Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc sơ tán cổ vật ly kỳ và kho báu bị chia đôi của Tử Cấm Thành

Sau 14 năm lưu lạc, bộ sưu tập cổ vật hoàng cung hai triều Minh - Thanh ở Trung Quốc đã bị chia làm hai phần: một phần quay lại Bắc Kinh và một phần được chuyển tới đảo Đài Loan.

Trong lần mở cửa đầu tiên vào tháng 10/1925, Bảo tàng Cố cung ở Bắc Kinh thu hút sự chú ý rất lớn của công chúng cũng như giới học giả, các nhà nghiên cứu và truyền thông trên thế giới.

Bộ sưu tập cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật cực kỳ có giá trị được tích lũy qua hàng nghìn năm lịch sử, khiến cho nhiều trường đại học quốc tế mong muốn tiếp cận để nghiên cứu học thuật.

Tiếng lành đồn xa, Bảo tàng Cố cung trở nên nổi tiếng và những triển lãm giới thiệu được tổ chức ở nước ngoài đều thành công vang dội.

Kế hoạch di tản

Tuy nhiên vào thời điểm đó, tình hình chính trị thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng không hề ổn định. Những nhà quản lý bảo tàng, những người biết rõ sự an toàn của bộ sưu tập đồ sộ này sẽ bị ảnh hưởng nếu chiến sự nổ ra, đã lên một kế hoạch để di tản chúng trong trường hợp xấu nhất.

Vào ngày 18/9/1931, quân đội Nhật dựng lên sự kiện Phụng Thiên và sau đó tiến hành một cuộc xâm lược quy mô lớn tiến vào Mãn Châu. Bộ sưu tập của bảo tàng, vốn đã tồn tại qua nhiều thế kỷ xung đột, một lần nữa lại bị đe dọa.

so tan co vat khoi Tu Cam Thanh anh 1
Quân đội Nhật tiến vào Mãn Châu năm 1931. Đồ họa: SCMP.

Lo sợ quân đội Nhật sẽ vượt qua Vạn Lý Trường Thành để tiến xuống phía nam, giám đốc Bảo tàng Cố cung lúc đó là ông Dịch Bội Cơ đã quyết định di dời một phần lớn của bộ sưu tập ra khỏi Bắc Kinh.

Một đội ngũ đông đảo nhân viên bảo tàng và các chuyên gia bắt đầu quá trình lựa chọn cẩn thận những vật phẩm quan trọng nhất, phân loại theo các mục: đồ gốm, ngọc bích, thư pháp, tranh, đồ đồng và các đồ vật khác.

Tất cả được cất vào trong 20.000 hòm gỗ, với các lớp giấy ướt và đệm bông bên trong, cùng dây gai buộc bên ngoài. Trong khi đó, quân đội Nhật đã tiến sát Sơn Hải Quan, cửa ngõ tiến vào Bắc Kinh từ phía bắc. Những cuộc đụng độ nhỏ lẻ cũng đã xảy ra ở khu vực lân cận.

Với nguy cơ người Nhật tiến vào Bắc Kinh đang cận kề, ban quản lý bảo tàng quyết định bắt đầu hành trình di tản bộ sưu tập về phía nam, với đích đến là Thượng Hải.

Khi màn đêm buông xuống, những thùng chứa đầy cổ vật và tác phẩm nghệ thuật được chuyển ra từ Tử Cấm Thành trên những chiếc xe kéo bằng gỗ.

Tiếng lọc cọc của đoàn xe được nghe thấy hàng đêm khi chúng đi qua cổng Tiền Môn để đến với Nhà ga Đường sắt phía Tây. Các thùng gỗ được đưa lên những toa tàu dưới sự giám sát của cảnh sát và quân đội.

Lô hàng này được chia thành 5 phần, gửi tạm thời trong một số nhà kho thuộc sở hữu của Anh và Pháp tại Thượng Hải. Thời gian hoàn thành cuộc di tản là 5 tháng, với tổng cộng 19.557 thùng chứa đầy đồ vật quý giá.

Vào tháng 12/1934, hội đồng quản lý bảo tàng đã phê duyệt kế hoạch xây dựng một nhà kho kiên cố bằng bê tông, có hệ thống điều hòa và thông gió để bảo quản những tạo tác quý giá. Nhà kho này được hoàn thành vào năm 1936 tại thành phố Nam Kinh.

Gần 20.000 hộp gỗ chứa cổ vật được chuyển từ Thượng Hải đến Nam Kinh từ ngày 9 đến ngày 22/12/1936. 

so tan co vat khoi Tu Cam Thanh anh 2
Một góc Tử Cấm Thành, nơi ở của vua chúa hai triều Minh - Thanh của Trung Quốc. Ảnh: Wikimedia Commons.

Chạy sang phía tây

Vào ngày 7/7/1937, một trận chiến nổ ra giữa lính Nhật và lính Trung Quốc trên cầu Marco Polo ở thủ đô Bắc Kinh, mở đầu cho chiến tranh Trung - Nhật. Quân đội Nhật nhanh chóng chiếm được Bắc Kinh và tiếp tục hướng xuống phía nam.

Đến ngày 13/8, Thượng Hải bị bao vây và những người có trách nhiệm với kho báu Tử Cấm Thành quyết định di chuyển bộ sưu tập ra khỏi thành phố Nam Kinh vào ngày hôm sau.

Phần đầu tiên của bộ sưu tập được vận chuyển bằng thuyền qua sông Dương Tử đến thành phố Hán Khẩu (nay là Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc), và sau đó đi bằng tàu hỏa đến Trường Sa ở Hồ Nam. Sau một vài tháng, lô hàng này được chuyển đến Quảng Tây. Và một năm sau thì chúng được đem tới giấu trong một hang trong núi ở An Thuận thuộc tỉnh Tứ Xuyên, và giữ nguyên ở đó cho đến năm 1947.

Tháng 11/1937, quân đội Nhật tiến đến sát Nam Kinh, hàng trăm nhân công vội vã xếp những cổ vật và tác phẩm nghệ thuật vào 9.369 thùng gỗ, đưa ra cảng chất lên những tàu thủy chạy bằng hơi nước để chuyển tới Trùng Khánh. Đây là phần thứ hai trong bộ sưu tập.

Trên chuyến hành trình dài, lô hàng này bị mắc kẹt hàng tháng ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, cho đến khi mực nước sông Dương Tử đủ cao để thuyền có thể đi qua. Những đồ vật quý giá sau đó được chuyển tới Trùng Khánh, thủ đô nhà nước Trung Hoa Dân Quốc với chính phủ do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo.

Đến năm 1939, Trùng Khánh cũng không còn an toàn nữa. Vì vậy, lô hàng thứ hai được vận chuyển trên những con thuyền nhỏ qua những thác nước đến Lạc Sơn, Tứ Xuyên.

so tan co vat khoi Tu Cam Thanh anh 3
Bộ sưu tập được vận chuyển bằng đường thủy đến thành phố Trùng Khánh. Đồ họa: SCMP.

Việc sơ tán phần còn lại của bộ sưu tập bắt đầu vào tháng 12, một vài ngày trước khi quân Nhật chiếm Nam Kinh. Đây chính là đợt vận chuyển nguy hiểm nhất, với 7.286 thùng gỗ được chuyển bằng tàu hỏa đến Từ Châu, tỉnh Giang Tô.

Sau đó, 300 xe tải chất đầy cổ vật bắt đầu di chuyển lô hàng này trên những con đường mòn với đích đến là Hán Trung, tỉnh Tứ Xuyên. Một cơn bão tuyết ập đến khiến đoàn xe bị mắc kẹt vài hôm, và phải cần đến sự trợ giúp của quân đội Tưởng Giới Thạch, lô hàng mới có thể đến đích sau 48 ngày.

Sau một tháng yên vị, chính phủ quyết định chuyển lô hàng này đến một nơi khác an toàn hơn - đó là Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Ngay sau khi di chuyển các hòm gỗ ra khỏi Hán Trung, quân đội Nhật dội bom thành phố này.

Ngay sau khi được đưa tới Thành Đô, các hòm đựng cổ vật được chuyển tới đỉnh núi Nga My. Trong một thập kỷ loạn lạc bao trùm, không một món đồ nào trong bộ sưu tập bị thất lạc.

Chiến tranh kết thúc sau khi quân đội Nhật đầu hàng Đồng minh vào tháng 8/1945. Trong một năm tiếp theo, toàn bộ số cổ vật được vận chuyển đến thành phố Nam Kinh.

Bộ sưu tập bị chia làm hai

Các tạo tác được chất đống trong nhà kho tại thành phố Nam Kinh vào năm 1947, sẵn sàng để được đưa trở lại Bảo tàng Cố cung trong Tử Cấm Thành. Tuy nhiên cuộc chiến đẫm máu giữa Quân Giải phóng Nhân dân và quân đội Quốc Dân Đảng đã ngăn cản điều này và cả hai bên đều tuyên bố họ có quyền quản lý bộ sưu tập.

Đến năm 1948, quân đội dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông chuẩn bị chiếm lại Bắc Kinh và Nam Kinh. Quốc Dân Đảng bắt đầu lên kế hoạch chạy trốn tới Đài Loan và họ thu thập các đồ vật trong bộ sưu tập đang được lưu giữ ở Bắc Kinh để chuyển tới Nam Kinh và sau đó là Đài Loan.

so tan co vat khoi Tu Cam Thanh anh 4
so tan co vat khoi Tu Cam Thanh anh 5so tan co vat khoi Tu Cam Thanh anh 6
Hàng trên: Phía trước Bảo tàng Cung điện Quốc gia ở Đài Loan. Hàng dưới: Một món đồ chơi (trái) và một viên đá được làm trông giống miếng thịt kho từ thời nhà Thanh được trưng bày tại bảo tàng. Ảnh: New York Times, Kyodo, The Australian.

Do Quân Giải phóng Nhân dân chiến thắng nhanh chóng, phe Quốc Dân Đảng chỉ có đủ thời gian để chuyển bộ sưu tập lên 3 tàu thủy, đưa chúng đến cảng Cơ Long, Đài Loan. Chuyến đi diễn ra vào giữa mùa đông, khi biển động và thời tiết xấu.

Đến ngày 22/2/1949, những con tàu cập bến ở đảo Đài Loan. Quốc Dân Đảng chỉ có thể mang theo 3.824 hòm cổ vật, tuy nhiên những hòm này chứa nhiều vật phẩm có giá trị nhất. 16.176 hòm còn lại vẫn nằm ở đất liền và được đưa đến Bảo tàng Cố cung tại Bắc Kinh.

Từ đó đến nay, bộ sưu tập cổ vật và tác phẩm nghệ thuật của Tử Cấm Thành vẫn bị chia làm hai. Một phần được lưu giữ tại Bảo tàng Cố cung, và phần còn lại lưu lạc đến Bảo tàng Cung điện Quốc gia được xây dựng ở Đài Loan.

Tử Cấm Thành mở thêm khu vườn bí mật của Càn Long

Vườn Càn Long, một trong những "kho báu" ẩn giấu trong Tử Cấm Thành suốt một thế kỷ qua, sẽ chính thức chào đón khách tham quan vào năm 2020 sau thời gian dài tu tạo.

Tuổi già ở Trung Quốc: Hy sinh nuôi con, về già phải tự nuôi mình

Sự cam chịu sắt đá trên khuôn mặt chỉ tan biến khi ông Qin Taixiao nói về thời điểm ưa thích trong năm - Tết âm lịch. Kỳ nghỉ dài ngày là dịp duy nhất ông được gặp 3 người con.




Sơn Trần

Theo South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm