Sống ở thị trấn Hà Lan giáp với Bỉ, chồng chị Thanh Trúc thường xuyên đi sang biên giới để đổ xăng trong thời gian gần đây. Nếu đi bằng ôtô, chồng chị Trúc chỉ mất khoảng chục phút để tới trạm xăng của Bỉ, sau đó quay về Hà Lan.
“Ở Hà Lan một lít xăng có giá khoảng 2 euro, trong khi giá ở Bỉ thấp hơn khoảng 20-30 cent”, chị Trúc chia sẻ với Zing. “Chồng tôi thường sang đó đổ khoảng 30-40 lít, đủ để đi làm trong một tuần”.
Đây cũng là cách thức mà gia đình chị Lâm - sống ở một thị trấn ở Đức cách biên giới Thụy Sĩ khoảng 20 km - áp dụng để đối phó với tình trạng giá xăng dầu lên cao chóng mặt trong khoảng thời gian gần đây.
“Một tuần trước, giá xăng là 2,03 euro/lít, tuần này giảm một chút còn 2,006 euro/lít”, chị Lâm cho hay. “Bên Thụy Sĩ rẻ hơn khoảng 10 cent đổ lại. Nếu đổ mấy chục lít thì cũng bớt được khá nhiều”.
Xăng dầu tăng giá ở châu Âu không còn là câu chuyện mới. Nhiều người Việt sinh sống ở đây nói với Zing rằng họ chứng kiến tình trạng giá cả tăng cao, còn một số mặt hàng thiết yếu như dầu hướng dương hay bột mì không chỉ đắt đỏ mà còn khan hiếm.
Theo báo cáo đưa ra hôm 29/4, lạm phát trong khu vực đồng euro đạt kỷ lục trong tháng thứ 6 liên tiếp ở mức 7,5% trong tháng 4. Con số này ở tháng 3 là 7,4%, theo CNBC.
Giá năng lượng tăng đóng góp nhiều nhất vào tỷ lệ lạm phát của tháng 4, đến 38%, mặc dù đã thấp hơn một chút so với tháng trước (44,4%). Trong khi đó, nguồn cung các loại thực phẩm thiết yếu vốn đã khan hiếm nay càng ít ỏi hơn khi chiến sự giữa Nga và Ukraine nổ ra.
Nhiều kệ hàng trống trong một siêu thị ở Hà Lan thời điểm buổi chiều, trong đó kệ vàng 3 tầng bày dầu hướng dương không còn một chai. |
Giá dầu ăn tăng gấp 5, đi muộn là không còn
Vào thời điểm trao đổi với Zing là 10h45 giờ Hà Lan, chị Trúc cho biết nếu ra siêu thị giờ này sẽ không còn chai dầu hướng dương nào. Siêu thị gần nhà chị Trúc 8h mới mở cửa, nhưng trước đó đã có hàng dài người đứng trước cửa siêu thị.
“Việc đầu tiên khi họ vào siêu thị là chạy tới quầy bán dầu hướng dương”, chị Trúc kể. Giá dầu hướng dương nơi chị Trúc sống đã tăng năm lần, từ 1 euro/lít lên tới 5 euro/lít.
Sống ở vùng ngoại ô nước Pháp, chị Ngọc Phượng cũng chứng kiến cảnh tương tự. Chị cho biết sau gần 3 tuần, chị mới mua được dầu hướng dương sau khi nghe người quen mách phải đến sớm xếp hàng.
“Nếu đi chợ muộn, sau 11h là không bao giờ có. Vì vậy, người quen tôi mới khuyên khi siêu thị mở cửa (tầm 8h30-9h) thì xếp hàng, đứng chờ trước cửa chạy vào lấy ngay mới có”, chị kể.
Chị Ngọc Phượng sống ở vùng ngoại ô nước Pháp. Ảnh: NVCC. |
Tuy nhiên, đi sớm cũng khó chắc chắn có thể mua được. Chị Phượng nhớ lại buổi đầu tiên khi chị xếp hàng trước cửa siêu thị gần chỗ làm nhưng cũng không kịp mua.
“(Dầu hướng dương) bán hết trong tích tắc. Họ chỉ bán 20 chai, mỗi người được mua một chai. Tôi đứng sau một chút, chưa tới 5 phút đã hết”, chị Phượng nói.
May mắn thay, lần thứ hai đi siêu thị gần nhà, do là khu ngoại ô, dân cư thưa thớt hơn nên nhà chị đã kịp mua được 3 chai.
