Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc khủng hoảng khiến 8.000 người chết dưới mồ chôn tập thể ở châu Âu

Ít nhất 8.000 người đã thiệt mạng trong thảm sát tại thị trấn Srebenica giữa nội chiến Bosnia và Herzegovina. Phần lớn bị vùi xác dưới các mồ chôn tập thể.

diet chung Srebenica ngay 11/7 anh 1

Đã 25 năm trôi qua kể từ cuộc thảm sát đối với đàn ông và trẻ em nam tại thị trấn Srebenica, miền Đông của Bosnia và Herzegovina. Thế nhưng, năm này qua năm khác, người ta vẫn tiết tục tìm thấy thi thể và hài cốt của các nạn nhân chôn sâu dưới lớp bùn đất. Ảnh: AP.

diet chung Srebenica ngay 11/7 anh 2

Thảm sát Srebenica diễn ra vào tháng 7/1995, khi 15.000 đàn ông và trẻ em nam Hồi giáo người Bosnia bị quân đội người Serbia truy đuổi, phải chạy trốn vào trong các cánh rừng xung quanh thị trấn Srebenica, và sau đó bỏ mạng trong các vụ bắn giết. Đây là một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất tại châu Âu sau Chiến tranh thế giới II, với ít nhất 8.000 nạn nhân thiệt mạng. Sự kiện Srebenica được Tòa án Hình sự quốc tế công nhận là tội ác diệt chủng. Ảnh: AP.

diet chung Srebenica ngay 11/7 anh 3

Sau khi Liên bang Nam Tư tan rã, cuộc nội chiến ở Bosnia và Herzegovina đã chia tách đất nước này thành 3 cộng đồng cư dân, người Serbia, người Croatia và người Hồi giáo Bosnia, liên tục xung đột lẫn nhau. Tháng 4/1993, thị trấn Srebrenica được Liên Hợp Quốc tuyên bố là vùng an toàn nằm dưới sự bảo vệ của Liên Hợp Quốc sau nhiều tháng giao tranh giữa quân đội người Hồi giáo Bosnia và quân đội người Serbia. Ảnh: AP.

diet chung Srebenica ngay 11/7 anh 4

Ngày 6/7/1995, quân đội người Serbia mở cuộc tấn công vào thị trấn Srebenica, lúc này nằm dưới sự bảo vệ của binh sĩ Hà Lan thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Lực lượng Liên Hợp Quốc bị áp đảo về hỏa lực đã không thể ngăn cản bước tiến của quân đội người Serbia, thị trấn Srebenica thất thủ vào ngày 11/7. Ảnh: AP.

diet chung Srebenica ngay 11/7 anh 5

Hàng nghìn người tị nạn Hồi giáo Bosnia đã chạy trốn vào khu tổ hợp của Liên Hợp Quốc với hy vọng lực lượng gìn giữ hòa bình tại đây có thể bảo vệ được họ khỏi quân đội người Serbia. Mặc dù vậy, quân đội Serbia đã tấn công vào khu tổ hợp này và bắt đi hàng nghìn người. Ít nhất 2.000 nam giới đã bị xử tử tại chỗ ở thị trấn Srebenica. Hàng nghìn phụ nữ và trẻ em gái đã bị quân đội người Serbia bắt giữ và đưa về khu vực lực lượng này kiểm soát.

diet chung Srebenica ngay 11/7 anh 6

Tại các cánh rừng xung quanh thị trấn Srebenica, quân đội người Serbia truy bắt và giết hại thêm hàng nghìn người Bosnia và người Hồi giáo Bosnia. Để che giấu tội ác, quân đội người Serbia đào hàng chục mồ chôn tập thể để chôn xác các nạn nhân vụ thảm sát. Ảnh: AP.

diet chung Srebenica ngay 11/7 anh 7

Qua lời kể của các nhân chứng, tội ác của lực lượng người Serbia sau này được phơi bày. Không chỉ giết hại hàng nghìn người Bosnia, lực lượng Serbia đã hãm hiếp hàng nghìn phụ nữ và trẻ em gái trong thời gian chiếm giữ Srebenica. Nhiều vụ hãm hiếp được thực hiện ngay trước mắt con cái, người thân của các nạn nhân. Ảnh: AP.

diet chung Srebenica ngay 11/7 anh 8

Ngày 21/11/1995, dưới sức ép của cộng đồng quốc tế, các phe phái tham chiến đã chấp nhận ký vào Hiệp định Dayton do Mỹ và Liên Hợp Quốc bảo trợ, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 3 năm rưỡi tại Bosnia và Herzegovina. Tổng cộng hơn 100.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến trước khi Hiệp định Dayton được ký kết. Ảnh: AP.

diet chung Srebenica ngay 11/7 anh 9

Ngày 16/11/1995, Tòa án Hình sự quốc tế đã truy tố Radovan Karadzic và Ratko Mladic, hai chỉ huy của lực lượng quân đội người Serbia, với cáo buộc gây ra tội ác chiến tranh tại Srebenica. Trong các năm sau đó, Tòa án Hình sự quốc tế và tòa án các quốc gia có liên quan tại châu Âu đã kết án gần 50 người chịu trách nhiệm cho cuộc diệt chủng ở Srebenica, với tổng mức án lên tới 700 năm tù. Ảnh: AP.

diet chung Srebenica ngay 11/7 anh 10

Mỗi năm, lễ tưởng niệm các nạn nhân cuộc diệt chủng Srebenica được tổ chức vào ngày 11/7. Trong lễ kỷ niệm lần thứ 25 năm nay, 8 thi thể nạn nhân mới được tìm thấy sẽ được chôn cất tại nghĩa trang tưởng niệm Potocari, bên ngoài thị trấn Srebenica. Tới thời điểm hiện tại, còn khoảng 1.000 hài cốt các nạn nhân vụ diệt chủng chưa được tìm thấy. Ảnh: AP.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm