Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc sống của 'bóng ma' không quốc tịch ở New York

Khi còn là một nữ sinh tại Kuwait, Mona Kareem đã hỏi bố mẹ rằng tại sao cô không có hộ chiếu và tại sao họ không bao giờ được xuất cảnh để đi thăm họ hàng.

"Bedoon" Mona Kareem - "bóng ma" không quốc tịch ở New York.

Cuộc sống bị kỳ thị

Kareem, 26 tuổi, và gia đình cô là những "bedoon" - công dân không có quốc tịch. Giống như nhiều bedoon, họ là hậu duệ của bộ lạc du mục Bedouin vốn du canh du cư qua các vùng đất mà bây giờ là các nước Kuwait, Saudi Arabia, Syria, Jordan và Iraq.

Nhiều bedoon không đạt được mức độ yêu cầu khi Kuwait giành được độc lập vào năm 1961. Một số không đăng ký gia nhập quốc tịch vì không nhận biết được tầm quan trọng. Những người khác không biết chữ hoặc không thể có đủ giấy tờ cần thiết.

Kareem cho biết gia đình cô có nộp đơn xin gia nhập quốc tịch nhưng chưa bao giờ nhận được hồi âm từ chính quyền.

Trong nhiều năm, các bedoon được thụ hưởng hầu hết quyền công dân của Kuwait và cha mẹ Kareem cũng đã có thể sống một cuộc sống khá bình thường. Nhưng vào năm 1986, chính phủ nước này tước bỏ mọi quyền cơ bản của họ khiến cuộc sống của Kareem cũng như các bedoon cùng thế hệ khó khăn hơn, đồng thời, chưa nhìn thấy có giải pháp nào.

"Không có quốc tịch là cảm giác rất nhục nhã... vì bạn thường thấy mình bị chối từ", Kareem cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở của Reuters ở New York. "Dường như bạn bị bắt nạt nhiều hơn".

Khi Kareem lớn lên, vào một số thời điểm, cha mẹ không hề nói với cô rằng cô thuộc một bộ lạc không có bất cứ quyền gì ở Kuwait - nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Các bedoon nằm trong số khoảng 10 triệu người không có quốc tịch trên toàn thế giới. Theo đó, họ không có quyền đi học, chăm sóc y tế và cũng không thể kết hôn, đăng ký khai sinh cho con.

"Có một sự kỳ thị, có một thứ quan niệm đóng khung", Kareem phát biểu khi một diễn đàn toàn cầu đầu tiên về vấn đề không quốc tịch được tổ chức trong tuần này tại The Hague, Hà Lan. "Mọi người có lẽ nên kiềm chế nói vào mặt họ là đồ không quốc tịch".

Đi tìm lối thoát

Kareem được sinh ra và lớn lên ở Kuwait, song bạn học và thậm chí cả giáo viên dường như đều nghĩ rằng cô không thuộc về những nơi đó. Cô bị bắt nạt ở cả trường trung học cơ sở và phổ thông trung học. Cô thường xuyên bị hỏi cắc cớ rằng làm sao một người có thể không có quốc tịch.

Không ai biết chính xác số lượng bedoon ở Kuwait nhưng cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) ước tính có khoảng từ 93.000 - 120.000 người, trong khi một số tổ chức phi chính phủ đưa ra con số cao hơn là 140.000 người, theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 3.

Bước đột biến của Kareem đến khi cô giành được học bổng của một trường đại học tư ở Mỹ. Điều đó đã đưa cô đi khỏi đất nước nơi cô sinh ra nhưng không được thừa nhận.

Năm 2011, Kareem sang Mỹ bằng thị thực sinh viên để theo học tại Đại học Binghamton ở New York. Cô đang trong quá trình hoàn thành bằng tiến sĩ ngành Văn học so sánh.

Kareem đến Mỹ bằng hộ chiếu đặc biệt do Bộ Nội vụ Kuwait cấp rất hạn chế cho một số bedoon. Mục quốc tịch được ghi là "Không xác định". Loại giấy tờ kiểu này không được công nhận ở nhiều quốc gia trong Liên minh Châu Âu cũng như các nước vùng Vịnh, Kareem cho hay. Do đó, Mỹ là lựa chọn hiển nhiên như một điểm đến về giáo dục của cô.

Hộ chiếu hết hạn ngay khi cô định cư tại New York và Đại sứ quán Kuwait từ chối gia hạn với lý do không chịu trách nhiệm đối với các bedoon. Vì thế, Kareem không được gặp mặt gia đình trong 3 năm liền. Tuy nhiên, cô vẫn có bằng lái xe của tiểu bang New York.

Không quốc tịch và... phụ nữ

Một trong những ký ức khó chịu nhất của Kareem là về cả hai vấn đề: Không quốc tịch và phụ nữ ở Kuwait.

Ở Kuwait, các trạm kiểm soát nằm rải rác khắp các con đường. Giống như hầu hết người Kuwait, Kareem thường bị chặn lại và hỏi han. Nhưng vì là phụ nữ, lại không có quốc tịch, cô hầu như không có quyền kháng nghị bất cứ điều gì, khiến cô trở thành một mục tiêu dễ bị lạm dụng.

"Chúng tôi bị bắt dừng lại và quấy rối bằng lời nói. Họ (cảnh sát) lấy đó làm thú vui... Đến một mức độ nào đó, họ sẽ đụng chạm vào cơ thể bạn", cô cho hay.

Nếu vẫn không có hộ chiếu và thị thực du học lại sắp hết hạn, niềm hy vọng lớn nhất của Kareem là được ở lại theo diện tị nạn. Cô đã nộp đơn đề nghị cách đây hơn 2 năm và vẫn đang chờ phản hồi. Cô ngờ rằng đơn của cô không được chấp nhận. Còn ở Kuwait, Kareem thuộc diện bị chính quyền soi vì hoạt động điều hành trang web Quyền của bedoon (www.bedoonrights.org) - một website cung cấp các dữ liệu về việc chính quyền Kuwait vi phạm nhân quyền đối với cộng đồng không quốc tịch. Cũng chính vì hoạt động này mà Kareem cùng gia đình hay bị chính quyền Kuwait thẩm vấn.

http://laodong.com.vn/the-gioi/cuoc-song-cua-mot-bong-ma-khong-quoc-tich-o-new-york-250718.bld

Lao Động

Bạn có thể quan tâm