 23 nhân viên cảnh sát trong chiến dịch này. Xe chở binh sĩ vũ trang tuần tra khắp các phố và lục soát từng nhà.

Lực lượng cảnh sát và binh sĩ chuẩn bị lục soát căn nhà. Ảnh: The Mirror

Gần đây, nỗi sợ của người dân ngày càng lớn sau khi người ta tiết lộ các chi tiết về cái chết của 3 thiếu niên. Vào một buổi sáng sớm, 2 anh em Brandon (17 tuổi), Alfredo (15 tuổi) và em họ Cesar Adonay (15 tuổi) rủ nhau đi tắm tại một con suối gần nhà và bị bắn chết. Cảnh sát cho rằng một băng đảng nào đó đã thực hiện vụ thảm sát này.

Tuy nhiên, người thân của những cậu bé cho hay, 5 ngày trước khi vụ việc xảy ra, khoảng 50 binh lính và sĩ quan cảnh sát đã ập đến nhà họ vào 2h sáng. Những người này cáo buộc các em là phần tử đứng đầu một băng nhóm tội phạm và đang giấu vũ khí.

Suốt 3 giờ sau đó, cảnh sát đánh đập, tra khảo những đứa trẻ và lục soát căn nhà nhưng không tìm thấy gì. Vụ khám xét đó trái phép bởi những người tới khám xét không mang theo lệnh của toà án.

"Chúng tôi không hiểu tại sao điều này lại xảy ra. Chúng tôi chưa bao giờ liên hệ với những phần tử sống ngoài vòng pháp luật. Chúng đều là những cậu bé ngoan", Griselda, mẹ của nạn nhân Cesar, nói.

Bên cạnh đó, một số người cho rằng, 3 thiếu niên có thể đã vô tình chứng kiến một hoạt động nào đó của các băng đảng và bị chúng thanh trừng. Tuy nhiên, người dân địa phương cho hay, dường như các băng nhóm tội phạm không xuất hiện tại khu vực này bởi không có tranh graffiti, không có những kẻ xăm hình hầm hố.

Tổng chưởng lý về quyền con người David Morales nhận định: “Chúng ta không thể loại trừ trường hợp nhà chức trách đang lợi dụng chuyện đụng độ với các băng đảng để thực hiện những vụ giết người ngoài pháp luật”.

Tuy nhiên, Phó cảnh sát trưởng Howard Cotto cho hay những lời đồn đại chỉ là hiểu lầm. “Tội phạm ngày càng hung hăng hơn, dùng súng trường và súng máy bắn cảnh sát. Chúng ta phải chế ngự chúng. Đây là tình huống rất phức tạp. Sự hiện diện của các lực lượng vũ trang không phải là một ý tưởng tốt và tôi hiểu điều mà người dân đang sợ hãi… Nhưng vì đất nước này, chúng tôi buộc phải làm vậy”, ông nói.

Những băng đảng tội phạm tàn bạo hơn IS

Dù không gây chấn động thế giới như lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các băng đảng tội phạm đường phố ở Trung Mỹ có thủ đoạn tàn độc hơn tổ chức khủng bố.


10 khu vực nguy hiểm nhất thế giới

Sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khiến Tunisia, Syria và Iraq trở thành những vùng đất tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất trên thế giới.

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm