Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc khủng hoảng di cư bị lãng quên giữa lòng châu Âu

Ở biên giới giữa Ba Lan và Belarus, hàng nghìn người tị nạn vẫn chờ đợi để tiến vào lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU), bất chấp việc bị ngăn chặn hay xua đuổi.

nguoi ti nan ba lan belarus anh 1

Ngay sau khi nhận được cuộc gọi đề nghị hỗ trợ, bà Danuta Kuroń vội vã chuẩn bị các mặt hàng tiếp tế khẩn cấp để mang tới cho hai người tị nạn cần giúp đỡ. Những người này đang đói, ướt sũng và lạc đường trong khu rừng Białowieża rộng lớn giữa biên giới Ba Lan - Belarus.

“Tôi biết rằng nếu tôi quên gì đó, sẽ là thảm họa với họ”, bà Kuroń nói khi cất quần lót, quần áo ấm và thanh ngũ cốc cho hai người Kurd vào ba lô. Nhờ số điện thoại được truyền tai nhau trong cộng đồng người tị nạn, họ có thể liên hệ với Kuroń để đề nghị trợ giúp.

Họ là những người trên tuyến đầu của cuộc khủng hoảng người tị nạn đã bị “lãng quên” - theo bà Kuroń và những nhà vận động khác - khi hàng triệu người Ukraine tràn sang Ba Lan để tránh chiến sự.

Những người tị nạn không được đón chờ

Trong bối cảnh sự chú ý của Ba Lan và châu Âu đổ dồn về người tị nạn từ Ukraine, hàng nghìn người di cư - chủ yếu đến từ Trung Đông - vẫn cố gắng tiến vào lãnh thổ Ba Lan từ nước láng giềng Belarus kể từ mùa hè năm ngoái.

Dù vậy, khác với những người đồng cảnh ngộ đến từ Ukraine, họ không được Warsaw chào đón. Ba Lan thậm chí xây dựng một hàng rào thép để ngăn cản những người nhập cảnh từ Belarus, làm dấy lên những cáo buộc “tiêu chuẩn kép”.

“Chính phủ của chúng tôi sử dụng người Ukraine như phương tiện chính trị để chứng minh chúng tôi là một dân tộc vĩ đại”, bà Agata Ferenc, một nhà vận động, nói. “Họ phản ứng với cuộc khủng hoảng mà quy mô của nó khiến chúng ta dễ dàng quên đi sự phân biệt chủng tộc hướng vào những người khác hoàn toàn, nhập cảnh từ Belarus”.

Các quốc gia EU cáo buộc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko khuyến khích người nhập cư tìm cách nhập cảnh từ nước này vào ba nước láng giềng EU - Ba Lan, Lithuania và Latvia - nhằm gây mất ổn định khu vực, cũng như đáp trả các biện pháp cấm vận mà Brussels áp đặt lên Minsk.

nguoi ti nan ba lan belarus anh 2

Bà Danuta Kuroń chuẩn bị đồ đạc cho những người nhập cư cần giúp đỡ. Ảnh: Financial Times.

Tháng 11/2021, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi thách thức mà EU đang phải đối mặt là “một cuộc tấn công hỗn hợp, không phải cuộc khủng hoảng di cư”.

Trước thách thức này, Ba Lan lựa chọn cách tiếp cận cứng rắn. Lực lượng biên phòng nước này được chỉ đạo đẩy lui người nhập cư, trong khi chính phủ Ba Lan xây dựng một hàng rào thép - có giá trị 353 triệu euro (hơn 360 triệu USD) - trong 6 tháng, cũng như áp đặt tình trạng khẩn cấp với khu vực biên giới.

Các biện pháp hạn chế này cũng khiến phóng viên, nhân viên hỗ trợ nhân đạo, thậm chí là những người yêu thiên nhiên không thể tới khu vực.

Trong một chuyến thăm tới khu vực biên giới sau khi các lệnh hạn chế được nới lỏng hôm 1/7, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ca ngợi đất nước này vì đã ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhập cư “gây ra bởi ông Lukashenko”.

Dù vậy, bức tường thép cao 5 m chỉ có thể làm chậm, thay vì ngăn hoàn toàn dòng người tị nạn tràn vào Ba Lan. Trong khi đó, nó cũng thúc đẩy những người nhập cư tìm cách vượt biên giới ở những vùng đầm lầy, nơi Warsaw không thể dựng rào.

Theo bà Monika Matus, người phát ngôn của tổ chức nhân đạo Grupa Granica, cho biết 90% số cuộc gọi nhờ trợ giúp hiện nay đến từ những người từng bị đuổi đi.

