Quân đội Iraq ngày 9/7 tuyên bố giải phóng Mosul, tâm điểm cuộc chiến chống IS suốt 9 tháng qua. Giao tranh tạm ngưng, nhưng thành phố còn phải đối mặt với nhiều vấn đề hậu chiến.
Tổng thống Haider al-Abadi ngày 9/7 tuyên bố quân đội Iraq đã chiến thắng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại thành phố Mosul sau 9 tháng giao tranh ác liệt. "Những tên khủng bố cuối cùng đều bị bao vây", ông al-Abadi nói, "việc thông báo chiến thắng lớn với người dân chỉ còn là vấn đề thời gian". Ảnh: Getty.
Sau cuộc chiến, thành phố lớn thứ hai Iraq đổ nát, hoang tàn. Các công trình bị biến dạng bởi các đợt ném bom, những cuộc đọ súng. Ảnh: Reuters.
Năm 2014, Mosul rơi vào tay IS. Cuộc chiến giành lại thành phố chiến lược này của quân đội Iraq bắt đầu vào tháng 10/2016, với sự trợ giúp từ Mỹ. Ảnh: Reuters.
Quân đội chính phủ giành lại quyền kiểm soát phía đông thành phố, phía bờ trái sông Tigris, vào tháng 1, tấn công phía tây Mosul vào tháng 2. Những cuộc giao tranh sau đó liên tục nổ ra trong thành phố cổ có mật độ dân cư lớn này. Ảnh: Reuters.
Hàng nghìn người thiệt mạng và khoảng 1 triệu người mất nhà cửa trong gần 9 tháng giao tranh giữa quân đội và lực lượng khủng bố. Theo Liên Hợp Quốc, những người không kịp sơ tán phải sinh hoạt trong điều kiện "tồi tệ", thiếu thốn đủ đường, sống giữa làn bom đạn và còn bị sử dụng làm lá chắn sống. Ảnh: Getty.
Thương vong của lực lượng liên quân chưa được công bố. Reuters ngày 9/7 dẫn lời một nguồn tin cho biết lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố tinh nhuệ, mũi nhọn của liên quân trong cuộc chiến Mosul, đã tổn thất 40% số quân. Trong ảnh, một binh sĩ thuộc lực lượng phản ứng nhanh Iraq cầm hoa giữa trận chiến tại miền Đông Mosul. Ảnh: Reuters.
Đối với nhiều lính Iraq, cuộc chiến Mosul, nhất là những trận đánh trong thành cổ, là giai đoạn chiến đấu khó khăn và ác liệt nhất mà họ từng trải qua. Ảnh chụp một người lính Iraq đang làm nhiệm vụ trước nhà tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ đã bị IS đập phá. Ảnh: Getty.
Trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo tổ chức Save the Children, ám ảnh từ những cảnh bạo lực hàng ngày có thể gây cho các em tổn thương tâm lý nghiêm trọng suốt đời. Trong ảnh, một em bé Iraq trên đường sơ tán. Ảnh: Getty.
Tái thiết thời kỳ "hậu IS" sẽ là rất khó khăn với thành phố 1,5 triệu dân ở miền Bắc Iraq, bởi mức độ hủy diệt khổng lồ, chủ yếu từ những vụ đánh bom của liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu.
Ảnh: Reuters.
Người dân Mosul chỉ có thể tạm sống trong niềm vui. Việc giành lại quyền kiểm soát Mosul không ngăn IS tiếp tục thực hiện những vụ tấn công trên toàn Iraq. Ngay chính trong thành phố, giao tranh lẻ tẻ vẫn đang tiếp diễn.
Ảnh: Getty.
Hơn 700.000 người hiện vẫn chưa thể trở về thành phố quê hương. Các tổ chức và nhà hoạt động nhân quyền nhiều tháng nay đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo rất có thể xảy ra ở thành phố lớn thứ 2 Iraq. Ảnh: Getty.
Phiến quân IS ngày càng bị quân đội Iraq và liên quân quốc tế đánh lùi khỏi thành Mosul, nơi IS từng tuyên bố với cả thế giới về việc thành lập "triều đại" cách đây tròn 3 năm.
Dù không phải binh sĩ, các thành viên của nhóm tình nguyện Free Burma Rangers vẫn bất chấp an nguy để cứu người giữa mưa bom bão đạn ở thành phố Mosul của Iraq.