Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Cuộc sống đảo lộn ở Cà Mau, nơi sóng lớn quét sạch nhà cửa

Bà Quê nghẹn ngào khi tài sản mấy chục năm bị cuốn trôi vì trận sóng dữ. Hai tuần sau thiên tai, người dân khu vực ngoài đê biển Tây (Cà Mau) đang chật vật sắp xếp lại cuộc sống.

CUỘC SỐNG ĐẢO LỘN Ở NƠI SÓNG LỚN QUÉT SẠCH NHÀ CỬA

Bà Quê nghẹn ngào khi tài sản mấy chục năm bị cuốn trôi vì trận sóng dữ. Hai tuần sau thiên tai, người dân khu vực ngoài đê biển Tây (huyện U Minh, Cà Mau) đang chật vật để ổn định cuộc sống.

lu lut mien Tay anh 1

Ngày 3/8, đợt mưa lớn kết hợp triều cường gây sóng lớn đã cuốn trôi và làm hư hại hàng chục căn nhà của người dân sống khu vực ngoài đê biển Tây thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Sau 2 tuần, nhà cửa, vật dụng, ngư lưới của họ vẫn hết sức ngổn ngang. Trong nỗ lực vượt khó, người dân nơi đây đang sửa chữa, cất dựng lại những ngôi nhà mới.

lu lut mien Tay anh 2

Sau cơn thịnh nộ của biển

“Thôi nhé đêm nay trời trở gió… có cơn bão nhỏ rớt đâu đây, ta nghe rượu đắng lời tâm sự. Mai mốt em về ta vẫn say…”, thật xót dạ khi nghe lời ca buồn não trong vở tuồng cổ Đêm lạnh chùa hoang của soạn giả Yên Lang văng vằng đằng sau đống đổ nát, nơi căn nhà của bà Quê và nhiều hộ dân khác bị sóng cuốn trôi hôm 3/8.

Bà Quê là một trong những người dân sinh sống ven đê biển Tây, đoạn thuộc ấp 10, xã Khánh Tiến hơn 30 năm qua. Vừa hát, bà vừa cùng đứa cháu ngoại 5 tuổi tìm kiếm vật dụng vương vãi. Theo chân ngoại, cậu bé Kiệt luôn miệng hỏi vì sao căn nhà trước đây cháu ở lại như thế này, rồi chỗ ngủ và đồ chơi của cháu sao không thấy...

lu lut mien Tay anh 3

Bà Quê tìm kiếm mọi thứ còn sót lại. Sau một giờ, thành quả là một số vật dụng làm bằng nhựa gồm thau, thùng nước và đồ sành sứ như chén bát… Không còn một thứ gì có giá trị cao. Bà Quê nghẹn ngào kể tài sản quan trọng mấy chục năm qua của gia đình bà là cái tivi lớn, thùng loa nhạc, tủ lạnh và một số thiết bị điện gia dụng khác, nhưng tất cả đã trôi theo dòng nước biển.

Nhìn ra đống đổ nát, người phụ nữ khốn khổ ngơ ngác tìm ổ vịt. Bà kể sóng lớn cuốn đi ổ trứng vịt mẹ đang ấp, đã gần tới ngày nở con.

lu lut mien Tay anh 7
lu lut mien Tay anh 12

Khu vực nhà dân ven biển Tây, đoạn thuộc các ấp 9, 10 và 11 của xã Khánh Tiến bị thiệt hại nặng nhất sau thiên tai. Triều cường, sóng lớn đã xóa sổ hoàn toàn nhiều căn nhà, chỉ còn trơ lại nền trống và những đống đổ nát. Những ngôi nhà không bị cuốn trôi hoàn toàn thì nghiêng ngả, hư hỏng vách, trông rất thảm hại.

Trong đợt thiên tai, lưới điện quốc gia bị hư hỏng nặng. Người dân đã gặp khó, lại càng vất vả hơn trong cuộc sống thường nhật.

Tại khu vực này, triều cường và sóng lớn nhiều ngày trước đó đã làm cho tình trạng sạt lở thêm nghiêm trọng. Nhiều đoạn đê biển Tây sạt lở đến tận chân đê dù phía ngoài đã có mảng rừng phòng hộ. Người dân cho hay họ thấy không ít những mảng rừng phòng hộ bị sóng đánh bật, nghiêng ngả và trôi theo dòng nước biển.

Khoảng 10 năm trước, rừng phòng hộ đê biển Tây vẫn khá rậm rạp và dày. Tuy nhiên, hiện những mảng rừng phòng hộ (chủ yếu là cây mắm) trở nên mỏng hơn, có nơi mất hẳn rừng. Sóng lớn sẽ còn dễ dàng tác động vào chân đê biển Tây hơn trong thời gian tới.

Lấy tay lau nước mắt, bà Hạnh (58 tuổi, ngụ ấp 11, xã Khánh Tiến) tiếc nuối tài sản mấy mươi năm gom góp của gia đình mất trắng chỉ trong một buổi chiều. Ở tuổi xế chiều, bà lo lắng không biết sắp tới cuộc sống gia đình sẽ ra sao.

Dẫn chúng tôi đi xem căn nhà đổ nát của mình, bà Hạnh bảo nhà bà trước đây dù làm bằng cây lá địa phương, mái lợp tôn nhưng được chăm chút rất kỹ lưỡng. Người phụ nữ mua sắm nhiều vật dụng trong gia đình để khi có đám tiệc không phải mượn nhờ người khác. Trước nhà có giàn hoa kiểng tươi xinh, mỗi sáng bà thường ra ngắm và tưới nước… Giờ mọi thứ đã không còn.

lu lut mien Tay anh 15

Còn ông Thìn thất thần nhớ lại cảnh tượng chiều 3/8, ngôi nhà mà ông và người mẹ già sinh sống bị nước biển cuốn trôi phần vách chỉ trong phút chốc. Chật vật lắm, hai mẹ con ông mới thoát được khỏi dòng nước biển.

Trời xứ biển về chiều trong cơn hanh lạnh, ánh nắng yếu ớt. Trong tầm mắt chúng tôi là một chiếc tủ lạnh vô chủ nằm chỏng chơ bên cạnh khu đất trống mà trước đây không lâu, đó là nhà ở của người dân. Những chiếc gối hoa ngấm nước biển được phơi tạm trên thân cây khô. 

Thỉnh thoảng một số người đi nhặt phế liệu lò dò ngang qua, còn trẻ em nháo nhác tìm kiếm những món đồ chơi đã mất.

lu lut mien Tay anh 18

Nỗ lực thoát cảnh màn trời chiếu đất

Đi dọc tuyến đê biển Tây, dễ bắt gặp những nền nhà mới toanh vừa được người dân xây dựng.

Chiều mù mưa, bà Quê tranh thủ giặt xong mớ quần áo bẩn đã tồn đọng nhiều ngày. Bà Hạnh khẩn trương thu dọn mớ quần áo còn sót lại vào căn chòi ở tạm của mình để tránh mưa. Một phụ nữ chắt nước nồi cơm trong căn chòi chật hẹp. Một bữa ăn chóng vánh trong không gian tối mù chỉ với một chiếc đèn đội đầu. Ông Thìn cố gắng tìm nguồn điện để sạc chiếc điện thoại trong căn chòi tạm bé nhỏ.

lu lut mien Tay anh 19
lu lut mien Tay anh 22

Có nằm mơ, ông Phương (54 tuổi), ngụ ấp 10, xã Khánh Tiến cũng không tưởng tượng ra có ngày mình bị sóng cuốn mất hết nhà cửa, sống tạm bợ trong căn chòi không tới 10 m2. Ông gắng cùng vợ con thu dọn đồ đạc trong đống đổ nát, rồi mang về để ngổn ngang bên chiếc chòi tạm. Chòi nhỏ bé được phủ bằng tấm nhựa là chỗ để che nắng che mưa và làm nơi ngủ tạm cho cả gia đình.

Được lãnh đạo xã Khánh Tiến thông báo sắp tới sẽ bố trí nền tái định cư cho người dân bị mất nhà sau đợt thiên tai, ông Phương mừng lắm. Hiện, ông quần quật cả ngày thu gom đồ đạc, chuẩn bị cây lá, tấm lợp để khi nào được nhận nền, gia đình sẽ nhanh chóng dọn về đó cất dựng lại nhà cửa. “Đâu thể ở tạm mãi như thế này. Những đêm mưa gió, mọi người đâu ai ngủ được trong căn chòi ướt lạnh này”, ông Phương trầm ngâm.

Nhà cửa không còn, trẻ em lang thang hoặc quây quần với người thân trên con đê biển Tây, quanh căn chòi bé nhỏ mới được dựng tạm. 

lu lut mien Tay anh 25

Chiều 3/8, ông Định (59 tuổi, ngụ ấp 11, xã Khánh Tiến) chới với cùng vợ con và cháu ngoại, cố bám víu thoát thân sau cơn sóng cuốn. Dù 2 tuần trôi qua, nhưng mỗi tối, cảnh tượng ấy vẫn thường trở về trong những cơn ác mộng. Ông kể sóng cuốn căn nhà của mình đến mức chẳng còn thứ gì, chỉ còn mỗi bộ đồ mặc trên người. Dĩ nhiên, chúng tôi hiểu đây là cách nói dân dã tếu táo của ông ám chỉ việc sóng cuốn "sạch sành sanh".

lu lut mien Tay anh 26
lu lut mien Tay anh 29

Mấy ngày qua, ông Định cùng vợ và người con trai lớn cất dựng lại nhà, trên phần đất của chủ vuông tôm mà gia đình ông đang thuê canh tác. Phần sàn nhà đã được làm xong với diện tích hơn 21 m2. Ông Định nói rằng ngôi nhà nhỏ này giống như một căn chòi canh tôm, chỉ để ở tạm. Khi không còn thuê đất, ngôi nhà của ông cũng phải dỡ đi nơi khác. Dù là thế, ông Định và vợ con không hề cẩu thả trong việc xây cất. Mọi người cẩn thận đo đạc, đục đẽo các chi tiết của phần sàn nhà, rồi chuẩn bị làm cột, kèo.

