Anh Zaki, 27 tuổi, là một trong hàng nghìn người Afghanistan bỏ trốn về thung lũng Panjshir, sau khi Taliban giành chính quyền ở Kabul. Giờ đây, người cựu viên chức nhà nước này phải cầm vũ khí và bảo vệ chiến tuyến cuối cùng của Afghanistan.
"Chúng tôi không muốn bị yếu thế về mặt xã hội", anh Zaki (tên đầy đủ không được tiết lộ), cho biết. "Chúng tôi không muốn mất đi sự tự do và nụ cười", theo Washington Post.
Căn cứ kháng chiến cuối cùng
Những ngày qua, Taliban tấn công từ nhiều phía vào Panjshir, ẩu đả với lực lượng kháng chiến đang đóng quân tại đây. Cuộc chiến này là thử thách lớn nhất đối với Taliban, sau khi lực lượng này nhanh chóng chiếm các thủ phủ ở Afghanistan chỉ trong 10 ngày.
Cả NRF và Taliban tuyên bố đã gây ra nhiều thiệt hại cho đối phương. Các bên đều nỗ lực sử dụng mạng xã hội để lan truyền thông tin có lợi cho mình.
Mâu thuẫn giữa hai phía phát sinh sau khi nỗ lực đàm phán về việc chia sẻ quyền lực ở Afghanistan thất bại vào tuần trước.
"Taliban không muốn đàm phán và hòa bình", theo ông Ahmand Wali Massoud, cựu đại sứ Afghanistan ở Anh.
"Taliban cho rằng họ đã thâu tóm toàn bộ Afghanistan, vì thế Panjshir phải đầu hàng. Nhưng những người vẫn còn đấu tranh tại nơi này muốn bảo vệ quê nhà, gia đình và tính mạng của mình. Panjshir đang kháng chiến vì toàn bộ người Afghanistan", ông Massoud nói.
Khi Taliban lần đầu chiếm Kabul vào năm 1996 và kiểm soát Afghanistan đến năm 2001, các chiến binh của lực lượng này không thể chiếm được Panjshir, dù từng nỗ lực tấn công nhiều lần.
Khi ấy, ông Ahmed Shah Massoud, người được gọi là "Sư tử của thung lũng Panjshir", đã lãnh đạo lực lượng kháng chiến. Ông bị tổ chức al-Qaeda ám sát vào ngày 9/9/2001, hai ngày trước vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới tại Mỹ.
Ngày nay, nhóm này tự xưng là Lực lượng kháng chiến quốc gia (NRF), do con trai của ông Ahmed Shad Massoud, Ahmad Massoud, lãnh đạo. Ông Ahmad, 32 tuổi, tuy được học tại Viện Quân sự Hoàng gia ở Anh, lại không có kinh nghiệm thực tiễn trên chiến trường.
Ông Ahmed Massoud, hiện lãnh đạo Lực lượng kháng chiến quốc gia (NRF). Ảnh: Reuters. |
Khác với cha của mình, ông Ahmed gặp nhiều khó khăn về mặt quân sự. Lực lượng Taliban đông hơn số quân của ông, vượt trội hơn về khả năng chiến đấu, và có thể nắm vũ khí tốt hơn.
Bên cạnh đó, ông Ahmed không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ cộng đồng quốc tế. Tuyến tiếp tế hàng hóa từ nước láng giềng Tajikistan khi xưa của cha ông giờ đây đã bị Taliban kiểm soát và chặn đường.
Tuy nhiên, mặc cho những khó khăn trên, các thủ lĩnh của lực lượng kháng chiến cho biết họ có lợi thế về địa hình. Panjshir là một vùng núi rộng, cách Kabul khoảng 160 km. Thung lũng này có nhiều khe núi hẹp và các bức tường làm từ đá, phù hợp cho các cuộc phục kích và chiến tranh du kích.
Ông Ali Nazary, trưởng bộ phận đối ngoại của NRF, khẳng định: "Panjshir được thiên nhiên củng cố. Địa hình nơi đây không cho phép các thế lực bên ngoài xâm lược".
Theo ông, vào những năm 1990, tuy Taliban có nhiều lợi thế lớn hơn về quân sự như sở hữu rocket và tên lửa đạn đạo, lực lượng này đã không thể kiểm soát được Panjshir.
