Kẻ nói dối được đào tạo
John tiếp phóng viên trong một căn phòng khách sạn ở trung tâm thủ đô London. Tư lệnh Richard Martin ngồi cạnh ông. Cuộc gặp gỡ này chưa từng xảy ra, bởi cảnh sát London không cho phép nhân viên cảnh sát chìm được nói chuyện công khai với báo giới.
John thực tế là một sĩ quan phục vụ trong đơn vị bí mật mang mã số SO35 của cảnh sát vùng thủ đô. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của đơn vị này là đấu tranh với tội phạm có tổ chức đặc biệt nguy hiểm.
Phóng viên có thể trò chuyện với John, nhưng không được cung cấp danh tính, hình ảnh cũng như thu âm giọng nói. "Chỉ một số ít người biết bí mật của tôi", John bắt đầu câu chuyện.
"Tôi thậm chí đã giống như thành viên của tổ chức tội phạm, rất đáng tin cậy. Tôi là một kẻ nói dối được đào tạo và tôi phải nhớ tất cả những lời nói dối đó. Khi đối phó với kẻ xấu, bạn cần phải có nhân cách và 'đút túi' nhiều câu chuyện để ứng biến", John nói.
"Qua thời gian thâm nhập thực tế, tôi đã nắm được quy luật hoạt động cũng như ám tín hiệu của những tên tội phạm. Một hợp đồng giết người 'sạch sẽ' có giá dao động từ 1.000 - 30.000 bảng Anh", John nói. Trong sự nghiệp của mình, John đã "hóa thân" trở thành thành viên của nhiều nhóm tội phạm khác nhau, từ tội phạm có tổ chức cực kỳ nguy hiểm, băng cướp có vũ trang, băng đảng ma túy và buôn bán vũ khí trái phép đến nhóm khủng bố cũng như băng đảng bóc lột tình dục trẻ em.
John nói rằng, ông đã biết quá nhiều thứ và có lẽ, trong suốt cuộc đời này, ông không thể thư giãn. "Không phải tất cả mọi người trong băng nhóm tội phạm đều khủng khiếp. Có những người trong số họ rất tốt bụng và phạm tội do hoàn cảnh xô đẩy. Rõ ràng, họ sẽ vào tù nhưng thực tế là họ đã bị tôi 'lừa'", John nhận định.
Nghề nguy hiểm
Hoạt động của cảnh sát chìm đã góp phần không nhỏ trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở Anh. Thống kê trong một năm trở lại đây, hoạt động của cảnh sát chìm đã dẫn đến 1.400 vụ bắt giữ các đối tượng phạm tội.
Để đảm bảo thành công trong công việc, những nhân viên cảnh sát chìm phải trải qua đợt tuyển chọn khắt khe và được đào tạo hết sức bài bản. John nói rằng, nhiều đồng nghiệp ông đã bỏ nghề vì áp lực quá lớn trong công việc.
Phần lớn các nhân viên cảnh sát chìm tham gia tổ chức tội phạm chứ không tiến hành thu thập thông tin về các nhóm chính trị.
"Chúng tôi phải đối phó với những tên tội phạm nguy hiểm. Họ luôn nêu cao cảnh giác và điều kinh khủng có thể sẽ đến nếu chúng tôi sơ suất. Sống chính trong lòng kẻ địch là mối đe dọa lớn nhất đối với an toàn của chúng tôi. Với chúng tôi, ranh giới giữa tội phạm và người thực hiện công vụ cũng rất mong manh. Nếu không xác định được ranh giới đó, chắc chắc bạn sẽ gặp rắc rối. Tôi luôn phải tâm niệm rằng, mình là người thực thi pháp luật. Mục tiêu của tôi là tìm ra bằng chứng. Tuy nhiên, thực tế không bao giờ dễ dàng như vậy. Môi trường tội phạm rất dễ khiến ta sa ngã", John nói.
Tác động của công việc đến cuộc sống thực của những nhân viên cảnh sát chìm rất sâu sắc và lâu dài. "Những tên tội phạm đã phải đi tù 10 hay 20 năm nhưng hình ảnh họ sẽ luôn ở trong tâm trí của chúng tôi. Thế giới này rất nhỏ bé, bạn không bao giờ biết được một lúc nào đó, tại thời điểm nào đó, tội phạm sẽ xuất hiện trở lại và gặp bạn".
Ông John nhớ lại một lần khi ông gặp "gương mặt quen thuộc" lúc làm nhiệm vụ.
"Khi tôi đang theo dõi một tên tội phạm ở quán bar tại London thì bắt gặp tên tội phạm khác mà tôi đã theo trong chuyên án trước ở phía xa. Ngay lập tức, tôi nhận ra ông ta. Đó là thành viên tổ chức tội phạm mà tôi đã thâm nhập. Ông ta không bị bắt nhưng đồng phạm của ông thì đã phải hầu tòa và chính tôi là người đưa ra bằng chứng chống lại chúng. Lúc đó, tôi đã phải tìm mọi cách để rút lui khỏi quán bar ngay lập tức. Thật không hiểu những gì sẽ xảy ra khi chúng tôi chạm trán nhau", John vừa nói vừa mỉm cười khi kể về tai nạn nghề nghiệp.
Cảnh sát chìm hiện là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận ở Anh. Trong tuần trước, một cuộc điều tra của lực lượng cảnh sát Anh tiết lộ rằng, một đơn vị cảnh sát bí mật đã vi phạm nghiêm trọng các quy tắc làm việc trong thời gian dài.
Theo thông tin này, các thành viên của đơn vị cảnh sát chìm đã thực hiện nhiều hành vi không đúng đắn trong ít nhất 18 vụ việc.
Một cựu sĩ quan bí mật tên là Peter Francis cũng cho rằng, ông và các đồng nghiệp của mình đã được "đặt hàng" để thực hiện bôi nhọ danh dự gia đình một số quan chức. Chưa dừng lại ở đó, một phụ nữ đã đệ đơn tố cáo nhân viên cảnh sát chìm có quan hệ tình dục với mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Bóng hồng gốc Việt kể chuyện 20 năm làm đặc vụ FBI
Con đường đưa một phụ nữ xinh đẹp gốc Việt trở thành đặc vụ FBI bắt đầu từ năm 1975 khi chị cùng gia đình sang Mỹ định cư.
'Nga mở lại căn cứ gián điệp ở sát Mỹ'
2 2
Moscow được cho là tạm thời mở lại căn cứ gián điệp từng được sử dụng để nghe lén Mỹ thời Chiến tranh Lạnh trên lãnh thổ Cuba sau chuyến công du của Tổng thống Vladimir Putin.
7.000 điệp viên chen chúc tại ‘thủ đô âm nhạc’
Ít nhất 7.000 gián điệp đang nằm vùng tại Vienna, thủ đô của nước Áo và đồng thời được mệnh danh là trung tâm âm nhạc của thế giới.