Hãy tưởng tượng, bạn phải làm việc từ 7h30 tối và dành 12 giờ để lặp đi lặp lại công việc lắp một ốc vít vào mặt sau smartphone. Ban ngày bạn ngủ trong khu ký túc xá, thức dậy vào chiều tối để bắt đầu đi làm.
Đó là chuỗi ngày nhàm chán của Dejian Zeng tại một nhà máy của Pegatron gần Thượng Hải, Trung Quốc vào mùa hè năm ngoái. Nó cũng tương tự như hàng trăm nghìn công nhân khác ở đất nước tỷ dân và các nền kinh tế mới nổi gồng mình vận hành guồng quay của công nghệ.
Nhưng khác với phần đông, Zeng gia nhập nhà máy không phải để kiếm tiền. Anh là sinh viên Đại học New York. Chàng trai trẻ đã dành 6 tuần để trải nghiệm cuộc sống của công nhân sản xuất iPhone.
Anh cho biết họ trả cho mình 3.100 tệ (khoảng 450 USD) cho cả tháng làm việc, kể cả thêm giờ.
Công nhân bước vào nhà máy Pegatron. Ảnh: Dejian Jang.
|
Zeng bí mật xin làm việc tại nhà máy ChangShuo của Pagatron vào mùa hè năm ngoái. Nhà máy nằm trong danh sách phản ánh của BBC năm 2014 và Bloomberg năm 2016 về tình trạng buộc công nhân làm ca đêm.
Khuôn viên khu ký túc xá nơi Zeng ở. Ảnh: Dejian Zeng.
|
Cây viết Kif Leswing tờ Business Insider đã có cuộc phỏng vấn với Zeng.
- Kif Leswing: Công việc cụ thể của bạn là gì? Tôi rất muốn nghe về những ngày tháng ở nhà máy Pegatron.
- Dejian Zeng: Lúc đầu, tôi được giao tham gia vào dây chuyển lắp ráp trong bộ phận được gọi là FATP, khâu lắp ráp cuối cùng. Chúng tôi đặt iPhone lại gần nhau.
Một dây chuyển có khoảng 100 trạm. Mỗi trạm đảm nhiệm vai trò cụ thể. Lúc đầu, tôi làm việc với những chiếc iPhone 6S. Tới tháng 8 thì chúng tôi đổi sang lắp ráp iPhone 7.
Thời gian làm việc với iPhone 6S, tôi được phân công ở 2 trạm. Đầu tiên là lắp hệ thống loa. Công việc là đặt loa vào vỏ, rồi vặn ốc vít vào. Vỏ chạy trên dây chuyền, chúng tôi sẽ lần lượt nhặt lên rồi lấy máy cấp vít “bắn” vào, sau đó đặt iPhone trở lại để di chuyển tới trạm tiếp theo.
Nó vô cùng đơn giản, nhưng là công việc phải làm. Lặp đi lặp lại nhiều lần trong cả một ngày.
- Bạn có thể miêu tả chi tiết công việc hơn được không?
- Hai ngày đầu tiên, người mới phải rất tập trung vì không thể theo kịp tốc độ của dây chuyền lắp ráp. Công việc yêu cầu bạn phải nhanh chóng để làm quen. Vì vậy, bạn phải rất tập trung. Nó làm cho tôi mệt mỏi, nhưng giữ cho tâm trí luôn tỉnh táo. Bạn không có thời gian để nghĩ về bất cứ thứ gì khác. Trong đầu chỉ là tôi cần nhanh, nhanh hơn nữa.
Sau đó, bạn sẽ quan dần với nó và thậm chí có thể nhắm mắt vẫn vặn được ốc vít. Nó chỉ có thế. Vì vậy, sau thời kỳ đầu, bạn sẽ cảm thấy dư thời gian để nghĩ về mọi thứ nhưng chẳng làm được gì. Trạng thái ấy khiến người ta vô cùng bức bối. Bởi vì trong nhà máy Pegatron, bất kỳ thiết bị điện tử nào cũng không được phép mang vào.
Khu tắm rửa của nhân viên. Ảnh: Dejian Zeng.
|
- Vậy bạn ngủ ở đâu và thức dậy khi nào?
Tôi ngủ trong phòng ký túc xá cùng với 7 người khác. Ký túc xá không nằm trong khuôn viên nhà máy mà cách 10 phút đi xe. Họ có xe buýt đưa đón nhân viên.
Lúc đầu tôi làm ca tối. Tôi thức dậy lúc 6h hoặc 6h30 chiều.
Dây chuyền hoạt động trong nhiều khung giờ khác nhau. Một số bắt đầu làm việc từ 7h30, số khác lại là 8h tối, 8h30 và 9h30 đêm.
Tôi bắt đầu giờ làm việc lúc 7h30 tối và xe buýt đến đón mọi người vào 7h. Làm việc khoảng 2 giờ, bạn được nghỉ 10 phút.
- Vậy là bạn làm 6 tiếng mỗi ngày?
- Thêm hai tiếng nữa, tổng cộng 8 tiếng làm việc, và còn phụ thuộc vào yêu cầu có phải làm thêm hay không. Nếu bạn không làm, bạn rời dây chuyền. Mọi người cũng không đảm bảo được công việc thông suốt.
Tổng thời gian công nhân ở nhà máy là 12 giờ, gồm cả thời gian nghỉ giữa giờ và ăn cơm.
- Vậy là bạn hoàn tất mọi việc lúc 7h30 sáng. Sau đó bạn làm gì?
- Tôi đi dùng thêm bữa sáng nữa. Rồi chờ xe buýt đến đón về ký túc xá. Tắm rửa xong, bạn có thể nằm ngủ hoặc xem video trên điện thoại.
- Nhiều người có điện thoại không?
- Nếu có điện thoại, bạn được dùng Wi-Fi của ký túc xá. Nhưng để truy cập, bạn phải làm thêm vài thao tác nữa. Bạn phải tải xuống một vài ứng dụng hoặc làm gì cũng được để kiếm xu ảo.
Bạn sử dụng xu ảo để đổi lại thời gian dùng Wi-Fi. 20 xu cho 24 giờ. Tải về vài ứng dụng là bạn đã nhận đủ 20–30 xu. Bạn có thể mua với giá 5 nhân dân tệ 100 xu. Nhưng phần lớn mọi người dùng cách tải ứng dụng.
- Bạn có bạn bè không?
- Tôi cũng chơi thân với bạn cùng phòng và đồng nghiệp trên cùng dây chuyền lắp ráp. Tôi cũng có quen một số người trong 2 tuần đầu học việc, nhưng rồi họ được điều chuyển đi nhiều nơi.
- Các đồng nghiệp của cậu có dùng sản phẩm Apple không?
- Một số công nhân có iPhone, nhưng không nhiều vì tiền lương hàng tháng ít. Họ có thể tiết kiệm hai tháng tiền lương để mua iPhone? Không, chẳng có chuyện đó đâu. Điện thoại họ ưa dùng là những thương hiệu Trung Quốc như Oppo.
Công nhân mang hành lý tới khu ký túc xá sau khi đã đăng ký ở Pegatron. Ảnh: Dejian Zeng.
|
- Những người làm việc tại Pegatron biết họ đang lắp ráp sản phẩm của Apple không?
- Vâng, biết chứ. Chúng tôi đều biết đó là sản phẩm của Apple. Chúng tôi còn biết đây là iPhone 6 hay chiếc iPhone 7 sắp ra mắt. Mọi người đều biết.
- Bạn được trả bao nhiêu ở Pegatron?
Tôi làm ở đó 1 tháng rưỡi, tương đương khoảng 6 tuần. Họ trả lương theo ngày cố định. Tháng đầu tiên, tôi được trả 3.100 nhân dân tệ, khoảng 450 USD.
- Như vậy là không đủ để mua iPhone?
- Chắc chắn là không rồi. Sau đó tôi nhận nửa tháng lương còn lại, gần 1.500 tệ.
- Thế còn đồng nghiệp thì sao?
Vâng, phần lớn đều có mức thù lao tương tự. Nhưng con số tôi đưa ra là lương cơ bản cộng với khoản tiền làm thêm giờ.
Mức lương cơ bản rất thấp, 2.320 tệ, do chính quyền thành phố Thượng Hải quy định. Nó sẽ được tăng lên theo thời gian. Mức lương cơ bản này áp dụng cho toàn thành phố.