Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thành phố iPhone: Khi vòng tay Trung Quốc hết ấm áp

Ở phần 2, tác giả bàn đến những đổi thay trong chính sách của Trung Quốc, khiến Apple và nhiều công ty đa quốc gia khác phải nhân nhượng mới thâm nhập được thị trường này.

Zing.vn lược dịch phóng sự của tác giả David Barboza, viết về quá trình thâm nhập Trung Quốc của Apple, thông qua đối tác cung ứng Foxconn, và ảnh hưởng của họ đến một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc.

Apple đến trễ ở Trung Quốc

Để giảm giá thành, nhiều tập đoàn Mỹ, như Compaq, Dell, Hewlett-Packard bắt đầu chuyển chuỗi sản xuất nội địa đến châu Á, từ những năm 1980.

Steve Jobs là một trong những người phản đối điều này, ông tin rằng phần cứng và phần mềm phải luôn song hành.

Thay vì đóng cửa nhà máy, Apple bắt đầu xây dựng thêm, ở Colorado, Texas và California. Họ duy trì chúng sau khi Steve Jobs rời Apple năm 1985. Các nhà máy với bức tường trắng, như ý thích của Steve Jobs, biểu tượng cho tính nguyên bản của nước Mỹ.

"Đây là một cỗ máy sản xuất tại Mỹ", Jobs nói vào năm 1984, sau khi nhà máy sản xuất Macintosh ra đời ở California.

Tiền bạc cuối cùng khiến Apple phải thay đổi. Doanh số Mac sụt giảm, khủng hoảng vào giữa những năm 1990, Apple bắt đầu phải thuê ngoài, một bước đi thử nghiệm.

Khi Jobs trở lại vào năm 1997, ông nhận lời cố vấn từ Cook, người đến từ Compaq.

Dưới chỉ dẫn của Cook, Apple chuyển giao cho Foxconn, tên tuổi đang được tin tưởng bởi Compaq, IBM và Intel. Thương vụ này cho phép Apple tập trung vào sức mạnh thiết kế và marketing của họ. Apple sẽ tìm ý tưởng, còn Foxconn tìm cách sản xuất ý tưởng đó càng rẻ càng tốt.

"Họ có những kỹ sư thiên tài, và sẵn sàng đầu tư mạnh để bắt kịp nhịp độ của Apple", Joe O'Sulliva, một lãnh đạo trước đây của Apple tại châu Á cho biết.

Khi iPod đánh dấu sự trở lại của Apple vào năm 2001, Foxconn đã đạt đến chuẩn mực của nhà cung ứng sản phẩm đinh. Các nhà máy Foxconn có thể nhanh chóng mang đến bản mẫu, tăng năng suất và thuê hàng nghìn nhân công một lúc nếu cần.

Tỷ phú Đài Loan Terry Gou, người sáng lập Foxconn, là con người thạo về chính trị. Trong nhiều năm, ông thường xuyên đến đại lục để gặp gỡ các cán bộ địa phương, cũng như những thành viên Quốc hội có tiếng nói, nhằm chạy hành lang cho các ưu đãi, giá thuê đất rẻ mạt, nhân lực và cơ sở hạ tầng. Tất cả nhằm sản xuất hiệu quả hơn nữa iPod, iPad và iPhone.

thanh pho iPhone Trung Quoc anh 1
10 tỷ USD đã được chi chỉ để xây dựng máy bay cạnh bên nhà máy iPhone. Ảnh:The New York Times.

Sau khi iPhone ra mắt vào năm 2007, Foxconn chạy đua mở rộng sản xuất, và tìm đến những vùng đất mới - khiến các địa phương Trung Quốc bắt đầu kèn cựa nhau để kéo họ về. Các quan chức thuộc nhiều tỉnh khác nhau bắt đầu "đóng quân" vòng quanh Thẩm Quyến, thủ phủ của Foxconn.

"Foxconn khổng lồ là nhờ Terry Gou", Tony Fadell, cựu lãnh đạo Apple nói với The New York Times, "ông ấy tuyên bố đã tạo ra chuỗi sản xuất, và chính phủ Trung Quốc sẽ mang tiền cho ông ấy làm. Khi Terry bắt tay với Apple, không ai cạnh tranh nổi".

"Có thể ví đó như cuộc đua Olympic", Gao Yuning, giảng viên quan hệ công chúng tại Đại học Tsinghua ở Bắc Kinh nhận định.

Chính quyền Trịnh Châu xem nhà máy là cơ hội khổng lồ để phát triển khu vực. Họ muốn thay đổi hình ảnh địa phương, thoát khỏi lời đàm tiếu về một nơi chỉ có dân nhập cư, trộm cắp và rửa tiền.

