129 nạn nhân thiệt mạng trong đêm 13/11. Ảnh: AP |
Vụ khủng bố liên hoàn xảy ra đêm 13/11 tại Paris cướp hơn 120 sinh mạng - không quá nhiều so với dân số nơi đây nhưng cũng đủ để khiến người dân thành phố cảm thấy trống rỗng. Dù vụ việc đã kết thúc, một ngày sau đêm kinh hoàng đó, cuộc sống của họ vẫn chưa thể trở lại bình thường.
Trên những đường phố rải rác lá khô khi mùa thu tới, người dân Paris cố gắng lấy lại tinh thần tại nơi mà họ đã rời khỏi trước khi những kẻ tấn công tự sát giết chết 129 người vô tội.
Tháp Eiffel, biểu tượng của nước Pháp đóng cửa. Với chiều cao 324m, ánh sáng lấp ánh toả ra từ hàng trăm nghìn bóng đèn của nó có thể vươn xa, bao trùm cả thành phố. Tuy nhiên, trong đêm hôm 14/11, ánh sáng đó không còn. Nó tắt đèn để tang.
Công viên Disneyland tại Paris không hoạt động. Thay vì một cuộc triển lãm tranh của hoạ sĩ Andy Warhol, thứ duy nhất mà những du khách Yvette và Guilhem Nougaret thấy tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại là một tấm bảng thông báo đóng cửa “vì tình thế bắt buộc”.
Những người dân hy vọng họ có thể mua thật nhiều đồ trong cửa hàng tạp hoá. Tuy nhiên, cánh cửa nơi đó khép kín. Tất cả đều trống rỗng theo lệnh của chính phủ. Túi nước đá mà những người bán cá sử dụng hàng ngày để ướp lạnh thực phẩm vẫn nằm đó vì không ai sử dụng.
Người ta vẫn ngồi hút thuốc tại những bàn ngoài vỉa hè của những quán cafe. Chỉ cách đó vài tiếng, hàng chục người đã bị bắn.
Một người đàn ông cố che đi sự đau khổ khi rời khỏi nhà xác tại thành phố Paris. Ảnh: AP |
“Tôi sẽ không ngồi bên ngoài”, Flora Jobert, một nhân viên bồi bàn, nói khi cô phục vụ một tách espresso và khuyên khách hàng nên ngồi bên trong.
Tiếng còi vang lên, những ánh đèn xanh nhấp nháy, một chiếc xe cảnh sát lướt qua.
“Tình hình đã như thế cả buổi sáng”, Jobert nói.
Cùng nỗi sợ hãi và sự giận dữ, một luật sư đã nghỉ hưu, một nhà thiết kế thời trang, một nhạc sĩ, những người phóng viên phỏng vấn ngẫu nhiên, đều khẳng định: Cuộc sống vẫn phải tiếp tục, chúng tôi không đầu hàng khủng bố. Họ bám vào những suy nghĩ ấy như phao cứu sinh.
“Tôi sợ lắm”, Patricia Martinot, một nhân viên vệ sinh, nói. Cô lấy hết can đảm để dắt chó ra ngoài đi dạo vào buổi sáng đi qua những con phố vắng vẻ lạ thường.
“Tôi bật tivi cả đêm. Tôi không thể ngủ”, Martinot nói.
Trên những chuyến tàu, hành khách nhìn chằm chằm vào khoảng không vô định và lạc trong suy nghĩ. Cesar Combelle, một nghệ sĩ chơi guitar bass, thức dậy vào buổi sáng hôm 14/11 bởi tiếng gọi hoảng sợ của chị gái anh. Cô ấy đã nghĩ rằng Combelle có thể là một trong 89 nạn nhân thiệt mạng tại hội trường của nhà hát Bataclan, nơi bọn khủng bố xả súng vào đêm trước.
“Tôi cảm thấy như chúng ta đang trở về thời Trung cổ, về thời kỳ chiến tranh tôn giáo. Điều khiến tôi thực sự lo ngại là những hậu quả về chính trị và phản ứng từ phía quân đội, những thứ có thể đẩy chúng ta vào chiến tranh”, Combelle nói khi anh tiến vào trung tâm thành phố.
Đối mặt với sự thù hận mù quáng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), một số công dân Paris tỏ vẻ thách thức.
Bên ngoài nhà hát Bataclan, kéo theo một cây đàn piano được trang trí với dấu hiệu hoà bình, một người đàn ông đi xe đạp dừng lại và chơi bản “Imagine” của John Lennon. Những khoảnh khắc cảm động đó như một ngọn hải đăng của niềm hy vọng và thể hiện quyết tâm chống lại bóng tối.
Những hình ảnh về tháp Eiffel như một biểu tượng của hoà bình lan truyền khắp nơi. Tại một khu đặt hoa tưởng niệm ở Bataclan, người ta để lại một thông điệp viết tay với dòng chữ: “Hỡi những kẻ khủng bố, các ngươi nên biết rằng: Người Pháp luôn chống lại những kẻ đánh cắp sự sống”.
Đối với những nạn nhân, họ chỉ đơn giản là đến sai thời điểm nên đã bị bắn, bị thổi tung. Ảnh: Reuters |
Đối với nhiều người, vụ khủng bố liên hoàn tại Paris vào đêm 13/11 là đòn mạnh hơn hẳn chuỗi sự kiện xảy ra với tờ báo Charlie Hebdo hồi tháng 1, không chỉ vì số người chết cao hơn rất nhiều, mà còn vì những kẻ sát nhân giết người bừa bãi.
Trong vụ việc xảy ra tại toà soạn Charlie Hebdo, tuy đã "hành hung" các giá trị của tự do ngôn luận, nhưng các tay súng nhắm vào những người "chịu trách nhiệm" cho việc đưa nhà tiên tri Muhammad vào trong những bức hình châm biếm. Trong vụ tấn công hôm 13/11, những kẻ tấn công liều chết đã thực hiện một cuộc tàn sát lớn, nhắm vào tất cả những người xung quanh, những người ra khỏi nhà để tìm kiếm niềm vui.
Sự sống và cái chết giống như trò xổ số. Với những nạn nhân, họ chỉ đơn giản là đã đến đó sai thời điểm nên thiệt mạng. Mọi thứ đều rất ngẫu nhiên.
“Thật man rợ”, Michel Touffait, một luật sư về hưu, nói. Siêu thị, ngân hàng đóng cửa trong tình trạng khẩn cấp. Máy ATM trống rỗng.
“Tổng thống nói rằng, chúng ta đang trong một cuộc chiến. Thật đáng sợ”, ông thì thầm.
Một số báo nói “kẻ thù” đang ở giữa những người dân trong thành phố chứ không phải cách đó hàng nghìn dặm, ở Trung Đông hay châu Phi, nơi quân đội Pháp đang tích cực tham gia trong một cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan. Theo AP, công tố viên Francois Molins cho hay, một trong những kẻ tấn công ở Bataclan sinh ra tại Pháp.
“Thời gian này thật đáng sợ. Không cần chỉ dẫn, những kẻ vô danh chỉ đơn giản là thực hiện các cuộc tấn công chống lại người Pháp”, Etienne Jeanson, một nhà thiết kế thời trang, nói. Jeanson không hoãn buổi chụp ngoài trời tại một đại lộ vào hôm 14/11 bởi vì “chúng tôi sẽ không dừng lại chỉ vì một số kẻ lai căng”.
Vô cùng giận giữ, anh nói rằng Tổng thống Francois Hollande cần phải đẩy mạnh cuộc chiến chống lại IS.
“Chỉ cần thổi tung tất cả. Khi một phần cơ thể hoại tử, bạn cần xử lý nó và phải cắt tận gốc”, Jeanson nói.