Chào mừng đến với Hong Kong, nơi một ngôi nhà trung bình có giá hơn một triệu USD, và thậm chí bãi đỗ xe cũng có thể lên tới gần một triệu USD. Trong khi đó, hơn 200.000 người phải chờ đợi ít nhất nửa thập niên nữa để được cấp nhà ở công.
Phía xa dãy The Peak - nơi các tỷ phú sinh sống và các tài sản thường xuyên đổi chủ với giá hàng trăm triệu USD, cứ 5 người thì có một người sống dưới mức nghèo khổ. Nhiều người sống trong những khu dân cư chật chội, chen chúc, hoặc thậm chí đúng nghĩa “cái lồng” giữa khu chung cư đổ nát.
Theo chính quyền thành phố, nguyên nhân của vấn đề này tương đối đơn giản: Họ thiếu nguồn cung nhà và không thể đáp ứng được nhu cầu của hơn 7 triệu cư dân chen chúc tại một trong những nơi đông dân nhất thế giới.
Trong bài phát biểu về chính sách đầu tiên hồi tháng 10/2022, Đặc khu trưởng Hong Kong Lý Gia Siêu tuyên bố nhà ở “đứng đầu chương trình nghị sự” của ông, khi cam kết xây dựng 30.000 căn hộ trong 5 năm tới, South China Morning Post đưa tin.
Tuy nhiên, nhiều người từ lâu đã hoài nghi về sự phụ thuộc của thành phố vào phí bảo hiểm đất đai, doanh thu và thuế, chiếm khoảng 20% doanh thu hàng năm. Họ cho rằng dòng tiền này đã hạn chế những gì Hong Kong có thể làm để giải quyết vấn đề.
Giữa lúc cuộc tranh luận về nhà ở diễn ra gay gắt, một số người bất ngờ chú ý tới các biện pháp chống dịch Covid-19 của thành phố, cho rằng đó là phép thử cho quyết tâm của chính quyền Hong Kong trong giải quyết khủng hoảng. Họ kêu gọi tái sử dụng các khu cách ly xây từ thời đại dịch đang bị bỏ trống, theo CNN.
Nhỏ, nhưng vẫn đáng mơ ước
Những khu cách ly này đã khiến nhiều người chỉ trích chính quyền. Họ nói việc xây dựng nhanh chóng và đổ hàng đống tiền vào các khu cách ly chính là bằng chứng cho thấy “sự dối trá” của chính quyền Hong Kong, khi giới chức nói vấn đề nhà ở khó có thể giải quyết được.
Dù không tiết lộ chi phí xây dựng mạng lưới cơ sở cách ly, tổng chi tiêu cho đại dịch Covid-19 của thành phố trong 3 năm qua đã lên tới 76 tỷ USD.
Thông thường, các kế hoạch nhà ở công cộng thường phải tuân thủ các thủ tục hành chính kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, với các cơ sở cách ly, chính quyền “bất ngờ tìm thấy” khoảng 80 ha đất và xây dựng 40.000 phòng chỉ trong vài tháng.
Brian Wong - thuộc tổ chức Liber Research Community - nằm trong số những người đặt câu hỏi tại sao chính quyền không thể có cách tiếp cận nhanh chóng tương tự, bỏ qua các thủ tục nhằm giải quyết những gì chính họ cũng thừa nhận là “cuộc khủng hoảng nhà ở khẩn cấp”.
Anh cho rằng chính hành động thiếu quyết đoán của giới chức sẽ gây thiệt hại cho những người nghèo nhất. Việc bỏ trống các cơ sở cách ly là phép thử cho quyết tâm hành động của chính quyền, nên Wong kêu gọi chuyển các khu này thành nhà ở xã hội, và sẽ “rất xấu hổ nếu những khu này bị bỏ trống hoặc lãng phí”.
Chính quyền Hong Kong nói với CNN rằng họ sẽ công bố kế hoạch về các khu cách ly này sau khi có quyết định chính thức.
Cơ sở cách ly Penny's Bay ở Hong Kong hôm 1/3. Ảnh: CNN. |
Chỉ có 3/8 khu cách ly thực sự được sử dụng. 5 khu còn lại bị bỏ trống khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên và số ca nhiễm giảm xuống.
Khu lớn nhất và nổi tiếng nhất là Penny’s Bay - địa điểm cạnh Disneyland Hong Kong - nơi có hơn 270.000 người ở trong gần 10.000 phòng suốt 958 ngày, cho đến khi đóng cửa vào ngày 1/3.
Khu thứ 2 nằm cạnh bến du thuyền Kai Tak và khu thứ ba gần cảng container vận chuyển. Phần còn lại nằm rải rác dọc theo vùng ngoại ô phía bắc của thành phố, gần biên giới với Trung Quốc đại lục.
Với diện tích khoảng 18,5 m2, mỗi căn hộ có kích thước lớn hơn chỗ đậu xe, có nhà vệ sinh, vòi hoa sen và giường. Chỉ có một số phòng có bếp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây vẫn là giải pháp tạm thời hấp dẫn với những người không đủ khả năng chi trả tiền thuê nhà trong thành phố. Tại Hong Kong, theo dữ liệu từ Centaline, ngay cả những “căn hộ cano” có diện tích gần 20 m2 cũng có giá 445.000 USD.
Francis Law - người từng tới Penny's Bay vào cuối năm 2022 - nói mặc dù đơn giản, cơ sở vật chất tại đây vẫn đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản của một người, và là lựa chọn hấp dẫn tạm thời cho những người có tên trong danh sách đợi nhà ở công cộng.
“Nếu chính phủ cho thuê các căn hộ với giá khoảng 254-382 USD/tháng và sắp xếp một tuyến xe buýt đến ga tàu gần nhất, tôi nghĩ rất nhiều người nộp đơn, ngay cả khi nó cách xa khu trung tâm thương mại chính”, anh nói.
Trong khi một số khu được xây trên đất tư và được chính quyền thuê, nhiều người lập luận các phòng này tương đối dễ tháo dỡ, nên có thể chuyển chúng tới những địa điểm lâu dài hơn nếu chính quyền đồng ý.
“Rõ ràng chúng tôi có đất ở Hong Kong, có đất ở khu vực nông thôn, nhưng chúng tôi không có sẵn đất để phát triển khu dân cư và thương mại. Nhưng điều quan trọng là chính quyền có thực sự đẩy nhanh các thủ tục hay không”, Ryan Ip - trưởng bộ phận nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Our Hong Kong Foundation - chia sẻ.
Phó cục trưởng Cục An ninh Michael Cheuk tại lễ đóng cửa khu cách ly Penny's Bay hôm 1/3. Ảnh: CNN. |
Chưa rõ tương lai
Có thời điểm, một số phòng tại Penny's Bay được sử dụng để tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học cho học sinh có tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh. Tại thời điểm khác, nơi này trở thành điểm bỏ phiếu.
Kiến trúc sư Marco Siu là một trong số những người kêu gọi biến dãy nhà tại Penny’s Bay thành trung tâm chăm sóc sức khỏe tạm thời. Anh nói để làm điều này, giới chức chỉ cần thiết kế lại đơn giản và có thể dùng trong trường hợp một đợt bùng dịch mới.
Tuy nhiên, liệu giới chức có chú ý tới các đề xuất hay không còn cần phải xem xét.
Một phát ngôn viên của Cơ quan Phát triển Hong Kong nói các phòng tại Penny’s Bay và Kai Tak có cấu trúc vòng đời 50 năm và được thiết kế để “tháo dỡ, vận chuyển và tái sử dụng ở những địa điểm khác”. Trong tuyên bố riêng, cơ quan này cho biết thành phố cam kết nguồn cung đất “ổn định và bền vững”.
Tuy nhiên, bất cứ ai xem lễ đóng cửa Penny’s Bay vào đầu tháng này có thể sẽ thất vọng nếu họ từng hy vọng về tương lai của nó. Khi cánh cửa đóng lại, một ban nhạc chơi bài Auld Lang Syne và Phó cục trưởng Cục An ninh Michael Cheuk cầm một chiếc khóa khổng lồ.
“Khu cách ly Penny’s Bay đã hoàn thành sứ mệnh”, ông Cheuk nói.
Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.