Cán bộ địa phương vung tiền và đầu tư cho Foxconn, theo báo cáo chính phủ. Họ hứa hẹn về những ưu đãi phí năng lượng và vận chuyển, giảm thuế phí, và hơn 1,5 tỷ USD cho cơ sở vật chất, đảm bảo nơi ở cho hàng nghìn con người.

Họ tạo ra đặc khu kinh tế cho dự án và 250 triệu USD được cho vay. Chính quyền địa phương cam kết dành 10 tỷ USD để mở rộng sân bay, cách nhà máy vài dặm.

"Chúng ta hiểu rằng Trung Quốc có mọi chính sách khuyến khích phát triển, và phương án này đáp ứng mọi nhu cầu", Barry Naughton, một nhà lãnh đạo nói về kinh tế Trung Quốc tại Đại học California, San Diego.

thanh pho iPhone Trung Quoc anh 2
Đằng sau một trung tâm thương mại ngoài trời, cùng nhà cửa cho công nhân Foxconn. Chính quyền địa phương đã xây dựng những trung tâm nhà ở như một phần thỏa thuận với Foxconn. Ảnh:The New York Times.

Thành phố lập tức thay da đổi thịt. Nhà máy mọc lên la liệt, giấy phép được thông qua chớp nhoáng và các chuỗi lắp ráp đi vào hoạt động từ tháng 8/2010, chỉ vài tháng sau khi chính quyền ký hợp đồng.

Một vùng đất hoang vu đã trở thành trung tâm công nghiệp.

"Tôi rất ấn tượng", Jeff Williams, COO Apple bày tỏ, "Họ cực kỳ tập trung".

Sản xuất, và bán, ở Trung Quốc

Khi Apple đặt chân đến Trung Quốc, đây là một công trường giá rẻ. Hiện tại, nó nhanh chóng tiến hóa thành thị trường khổng lồ với hơn 1 tỷ khách hàng tiềm năng.

Ban đầu, hàng hóa Apple phải "quay đầu" qua Hong Kong để đến đại lục.

Nói đơn giản, khi Trung Quốc mở cửa vào thập niên 1980, chính sách nhà nước đã khuyến khích các vùng kinh tế đặc biệt. Nhưng cũng chính điều này đã làm thui chột sự ưa thích hàng hóa ngoại nhập của cư dân.

Đa phần sản phẩm "made in China" bởi các công ty đa quốc gia phải được chuyển ra ngoài nước, sau đó nhập ngược trở lại để nhận mức thuế hàng nhập khẩu. Đó là lý do Apple đi vòng từ Hong Kong.

Vào năm 2005, iPod được sản xuất tại nam Trung Quốc. Theo chiến lược trên, iPod được đưa lên tàu sang Hong Kong, sau khi đóng dấu, nó sẽ quay đầu trở về Trung Quốc.

"Đây là di sản của ngành kinh tế xuất nhập khẩu cũ kỹ từ Trung Quốc", Edwin Keh, cựu chủ tịch chiến lược toàn cầu của Walmart với 20 năm kinh nghiệm tại Trung Quốc nhận định, "thời đó, chúng tôi xây dựng chuỗi cung ứng tối ưu việc sản xuất ở phương Đông và bán ra ở phương Tây".

Hiển nhiên, Apple và nhiều tập đoàn khác muốn một hệ thống tốt hơn.

Khi iPhone ra mắt vào năm 2007, nhịp tăng trưởng của Trung Quốc đòi hỏi nới lỏng xiềng xích, đồng thời cho phép công ty toàn cầu tiếp cận thị trường dễ dàng hơn. Apple và nhiều công ty khác tin rằng chuyển hàng đến Hong Kong là quá tốn kém thời gian, công sức.

Họ muốn hàng hóa đi trực tiếp từ nhà máy đến cửa hàng ở Trung Quốc.

Khi bàn luận với chính quyền Trịnh Châu, Foxconn yêu cầu đặt nhà máy trong đặc khu kinh tế, được hưởng chế độ đặc biệt nhằm tạo điều kiện xuất khẩu iPhone. Họ cũng yêu cầu nhà máy được đặt cạnh sân bay, để dễ giao hàng trên toàn cầu hơn.

Chính quyền Trịnh Châu đồng ý các đề nghị, bởi lợi ích quá lớn mà nhà máy iPhone số 1 thế giới mang lại.

Vùng đặc khu hoạt động như một khu lãnh địa ngoại giao, và chính phủ xem nó như lãnh thổ của nước ngoài. Theo đó, các công ty ở đặc khu không cần đóng thuế với linh kiện nhập khẩu, và cũng không cần xuất khẩu (về mặt vật lý) sản phẩm tự sản xuất. Ở các vùng đó, quá trình xuất nhập khẩu diễn ra chỉ trên lý thuyết, hàng hóa không nhất thiết vượt qua biên giới.

