Nhiều ngày sau khi Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố giải phóng Mosul khỏi tay lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), bóng dáng những người đang trốn chạy vẫn lẩn khuất trong các đường hầm của thành phố. Guardian miêu tả cảnh đàn ông cõng trên vai những đứa trẻ đói khát trong khi phụ nữ ẩn mình trong chiếc áo choàng abayas bám bụi.
Ở nơi từng là thánh đường al-Nuri, công trình được xây dựng từ thế kỷ 12 nhưng đã bị IS cho nổ tung trước ngày thất thủ, binh sĩ lực lượng đặc nhiệm của chính phủ chỉ tay vào một gia đình đang trốn chạy.
“Bọn họ đều là chiến binh Hồi giáo”, ông nói.
“Thành cổ (của Mosul) là nơi chiến binh mang theo các gia đình trung tín. Nhưng chúng tôi phải làm gì bây giờ?”.
Binh sĩ của lực lượng chính phủ Iraq đi giữa đống đổ nát của một tòa nhà sau những cuộc giao tranh. Ảnh: Reuters. |
Cuộc chiến ở hang cùng ngõ hẻm
Hai người đàn ông trẻ, tất cả đều trong độ tuổi đi lính, bị bắt tại đó, bất chấp sự van nài của gia đình họ.
“Tôi thề là cậu ấy bị thương vì lính bắn tỉa khi ra sông lấy nước”, một người phụ nữ nói khi chỉ vào vết thương còn mới trên bụng người thanh niên.
Gần 3 năm trước, IS đã tuyên bố lập nên “Nhà nước Hồi giáo” ở Mosul, tại nơi chỉ cách thánh đường đổ nát trên vài bước chân.
Giờ đây, ngay cả khi quân đội Iraq tuyên bố đã chiếm lại được thành phố, các cuộc giao tranh vẫn diễn ra rải rác khắp các con hẻm tại thành cổ Mosul, nơi tàn dư IS sót lại.
Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Iraq, ông Haider Fadhil cho biết dù họ đã kiểm soát được đất đai tại đây, các binh sĩ sẽ tiếp tục truy quét để tiêu diệt những phần tử IS đang “ngủ đông” và vật liệu nổ bị cất giấu.
Ông cho biết hàng trăm binh sĩ IS có thể vẫn đang lẩn trốn trong thành cổ Mosul và sử dụng các thành viên trong gia đình, có cả phụ nữ và trẻ em, để làm lá chắn.
Tướng Abdul-Ghani al-Asadi, một chỉ huy khác của lực lượng đặc nhiệm, nói rằng thành viên gia đình của các tay súng IS sẽ được phép ra đi nếu họ không mang theo vũ khí.
Với một số binh sĩ, việc của họ đơn giản là nhặt vũ khí lên và đi lục soát các đường hầm trong thành cổ. Họ sẽ phải trèo qua những chiến hào bê tông và thành lũy bằng đá. Các đợt không kích đã phá hủy thành phố, tạo ra những hố sâu, đất đá và mảnh vỡ chất đống, đôi khi cả khung xe trơ trọi trên những mái nhà.
Binh sĩ IS tại Mosul đầu hàng lực lượng chính phủ Iraq. Ảnh: Reuters. |
Thành phố đổ nát
Trong cuộc chiến suốt 9 tháng nhằm chiếm lại Mosul, vài tuần cuối cùng là khó khăn nhất khi lực lượng chính phủ gặp phải những con hẻm hẹp, nhà đá và mạng lưới đường hầm chằng chịt của thành cổ Mosul.
“Trong 3 năm chiến đấu chống IS, chúng tôi đã trải qua rất nhiều mất mát, nhưng không gì sánh được với vài tuần cuối cùng trong thành cổ”, Guardian dẫn lời một chỉ huy của lực lượng đặc nhiệm.
Trên những con đường lộn xộn, không nơi nào hoàn toàn là chiến trận và không nơi nào hoàn toàn là vùng an toàn. Người dân gánh tất cả hậu quả. Ở đây, lực lượng chính phủ không còn để tâm đến dân thường như tại những nơi khác. Khi họ tiến lên và gặp phải sự chống trả, bom mìn được huy động để dội xuống. Chúng phá hủy gần như mọi thứ tại đó.
Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế công bố hôm 11/7, IS đã lấy những người dân mắc kẹt ra làm lá chắn trong khi lực lượng chính phủ và các đồng minh sử dụng chất nổ không chính xác. Họ có thể đã phạm phải tội ác chiến tranh. Quan chức trong liên quân chống IS phủ nhận và gọi báo cáo là “rất vô trách nhiệm”.