Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu sắp leo thang?

Châu Âu lo ngại Nga sẽ tìm cách kéo dài thời gian bảo trì của đường ống Nord Stream. Dòng chảy khí đốt bị gián đoạn có thể làm leo thang cuộc khủng hoảng năng lượng tại khu vực.

Theo CNBC, châu Âu đang tìm cách ứng phó với những thách thức về nguồn cung năng lượng, nhất là khi Nord Stream 1 - đường ống lớn nhất dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức - đã tạm ngừng hoạt động để bảo trì.

Nord Stream AG - công ty điều hành đường ống - xác nhận việc bảo trì dự kiến bắt đầu từ ngày 11/7 đến hết ngày 21/7.

Tuy nhiên, châu Âu lo ngại việc bảo trì có thể kéo dài hơn 10 ngày và ảnh hưởng tới công tác tích trữ năng lượng cho mùa đông. Nếu dòng chảy khí đốt tiếp tục giảm, cuộc khủng hoảng năng lượng, vốn đã làm đảo lộn cuộc sống của người châu Âu, sẽ leo thang lên ngưỡng mới.

Khung khoang nang luong anh 1

Đường ống Nord Stream 1 dẫn khí đốt tự nhiên của Nga sang Đức. Ảnh: Picture Alliance.

Nguy cơ gián đoạn

Chính phủ các nước châu Âu đang phải tranh giành nhiên liệu để lấp đầy các kho dự trữ khí đốt dưới lòng đất, nhằm đảm bảo đủ nhiên liệu cho người dân trong mùa đông.

Hiện có tới 40% lượng khí đốt tiêu thụ của châu Âu được nhập khẩu từ Nga. Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng của Moscow, sau khi đưa ra hàng loạt đòn trừng phạt nhằm phản đối "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine.

"Châu Âu cần chuẩn bị cho khả năng Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt dài hơn thời gian bảo trì đường ống theo kế hoạch", ông Klaus Mueller - người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng Đức - cảnh báo.

“Chúng ta không thể loại trừ khả năng đường ống không được nối lại vì những lý do chính trị”, ông nói với CNBC.

Chúng ta không thể loại trừ khả năng đường ống không được nối lại vì những lý do chính trị

Ông Klaus Mueller, người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng Đức

Các nhà phân tích năng lượng cũng tin rằng nguy cơ gián đoạn tạm thời là rất cao, nhất là khi dòng khí đốt của Nga tới châu Âu đã bị cắt giảm khoảng 60% trong những tháng gần đây.

Lý do được phía Nga đưa ra là chi nhánh Canada của công ty Đức Siemens Energy chậm trả lại các turbine khí của Nord Stream 1 mà họ gửi đi để bảo dưỡng.

Theo Reuters, Nga cho biết nước này sẽ tăng nguồn khí đốt cung cấp cho châu Âu nếu các turbine được Canada trả lại.

Ông Dmitry Peskov - người phát ngôn của điện Kremlin - cũng bác bỏ cáo buộc Nga đang gây áp lực chính trị với châu Âu bằng việc cắt giảm nguồn cung năng lượng.

Cuối tuần qua, phía Canada cho biết sẽ trả lại một turbine khí đã bảo dưỡng xong, nhưng tuyên bố sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng Nga.

Tìm cách thích ứng

Theo các nhà phân tích tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nếu Nga kéo dài thời gian bảo trì đường ống Nord Stream 1 quá lâu, Đức sẽ buộc phải chuyển sang cấp độ 3 trong kế hoạch khẩn cấp 3 giai đoạn của mình.

Ở cấp độ này, Bundesnetzagentur - cơ quan quản lý của Đức - sẽ cần đưa ra kế hoạch phân phối nguồn cung cấp khí đốt trên toàn quốc.

Ông Henning Gloystein, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng - khí hậu - tài nguyên của Eurasia Group, cảnh báo động thái này sẽ làm kinh tế trì trệ. “Đức có dân số đông nhất, là nền kinh tế lớn nhất và cũng là nước tiêu thụ nhiều khí đốt nhất châu Âu", ông nhận xét.

"Đức cũng là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga trong khu vực và có đường biên giới với 9 quốc gia khác. Chính vì vậy, bất cứ điều gì xảy ra ở Đức đều ảnh hưởng đến phần còn lại của châu Âu”, ông cảnh báo.

Khung khoang nang luong anh 2

Hình ảnh Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck và Thủ tướng Olaf Scholz trong cuộc họp nội các hàng tuần vào ngày 1/7. Ảnh: Picture Alliance.

Tuy nhiên, ông cho rằng Nga sẽ nới lỏng phần nào nguồn cung khí đốt. "Bởi Moscow muốn có đòn bẩy để thương lượng trong trường hợp châu Âu thắt chặt các biện pháp trừng phạt", ông Gloystein giải thích.

Theo phát ngôn viên của Bộ Kinh tế và Khí hậu Đức, an ninh nguồn cung khí đốt trong nước vẫn được đảm bảo. "Nhưng tình hình rất nghiêm trọng”, người phát ngôn nói thêm.

“Ở thời điểm hiện tại, vẫn có thể thu mua khí đốt trên thị trường dù giá cao. Chính phủ cũng tiếp tục dự trữ cho mùa đông và đang trao đổi thêm với các thương lái về nguồn cung năng lượng”, người này nói thêm.

Nga cảnh báo các lệnh trừng phạt càng khiến giá năng lượng tăng

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có những nhận định liên quan đến các lệnh trừng phạt Nga và hậu quả tác động lên giá năng lượng ở phương Tây.

Châu Âu trả giá đắt vì phụ thuộc năng lượng của Nga

Châu Âu ngày càng phụ thuộc vào khí đốt Nga trong những năm qua. Giờ, giới chức khối này phải can thiệp mạnh tay để giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng vọt.

Hằng Nga

Bạn có thể quan tâm