“Siêu thị nhà tôi xếp hàng không đông nhưng khu cơ quan tôi làm thì đông lắm vì chỗ đó dân nhập cư nhiều. Siêu thị mở cửa 8h30 mà 8h người ta đã đứng đầy trước đó", chị nói. “Tôi ước chừng có tầm 20-30 người”.
Để miêu tả tình hình hiện tại, chị Lâm nói khá giống thời dịch Covid-19 bùng phát mạnh: "Hồi Covid-19 thì thiếu giấy vệ sinh, giờ có chiến sự thì lại chuyển thiếu sang dầu hướng dương".
Ngược lại, Ba Lan chỉ chứng kiến cảnh khan hiếm dầu hướng dương trong khoảng một tuần do người dân tích trữ. Tuy nhiên, giá dầu hướng dương tăng gần gấp 2 lần so với trước đây.
“Cách đây 3 tháng, tôi mua chai dầu một lít là 1,07 euro, nhưng giờ lên tận gần 2 euro/chai”, chị Kim Phương - sinh sống tại Ba Lan - cho hay. Hầu hết đồ tươi sống đều tăng mạnh khoảng 1,3-1,6 lần, như ức gà tươi từ 3,43 euro lên tới 4,7 euro/kg.
Giá tăng nhưng hàng hóa vẫn khan hiếm
Một mặt hàng khác cũng thiếu hụt là bột mì hoặc bánh mì. Chị Trúc cho hay chỉ khoảng một tháng sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, bột mì bắt đầu khan hiếm.
“Siêu thị giới hạn số lượng. Mỗi người chỉ được mua một gói”, chị kể lại. “Bột mì đa dụng để làm bánh mì trước bán có 30 cent, bây giờ lên tận 2 euro/kg rồi mà vẫn bị giới hạn mua, không có mà mua”.
Một loạt những kệ hàng trống trơn tại các siêu thị ở Đức. |
Một loạt mặt hàng tăng giá đã dẫn đến tình trạng chung là chi phí sinh hoạt cũng lên theo.
“Trước đây, 100 euro là gia đình tôi có thể mua đủ thực phẩm thiết yếu cho cả tuần. Nhưng giờ chỉ có thể dùng trong 2-3 ngày. Đi siêu thị 100 euro chỉ mua được một ‘nhúm’ đồ”, chị Lâm cho hay.
Trong khi đó, du học sinh Thùy Chi cho hay trước đây chỉ với 20 euro, chị đi siêu thị giá rẻ ở Đức mua được khá nhiều đồ. Nhưng giờ chị phải trả gấp 1,5 lần, gần 30 euro cho cùng số lượng hàng.
Thực phẩm tăng giá khiến các nhà hàng cũng phải đau đầu với bài toán chi phí. Chị cho biết chủ quán sushi nơi đang làm đã phải tăng giá trong menu sau khi giá một thùng bơ tăng từ 100 euro lên 300 euro.
“Giờ đi ăn hàng (ở Ba Lan) giá cũng tăng khoảng 10-20%, bắt đầu tăng từ khoảng 2 tháng trở lại đây”, chị Phương nói.
Không chỉ vậy, đã gần sang tháng 5 nhưng thời tiết ở một số quốc gia châu Âu vẫn còn khá lạnh. Chị Lâm cho biết hiện ở Đức vẫn cần dùng sưởi để giữ nhiệt độ phòng ở mức 20 độ.
Tuy nhà chị dùng sưởi nền nên không quá tốn tiền, nhiều nhà sử dụng sưởi bằng gas ghi nhận hóa đơn thanh toán lên tới hơn 30% so với trước đó.
Đi mua hàng nhưng ngắm là chính
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thị trường dầu ăn ở châu Âu rơi vào cảnh hỗn loạn là ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Nga và Ukraine chiếm khoảng 1/3 lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu, đồng thời chịu trách nhiệm sản xuất lượng lớn các mặt hàng quan trọng như dầu mỏ, khí đốt và dầu hướng dương.
Trong nhiều thập niên, Ukraine cũng là điểm đến của nhà kinh doanh nông sản lớn trên thế giới, bao gồm Cargill, Archer Daniels Midland và Bunge. Những công ty này đã đầu tư vào các cảng, cơ sở ngũ cốc và nhà máy chế biến ở khu vực biển Đen ít nhất từ đầu những năm 2000.
Tuy nhiên, các tuyến vận tải biển trong khu vực biển Đen không hoạt động, hàng hóa không thể xuất khẩu, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung khiến giá cả tăng cao.