Kể từ đầu năm 2022, khoảng 6.200 người tị nạn đã cố gắng nhập cảnh trái phép vào Ba Lan - giảm mạnh so với con số khoảng 40.000 trong năm 2021, theo lực lượng biên phòng Ba Lan. Số người tị nạn đến từ khu vực châu Phi hạ Sahara cũng đã vượt qua nhóm người tới từ Trung Đông.

Cơ quan trên cũng cáo buộc những người đồng nghiệp bên phía Belarus cung cấp thang và giúp những người nhập cư trái phép đào hầm chui qua bức tường. Bà Katarzyna Zdanowicz, một phát ngôn viên của lực lượng biên phòng Ba Lan, cho biết nước này sẽ sớm lắp đặt hệ thống giám sát điện tử để tăng khả năng kiểm soát.

Phản đối và ủng hộ

Không phải người dân Ba Lan nào cũng ủng hộ các biện pháp hạn chế của chính phủ. Một số người đã treo biểu ngữ phản đối bức tường thép trước cửa nhà. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của tình trạng khẩn cấp với du lịch mới là điều được nhắc đến nhiều nhất.

Bà Małgorzata Tokarska, nhà di truyền học nghiên cứu bò rừng trong khu vực, cho rằng EU và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã làm ngơ khi Ba Lan tiến hành “phát minh lớn nhất và tồi tệ nhất lịch sử” - ám chỉ bức tường - giữa một khu rừng đặc biệt đã được bảo vệ từ thời trung cổ.

nguoi ti nan ba lan belarus anh 3

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thị sát bức tường tại biên giới giữa nước này và Belarus. Ảnh: Phủ Thủ tướng Ba Lan.

Bất chấp những ý kiến phản đối, cũng có nhiều người bảo vệ biện pháp mạnh của chính phủ. “Bức tường là một cách tốt để ngăn người tị nạn”, ông Mieczysław Piotrowski, một hướng dẫn viên du lịch địa phương, nói. “Những chàng trai đến từ Afghanistan hay Syria khác hẳn các bà mẹ Ukraine và con cái họ”.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Ba Lan “phân biệt chủng tộc và đạo đức giả” khi đối xử với những người tị nạn từ Belarus, so sánh với người tị nạn Ukraine.

Biên phòng Ba Lan bác bỏ cáo buộc lạm dụng người di cư. Theo người phát ngôn của cơ quan này, tuyên bố của Tổ chức Ân xá Quốc tế “không phản ánh sự thật”. Họ cũng từ chối đề nghị viếng thăm một trong sáu trung tâm tiếp nhận người tị nạn tại quốc gia Đông Âu này.

Một công dân Cameroon tại trung tâm ở Białystok miêu tả điều kiện sống tồi tệ với Financial Times. Ông cho biết sau khi từ Moscow tới biên giới Belarus, ông đã bị cả lực lượng Ba Lan và Lithuania đuổi đi. Sau đó, ông đến được Warsaw, nhưng bị bắt giữ trên đường đến Berlin.

“Tôi cần được bảo vệ, thay vì trục xuất”, ông nói.

Theo tổ chức Quỹ Helsinki về Nhân quyền, EU cần có động thái pháp lý chống lại Ba Lan liên quan tới chính sách với người tị nạn của nước này. “Đây đang là cuộc khủng hoảng người tị nạn bị lãng quên tại EU. Các trường hợp bạo lực và đẩy lùi hoàn toàn không thể chấp nhận”, bà Katarzyna Czarnota, một nhà xã hội học tại Quỹ Helsinki, nói.

Một số tình nguyện viên cho biết họ không lường trước các thách thức có thể gặp phải khi giúp đỡ người tị nạn. Dù vậy, vẫn có những người sẵn sàng giúp đỡ đối tượng dễ chịu tổn thương này.

Ông Wojciech Sańko, người rời bỏ công việc tại Warsaw tháng 8/2021 để trở về thị trấn biên giới quê hương giữa cuộc khủng hoảng người nhập cư, cho biết ông không thể ngồi yên.

“Tôi thực sự cần nghỉ ngơi, nhưng tôi cũng không thể ngồi yên khi mọi người thiệt mạng trong khu rừng yêu quý của mình”, ông nói. “Đây là nơi tôi thích dạo bộ. Nhưng với họ, đây là hành trình chết chóc”.

Thảm cảnh của người di cư mắc kẹt ở cửa ngõ châu Âu

Cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới Ba Lan - Belarus trong nhiều tháng qua khiến hàng nghìn người rơi vào tình cảnh bế tắc.

Việt Hà

Theo Financial Times

Bạn có thể quan tâm