Mỹ và Nga tổ chức trao trả tù binh vào năm 2010 tại sân bay ở Vienna, gồm cả nữ gián điệp người Nga Anna Chapman. Ảnh: AP |
Siegfried Beer, giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo, tuyên truyền và an ninh tại Đại học Graz, đồng tình với thông tin về số điệp viên đang hiện diện tại Vienna. Họ được cho là làm việc tại các đại sứ quán và tổ chức quốc tế.
Trong khi đó, Gert René Polli, nguyên giám đốc cơ quan chống khủng bố Áo (BVT), nói con số 7.000 chỉ là cơ bản, số liệu thật có thể cao hơn nếu tính cả những người liên quan đến các hoạt động thương mại.
"Vienna là một sàn giao dịch thông tin. Chúng tôi có những bộ luật tự do nhất để quản lý hoạt động tình báo trên thế giới. Thành phố này là nơi rất tuyệt để các điệp viên mang theo cả gia đình họ tới đây, sau khi trải qua những nhiệm kỳ khó khăn ở Serbia, Iraq hay Afghanistan", ông Gert René Polli trả lời trên Telegraph.
Do nhiều cơ quan Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế đặt trụ sở tại Vienna, từ Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho đến Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) hoặc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OSCE), rất nhiều nhà ngoại giao hoạt động tại thành phố này và nó trở thành mặt trận hoàn hảo cho việc do thám.
Những ưu tiên do thám của các nước thay đổi theo diễn biến quốc tế. Tuy nhiên, cuộc đối đầu truyền thống thuộc vẫn về Mỹ - Nga. Điều này thể hiện rõ khi cả hai nước chọn Vienna là nơi các vụ "trao đổi điệp viên" lớn nhất trong những năm gần đây. Năm 2010, Mỹ và Nga lần lượt trao trả cho nhau 14 điệp viên, trong số này có nữ điệp viên xinh đẹp Anna Chapman, tại sân bay Vienna.
Áo là một quốc gia trung lập nên thành phố Vienna trở thành trung tâm hoạt động của các điệp viên trong thời Chiến tranh Lạnh, nơi các bên thuộc khối Hiệp ước Warsaw (các nước Trung và Đông Âu) và khối Đồng minh có thể hoạt động tình báo và công khai buôn bán bí mật cho nhau.
Thủ đô Vienna của Áo trở thành nơi hoạt động thuận lợi và đáng sống của các điệp viên. Ảnh: Telegraph |
Nhà báo Emil Bobi, tác giả quyển Die Schattenstadt nói về lịch sử do thám ở Vienna, cho biết các hoạt động gián điệp do nhà nước bảo trợ xuất phát từ thời Đế chế Áo - Hung. Tuy nhiên, sau khi đế chế sụp đổ, trải qua nhiều biến cố như hai cuộc chiến tranh thế giới và đối đầu Đông - Tây, chính quyền Áo vẫn không thay đổi các điều luật quản lý hoạt động điệp viên. Hậu quả là những hoạt động gián điệp trái phép tại Áo đang nhằm vào chính bí mật quốc gia của nước này.
"Đại sứ quán nào cũng đông nhân viên. Bất kỳ nhà ngoại giao cấp trung nào cũng có thể liên quan tới cơ quan tình báo ở quê hương họ", ông Bobi nói. Theo ông Bobi, "cuộc sống ở đây là như vậy. Đó là một phần văn hóa của Vienna. Xã hội Vienna xây dựng từ những bí mật và người dân sống ở đây đều có bí mật của họ".
Thủ đô Vienna nằm dưới chân dãy Alps và có dòng sông Danube chảy qua, khiến thành phố trở thành nguồn cảm hứng của các nhạc sĩ. Vienna nổi tiếng thế giới với tên gọi "thủ đô âm nhạc", là quê hương của những nhạc sĩ vĩ đại như Wolfgang Amadeus Mozart, Joseph Haydn, Franz Schubert. Một số nhà soạn nhạc, như Ludwig van Beethoven, tuy không sinh ra tại Vienna nhưng sống phần lớn cuộc đời tại đây.