Ông Nazary cho biết lực lượng kháng chiến hiện có khoảng 10.000 quân, bao gồm dân quân và người dân Panjshir, cũng như tình nguyện viên từ các tỉnh khác. Bên cạnh đó, một lượng lớn các cựu chiến sĩ, đặc nhiệm và tướng chỉ huy của quân đội Afghanistan cũng tham gia lực lượng này.
Hàng ngũ của NRF còn có cựu Phó tổng thống Amrullah Saleh, người lui về Panjshir sau khi cựu Tổng thống Ashraf Ghani chạy ra nước ngoài. Ông Saleh cho rằng ông mới là lãnh đạo của Afghanistan và đã kêu gọi người ủng hộ tham gia vào lực lượng kháng chiến ở Panjshir.
Một số chiến binh, như anh Zaki, là những dân thường, tự trở thành lính du kích để đấu tranh giành lại đất nước.
Anh Zaki cho biết sự hỗ trợ của các nước phương Tây trong hai thập kỷ qua đã giúp anh thấy được lợi ích của một xã hội tôn trọng quyền cơ bản và sự tự do của con người. Anh Zaki, thuộc dân tộc Tajik, lo ngại lực lượng Taliban, chủ yếu là người Pashtun, sẽ tấn công các nhóm thiểu số khác.
"Bảo vệ sự tự do là nghĩa vụ của tôi. Taliban đang muốn áp đặt tư tưởng của dân tộc họ lên người khác", Zaki nói.
Nỗ lực giành lại Afghanistan
Tuy lực lượng kháng chiến đã đối kháng với Taliban, ông Ahmed và đồng sự cấp cao của mình vẫn mong muốn thỏa thuận về việc chia sẻ quyền lực. Họ mong muốn một chính quyền liên tỉnh và phi tập trung, quyền lực được phân đều cho các nhóm dân tộc khác nhau tại Afghanistan.
"Chúng tôi chỉ chấp nhận những điều kiện trên, và sẽ tiếp tục đấu tranh đến khi giành được chính nghĩa, bình đẳng và tự do", ông Ahmed nói với báo Foreign Policy.
Lực lượng Taliban từ chối yêu cầu trên và dự kiến công bố thành lập chính quyền mới theo mô hình chính trị thần quyền ở Iran.
Vào ngày 2/9, ông Muhammad Bilal Karimi, phát ngôn viên của Taliban, cho biết lực lượng này vẫn muốn "giải quyết mâu thuẫn bằng những cuộc đàm phán hòa bình". Tuy nhiên, nếu buộc phải động binh, Taliban sẽ nhanh chóng kiểm soát Panjshir, ông này nói.
"Đội quân chúng tôi đã bao vây Panjshir và có thể hạ gục đối thủ trong chớp nhoáng", ông Karimi nói.
Ngày 4/9, Taliban tuyên bố thành trì kháng chiến NRF "thất thủ", nhưng lực lượng này bác bỏ tuyên bố trên.
Panjshir đã chứng minh khả năng chiến đấu của mình trong bốn ngày qua. Ảnh: AFP. |
Ông Nazary cho biết: "Nếu Taliban sử dụng bạo lực, chúng tôi sẽ đáp trả lại bằng vũ trang. Những ngày qua đã chứng minh khả năng chiến đấu của chúng tôi".
Taliban đang sử dụng nhiều chiến thuật nhằm phá hoại lực lượng kháng chiến. Tại thủ đô Kabul, các chiến binh Taliban truy tìm những người Tajik có quan hệ với NRF.
Bên cạnh đó, lực lượng này còn cắt đứt dịch vụ điện thoại và Internet, ngăn chặn việc liên hệ với thế giới bên ngoài của Panjshir.
Ông Ahmad Hashimi, một giáo sĩ ở thung lũng Panjshir, cho biết: "Taliban đã chặn nguồn lương thực và cắt điện. Nhiều người bị thiếu các dịch vụ thiết yếu như gas".
Tuy nhiên, ông nói: "Người dân Afghanistan sẽ không khuất phục trước các hành động vô nhân đạo của Taliban".