lu lut mien Tay anh 30

Lãnh đạo UBND xã Khánh Tiến cho biết huyện U Minh đang xin chủ trương của tỉnh để bố trí nền tái định cư tại Khu tái định cư Hương Mai (xã Khánh Tiến) cho các hộ dân thuộc xã bị ảnh hưởng bởi đợt thiên tai. Về lâu dài, những hộ dân sống ngoài khu vực đê biển Tây sẽ được chính quyền địa phương vận động, tạo điều kiện để chuyển nhà vào phía trong đê sinh sống, nhằm đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng.

lu lut mien Tay anh 31

Những chuyến đi biển trở lại

Mấy ngày qua, một bộ phận người dân khu vực bị ảnh hưởng thuộc xã Khánh Tiến đã trở lại với hoạt động đánh bắt hải sản thường nhật, không khí khá náo nhiệt. Họ phấn khởi vì lượng tôm, cá đánh bắt được sau đợt dông gió vừa qua rất khả quan. Điều này giúp các gia đình có chút thu nhập để sửa chữa nhà cửa và trang trải cuộc sống.

Toàn ấp 7 có khoảng 200 hộ dân làm nghề khai thác thủy hải sản, trong đó đông nhất là các hộ làm nghề giăng lưới bắt tôm trên biển. Việc mọi người làm nghề trở lại là một tín hiệu đáng mừng. Họ đã phải “nằm nhà” suốt 10 ngày qua.

lu lut mien Tay anh 32
lu lut mien Tay anh 33

Người dân chủ yếu dùng những chiếc vỏ máy nhỏ, 2 người làm, chở vài đoạn lưới, mỗi đoạn dài khoảng 500 m ra vùng biển Tây để giăng bắt tôm. Với phương tiện nhỏ như vậy, họ chỉ bắt được tôm ở vùng biển gần bờ (thường không quá 3 hải lý). Ngoài tôm, ngư dân còn bắt được các loại thủy hải sản khác như mực, ốc gai, tôm tích và một số loại cá.

Thông thường, ngư dân bắt đầu chuyến đánh bắt cá tôm vào khoảng 3-4h sáng, đến hơn 11h trưa thì trở về. Tuy nhiên, thời gian thường biến động, tùy thuộc vào con nước biển và điều kiện thời tiết. Nếu sóng to, phương tiện nhỏ của họ không thể ra biển đánh bắt được.

lu lut mien Tay anh 36

Ông Thiền (58 tuổi, ngụ ấp 7, xã Khánh Tiến) phấn khởi khi lượng tôm cá đánh bắt được nhiều trong mấy ngày qua. Với khoảng 5.000 m lưới, ông thu được khoảng 4 triệu đồng cho mỗi chuyến đánh bắt. Theo ông, với phương tiện đánh bắt nhỏ bằng vỏ máy, có 2-3 người làm, giăng khoảng 3.000 m lưới sẽ bắt được lượng khá lớn tôm thẻ, cá, mực. Mỗi tháng, người dân nơi này chỉ đánh bắt tôm, cá hiệu quả trong khoảng 10 ngày. Thời gian còn lại trong tháng, việc đánh bắt không hiệu quả do "con nước", hoặc thời tiết xấu.

lu lut mien Tay anh 37

Hơn 11h trưa, tại một bến đất phía dưới cống Hương Mai (xã Khánh Tiến), cảnh các ghe, vỏ máy ra vào tấp nập mang theo những túi lưới to và hải sản vừa đánh bắt được. Cùng với đàn ông, phụ nữ và trẻ em cũng tham gia thu gỡ hải sản từ các mành lưới. Tiếng cười nói rộn ràng cả một khu vực. Hầu hết mọi người đều phấn khởi vì những ngày qua, lượng tôm, cá mà họ giăng bắt được khá nhiều, cho thu nhập tốt.

Bé Thiện (3 tuổi) tự uống bình sữa trong lúc người thân của em đang mải miết gỡ tôm cá, giặt lưới sau chuyến đánh bắt. Xung quanh văng vẳng tiếng hát thánh thót, đứt quãng của những đứa trẻ đang nằm võng đợi cha mẹ làm việc dưới chân cống Hương Mai.

Những hình ảnh, âm thanh này đối lập hoàn toàn với cảnh tượng hoang tàn, buồn bã của người dân khi họ bị thiên tai phá hủy cuộc sống. Chuẩn bị cho những chuyến mưu sinh sắp tới là việc không dễ dàng gì ở vùng biển lắm sóng, nhiều gió nơi đây.

lu lut mien Tay anh 42

Phạm Ngôn

Bạn có thể quan tâm