Sau đó, số hàng đã "xuất ra - nhập vào" đó có thể được giao dịch tự do ở trong nước hay nước ngoài.

Là điểm lắp ráp đầu cuối của iPhone, Trung Quốc cũng sẽ là nền tảng cho chiến lược thuế toàn cầu cho Apple. Ở đặc khu Trịnh Châu, về mặt lý thuyết, Foxconn đang bán lại sản phẩm hoàn chỉnh cho Apple. Sau khi "mua lại" iPhone, Apple sẽ bán lại chúng đến các chi nhánh. Tất nhiên, quá trình bán - mua này diễn ra chủ yếu trên giấy tờ.

thanh pho iPhone Trung Quoc anh 3
Công nhân rời Foxconn sau khi làm ca đêm, lẫn với dòng công nhân ca sáng đi theo hướng ngược lại. Cùng nhau, họ sản xuất 500.000 chiếc iPhone mỗi ngày. Ảnh:The New York Times.

"Các công ty đa quốc gia từ Mỹ luôn dẫn đầu trong chiến lược tránh thuế", Edward D.Kleinbard, cựu chủ tịch Ủy ban liên hợp về Thuế cho biết, "bằng chiến lược trên, họ tạo ra nguồn thu phi quốc gia, không bị ảnh hưởng bởi những quốc gia mà họ liên kết về kinh tế".

Chiến lược này cũng áp dụng với các sản phẩm khác. Apple sau đó có thể đăng ký lợi nhuận từ các sản phẩm này đến Ireland, đất nước nhiều lợi điểm về thuế. Đây là chiến lược của nhiều công ty lớn.

Theo báo cáo từ ủy ban này, quá trình trên cho phép Apple mang hàng chục tỷ USD ra nước ngoài và giảm đáng kể lượng thuế họ phải đóng. Liên minh châu Âu vào tháng 8 đã yêu cầu Ireland đòi lại hơn 14,5 tỷ USD từ Apple dưới danh nghĩa thuế chưa trả.

Apple sau đó tuyên bố đã làm đúng mọi yêu cầu về thuế, cho biết sẽ thay đổi chiến lược để phù hợp với quy định mới. Cuối cùng, họ phản đối quyết định của châu Âu.

Trong lúc đó, Trịnh Châu vẫn ưu ái Apple. Tháng 8/2014, các lãnh đạo cấp cao của thành phố tổ chức cuộc họp bất thường để bàn luận cách "phối hợp sâu sát hơn" với Foxconn, theo báo cáo chính phủ được The Times dẫn lại. Họ tự hào rằng Trịnh Châu là "trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới của iPhone".

Có 94 dây chuyền sản xuất iPhone 6 và 5S, chính quyền cho biết đã 230 triệu smartphone được xuất đi từ Trịnh Châu, biến nó thành một trong những trung tâm xuất khẩu trên cả nước. Năng suất vượt quá mức nửa triệu iPhone một ngày, tiền thuế thu được cũng tăng theo.

"Tốc độ Trịnh Châu" trở thành chuẩn mực mới.

thanh pho iPhone Trung Quoc anh 4
Mô hình sân bay Trịnh Châu, cạnh bên nhà máy. Ảnh:The New York Times.

Một binh đoàn do nhà nước tập hợp

6h30, một "binh đoàn" công nhân tiến đến chỗ làm. Họ đi bộ, xe bus, lái xe máy và thậm chí là xe lôi.

Đoàn người chầm chậm tiến vào hàng tá bộ phận nhà máy, trải rộng gần 5,7 triệu m2. Đỉnh điểm, có hơn 350.000 nhân công để lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói iPhone, với tốc độ lên đến 350 chiếc mỗi phút.

Lực lượng này có thể so sánh với quy mô một đơn vị quân đội quốc gia, và phụ thuộc mạnh mẽ vào độ hào phóng của chính quyền. Đây là một phần trong thỏa thuận giữa họ với Foxconn, các cán bộ địa phương đến từng đơn vị hành chính để nhờ tìm kiếm nhân công.

"Mọi phòng lao động và nhân sự tại thành phố đều tham dự", Liu Miao, quản lý một trung tâm tư vấn việc làm tư nhân tại Trịnh Châu cho biết.

Những đơn vị môi giới nhận món tiền hoa hồng trên mỗi đầu người giới thiệu, theo lời ông Liu, "nếu nhu cầu tăng, tiền hoa hồng tăng, và ngược lại".

Những thành phố như Trịnh Châu đều có chính sách hoa hồng nhằm tăng mức phát triển kinh tế. Nhưng điều đó không song hành với các chương trình nghị sự quốc gia, tạo nên sự bất ổn trong quá trình hoạt động của các tổ chức đa quốc gia tại Trung Quốc.

Khi tốc độ tăng trưởng chững lại, Bắc Kinh muốn chuyển từ nền kinh tế gia công xuất khẩu sang sáng tạo và tiêu thụ. Họ muốn tăng sức mạnh thương hiệu Trung Quốc và đẩy nhanh công nghệ nước nhà.

Để đạt điều đó, Bắc Kinh bắt đầu tái cơ cấu các chính sách đầu tư mang tính hỗ trợ công ty nước ngoài. Tháng 11/2014, Hội đồng Quốc gia Trung Quốc đã chỉ đạo chính quyền các cấp đánh giá và loại bỏ mọi chính sách hỗ trợ, bao gồm phụ cấp, ưu tiên thuế đối với các nhà xuất khẩu đa quốc gia.

Sự đe dọa này vấp phải phản kháng từ nhiều công ty, đáng chú ý nhất vẫn là Foxconn, cùng nhiều tên tuổi nước ngoài nhằm giữ lại các quyền lợi. Bắc Kinh cũng phần nào nhượng bộ.

Nhưng hướng đi đã rõ: các công ty quốc gia rồi đây sẽ không còn được chào đón bằng cái ôm nồng ấm. Chính phủ Trung Quốc đang thắt chặt lối vào thị trường, và áp lực các công ty phương Tây nhằm đạt các mục đích phát triển nội địa.

"Chính phủ muốn biết bạn sẽ giúp ích gì cho đất nước họ", James McGregor, cố vấn 10 năm kinh nghiệm tại Thượng Hải cho biết, "họ có thị trường, có quyền lực. Họ không còn đùa giỡn loanh quanh".

Các nhà lập pháp cũng bắt đầu phạt vạ các công ty ngoại quốc, như Qualcomm từng bị bắt giảm giá thành khi bán chip cho những thương hiệu Trung Quốc. Đây là lý do Huawei hay Xiaomi dần chiếm lĩnh bằng chiến lược giá.

Vấn đề an ninh quốc gia cũng được mang ra mổ xẻ. Họ thắt chặt luật quản lý Internet với các đạo luật mới, các công ty quốc gia bị buộc hạn chế sử dụng công nghệ từ nước ngoài. Họ yêu cầu Apple giao nộp mã nguồn, tất nhiên Apple lắc đầu.

Apple nhượng bộ đồng ý yêu cầu từ chính quyền, và sẽ lưu trữ nhiều dữ liệu hơn tại các máy chủ Trung Quốc. Họ cũng phải chịu "kiểm tra an ninh" trước khi tung các mẫu iPhone ra thị trường.

Bắc Kinh cũng kỳ vọng các công ty Mỹ hỗ trợ phát triển công nghệ trong nước. Apple đang hợp tác với UnionPay, một công ty dịch vụ tài chính Trung Quốc. Họ đầu tư 1 tỷ USD vào Didi Chuxing, dịch vụ tương tự Uber của Trung Quốc, cũng được chính phủ chống lưng.

Tim Cook cũng cẩn thận xây dựng hình ảnh Apple, một nhà tuyển dụng khổng lồ, một "công dân" ngoan ngoãn và một kẻ đóng góp kinh tế quan trọng. Ông đến Trung Quốc thường xuyên. Ông mặc đồng phục, đi cạnh những chuỗi lắp ráp ở Trịnh Châu. Ông cùng bàn luận chính sách với các ông lớn điện tử trong nước, các lãnh đạo cấp cao, kể cả chủ tịch Tập.

Trong bài phỏng vấn trên truyền hình quốc gia năm ngoái, Tim Cook trình bày kế hoạch trồng cây của Apple, gọi đó là "nòng cốt chiến lược môi trường của Apple".

Ông cũng bày tỏ ước muốn về dự án năng lượng mặt trời khổng lồ, dùng cho các Apple Store, trụ sở và văn phòng trên toàn Trung Quốc. Ông cũng hi vọng mang đến 3 triệu việc làm ở Trung Quốc, nửa trong số đó chuyên gia công lắp ráp.

Tại Tử Quang Các, phòng nghị sự cao cấp của Bắc Kinh, Cook hứa sẽ xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển đầu tiên của Apple tại đây vào tháng 8, cũng như hỗ trợ chính phủ trong kế hoạch tập trung vào công nghệ cao cấp.

Đối diện Tim Cook là phó thủ tướng Trương Cao Lệ. Kế cạnh ông là các đồng sự, ông Gou cũng ngồi đó, cùng bàn với Bí thư Đảng ủy Trịnh Châu Tạ Phục Chiêm.

Lê Phát

Bạn có thể quan tâm