Mỗi người chỉ được mua tối đa 3 chai dầu ở một siêu thị của Đức. Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra, các đòn cấm vận của phương Tây nhắm vào Moscow cũng gây ra nhiều tác động tới thị trường toàn cầu.
"Cấm vận Nga không rõ người Nga sống thế nào, nhưng tôi thấy người dân ở đây đang khá lao đao rồi", chị Trúc nói.
Trong bối cảnh đó, các siêu thị ở một số nước châu Âu đã giới hạn số lượng dầu hướng dương mỗi khách hàng được mua.
Tại Ba Lan, nơi chị Kim Phương sinh sống giới hạn số lượng dầu các quán ăn có thể mua. Mỗi người chỉ được mua 5 chai dầu ăn/tuần, và thường xuyên xảy ra tình trạng không có mặt can dầu to 5 lít cho nhà hàng.
Tương tự, chị Lâm cho biết siêu thị ở Đức sẽ dán nhắc nhở trên mỗi kệ hàng rằng mỗi ngày chỉ đc mua 3 chai dầu, giấy vệ sinh thì chỉ được mua một lốc.
Chi phí sinh hoạt tăng cùng với cảnh khan hiếm một số mặt hàng khiến người Việt phải cân nhắc nhiều hơn khi mua hàng. Chị Lâm từng “một tuần đi chợ 3-4 ngày, bây giờ giảm lại, nhìn nhiều hơn, mua ít lại”.
Chị Phương cho hay chị thường xuyên xem các chương trình giảm giá ở các siêu thị để mua. “Lương không tăng nhưng giá tăng nên cần thắt chặt chi tiêu hơn”, chị nói. “Nếu thiếu mặt hàng này thì mình mua các loại hàng hóa khác để thay thế".
Tuy nhiên, “nhiệm vụ” này không hề dễ dàng. Dầu hướng dương là một loại dầu ăn phổ biến, cũng như thành phần quan trọng trong các sản phẩm như sốt mayonnaise và bơ thực vật, đặc biệt là ở châu Âu.
Các loại dầu khác, như dầu ô liu, cũng không thể trở thành một mặt hàng thay thế thích hợp do có sự chênh lệch lớn về giá.
“Với tôi thì dầu ô liu không thể chiên xào được, chỉ ăn sống thôi nên người ta không mua nhiều. Mọi người thường mua dầu hướng dương và dầu hạt cải nhưng gần như trên kệ lúc nào cũng trống rỗng”, chị Phượng nói.
Trong bối cảnh đó, chị Thanh Trúc chia sẻ nhà chị không còn cảnh “thích ăn gì thì ăn đó".
Trước gia đình chị hay ăn đồ chiên rán nên chỉ hai tuần là hết một chai dầu. Tuy nhiên, vì khủng hoảng nên giờ đây chị chủ yếu dùng nồi chiên không dầu, chỉ dùng nấu một số món. Món chả giò chiên - món ăn khoái khẩu của các thành viên trong gia đình cũng xuất hiện ít hơn trong mâm cơm.
“Gia đình tôi tìm cách ăn kiêng theo kiểu ‘eat clean’, mua rau củ, hoa quả nhiều hơn để vừa tiết kiệm vừa tốt cho sức khỏe”, chị nói. “Không chỉ thực phẩm mà còn tã bỉm cũng lên giá vì vận chuyển lên, nên tôi phải xem cái gì cần thiết mới mua”.
Trong khi đó, chị Phượng may mắn hơn vì khi vật giá tăng, trường đại học chị đang làm có chính sách thưởng thêm cho nhân viên để hỗ trợ. “Nếu mà lương thấp thì họ cho nhiều, lương cao thì ít hơn”, chị nói.
Chị cũng cho biết thêm khi giá xăng dầu tăng, chính phủ Pháp đã trợ giá giúp giảm nhiệt thị trường.
“Nếu xăng dầu mà tăng thì phí vận chuyển hàng hóa cũng tăng theo dẫn đến vật giá leo thang. Vì thế chính phủ đã trợ giá cho xăng dầu để bình ổn giá”, chị nói. “Vấn đề tạm thời ở đây là chỉ thiếu dầu ăn”.
Một số người ở Đức chuyển sang săn hàng trực tuyến. Chị Lâm cho biết có người còn tìm kiếm dầu hướng dương thông qua kênh mua sắm, thậm chí đặt hàng tận Ba Lan - nơi không thiếu dầu hướng dương.