Theo CNBC, mới đây, ông Shaktikanta Das - Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ - cảnh báo rằng tiền mã hóa có thể là nguồn cơn của cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo.
"Tiền mã hóa có những rủi ro riêng đối với sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô", ông cảnh báo. Vị quan chức chỉ ra sự sụp đổ mới đây của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX.
Mối lo ngại lớn nhất của ông là tiền mã hóa không có bất cứ giá trị nền tảng nào, chỉ là một tài sản mang tính đầu cơ và cần bị cấm.
Giá Bitcoin lao dốc không phanh trong vòng một năm qua. Ảnh: CoinMarketCap. |
Nguồn cơn của khủng hoảng tài chính tiếp theo
"Việc mua bán tiền mã hóa hoàn toàn là hoạt động đầu cơ. Và tôi vẫn giữ vững quan điểm rằng chúng nên bị cấm", ông Das nhận xét.
"Nếu tiền mã hóa vẫn được phép pháp triển, hãy nhớ lời tôi, cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo sẽ đến từ tiền mã hóa", thống đốc ngân hàng trung ương Ấn Độ nhấn mạnh.
Nhận xét của ông Das được đưa ra trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ sắp giới thiệu đồng rupee kỹ thuật số. Ngoài Ấn Độ, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng cân nhắc phát hành phiên bản điện tử của đồng tiền nước mình.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ sắp giới thiệu đồng rupee kỹ thuật số. Ảnh: Reuters. |
Ông Das cho rằng tiền điện tử của ngân hàng trung ương sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển tiền quốc tế và giảm chi phí hậu cần, chẳng hạn in tiền.
Ở chiều ngược lại, mới đây, ông Laith Khalaf - Trưởng bộ phận Phân tích đầu tư của AJ Bell - cho rằng bê bối trong ngành công nghiệp tiền mã hóa không lan sang các khoản đầu tư truyền thống khác.
"Rất nhiều vốn đã được đổ vào thị trường tiền mã hóa, nhưng nó giống như một hệ sinh thái riêng biệt", ông nói với CNBC hôm 14/12. Tuy nhiên, ông vẫn cảnh báo về một số tác động trong tương lai.
"Nếu chúng ta gặp một vấn đề trên toàn hệ thống, những tài sản khác cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng điều đó dường như chưa xảy ra", ông nói thêm.
Rủi ro lan tỏa
Hôm 11/11, FTX chính thức đệ đơn phá sản lên tòa án Mỹ sau khi cạn kiệt thanh khoản, CEO Sam Bankman-Fried - người từng được coi là "người hùng tiền mã hóa" - từ chức ngay sau đó.
Đến ngày 12/12, chính quyền Bahamas bắt giữ Bankman-Fried sau khi nhận được xác nhận chính thức về các cáo buộc chống lại ông này.
Theo các hồ sơ tòa án, phía luật sư của FTX cho biết họ có hơn 1 triệu chủ nợ. Khoản nợ không có tài sản đảm bảo với 50 chủ nợ lớn nhất lên tới 3,1 tỷ USD.
Binance cũng rơi vào tầm ngắm sau bê bối của FTX. Hôm 12/12, Reuters đưa tin các công tố viên Mỹ đang cân nhắc về việc buộc tội sàn giao dịch tạo điều kiện cho những hoạt động rửa tiền.
Nếu tiền mã hóa vẫn được phép pháp triển, hãy nhớ lời tôi, cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo sẽ đến từ tiền mã hóa
Ông Shaktikanta Das - Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ
Những lo ngại về sức khỏe của ngành công nghiệp tiền mã hóa đã đè nặng lên giá của các đồng tiền.
Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới hiện được giao dịch quanh mức 16.700 USD/đồng, giảm gần 1% so với một ngày trước đó. Tính từ mức đỉnh hơn 68.700 USD/đồng được thiết lập hồi tháng 11 năm ngoái, Bitcoin mất 75,7% giá trị.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ quan điểm "diều hâu" cũng đè nặng lên các tài sản rủi ro như Bitcoin. Vào cuộc họp chính sách tháng 12, Fed quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 4,25-4,5%, mức cao nhất trong vòng 15 năm.
Mức tăng này chấm dứt chuỗi 4 lần liên tiếp tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11. Nhưng trong cuộc họp báo diễn ra ngay sau cuộc họp, chủ tịch Fed nhấn mạnh "vẫn cần nhiều bằng chứng hơn để tin rằng lạm phát đang trên đà đi xuống bền vững".
Các thành viên FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - dự kiến giữ lãi suất ở mức cao trong năm tới và không giảm lãi suất cho đến năm 2024.
Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...