Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Cuộc hẹn 10 năm của đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Thỏa mãn kỳ vọng của nhiều người dân Hà Nội trong ngày đầu vận hành, dự án Cát Linh - Hà Đông vẫn còn nhiều thách thức phía trước, đặc biệt là nhiệm vụ giảm ùn tắc giao thông.

CUỘC HẸN 10 NĂM CỦA TUYẾN ĐƯỜNG SẮT CÁT LINH - HÀ ĐÔNG

Thỏa mãn kỳ vọng của nhiều người dân Hà Nội trong ngày đầu vận hành, dự án Cát Linh - Hà Đông vẫn còn nhiều thách thức phía trước, đặc biệt là nhiệm vụ giảm ùn tắc giao thông.

"Pim... pim...", đoàn tàu màu xanh kéo hồi còi vang trong lúc tiến vào nhà ga Cát Linh. Trên sân ga, những hành khách đủ mọi lứa tuổi không giấu được vẻ háo hức. Diện quần áo đẹp trong một sáng cuối tuần, nhiều người dân thủ đô lần đầu tiên bước lên toa tàu mà trước đây chỉ có ở các nước phát triển.

"Nhanh hơn xe buýt"

Ông Phạm Văn Thành lập cập bước ra khỏi nhà, mắt hướng về phía âm thanh huyên náo phía nhà ga. "Cả đêm qua tôi cứ thấp thỏm, mấy đứa hàng xóm mách tôi là hôm nay tàu chạy", ông lão 86 tuổi nói.

Mới đó đã hơn 10 năm từ ngày căn nhà 3 tầng của gia đình ông bị đập bỏ để nhường đất xây ga đường sắt. Cầm 2 tỷ đồng tiền đền bù, ông chia cho những đứa con đi nơi khác ở. Phần đất còn lại chỉ vỏn vẹn một góc hình tam giác rộng 7 m2, ông thuê người xây tường, lắp cửa rồi sống một mình bằng lương hưu của vị giám đốc xí nghiệp Nhà nước.

Cứ mỗi sáng sớm, ông lại đi bộ tập thể dục quanh nhà ga Cát Linh. Thói quen đó lặp lại đã nhiều năm, đến nỗi có lần ông bảo: "Tôi tưởng nhà ga này không dùng được nữa, chắc sắp đập bỏ".

Cuoc hen 10 nam tau Cat Linh - Ha Dong anh 1

Từ cửa nhà bước thêm 3 bước, ông Thành đã tiến sát chân ga Cát Linh. Con ngõ ngăn cách dãy phố nhà ông với nhà ga sáng nay đã biến thành bãi đỗ xe máy cho người dân đến đi tàu điện.

"20.000 đồng/xe, khóa cổ vào, không phải vé", người phụ nữ cầm trên tay xấp tiền lẻ, hăm hở chỉ chỗ để xe máy cho người dân vãng lai ghé thăm ga Cát Linh. Cách đó vài căn nhà, bà chủ hàng trà đá rót nước luôn tay, khách ngồi tràn ra ngõ. "Phố nhà ga" đã qua cái thời đìu hiu vì đường sắt Cát Linh liên tục trễ hẹn.

"Để xem hôm nay đi tàu có nhanh hơn xe buýt không nào", ông Thành nhấc cặp kính đen khỏi sống mũi, mắt liếc xuống chiếc đồng hồ Seiko mạ vàng. Khi tàu chuyển bánh, đồng hồ chỉ 9h15.

Cuoc hen 10 nam tau Cat Linh - Ha Dong anh 2

Như không hẹn mà gặp, chuyến tàu điện đầu tiên phục vụ người dân Hà Nội chở phần lớn hành khách tóc đã điểm bạc. Những cặp vợ chồng già dắt tay nhau, những ông lão đi cùng cháu. Một người đàn ông trung niên dáng vẻ lịch thiệp, kể chuyện đường sắt đô thị ở Nhật, Pháp, trong lúc ngắm nghía khoang tàu.

Ông Thành trầm ngâm nhìn qua ô cửa kính khi đoàn tàu lao vun vút qua các dãy phố 2 bên đường. Vị giám đốc về hưu chưa một lần đặt chân ra nước ngoài. Thứ duy nhất ông có thể mang ra để so sánh với đường sắt Cát Linh - Hà Đông là tuyến tàu điện "leng keng" mà ông đi hồi 25 tuổi.

Cuoc hen 10 nam tau Cat Linh - Ha Dong anh 9

"Ngày ấy nắm xôi một xu rưỡi, bát phở 3 xu, tàu điện thì 2 xu cả chuyến. Sáng nào tôi cũng đi làm bằng tàu điện từ bờ hồ ra Long Biên", ông cụ nhớ lại.

Sau 60 năm kể từ ngày trải nghiệm tàu điện, ông Thành bước lên đoàn tàu điện thứ 2 trong đời. Đoàn tàu dự kiến áp dụng mức giá toàn tuyến là 15.000 đồng/chuyến. "Vẫn rẻ hơn phở và đắt hơn xôi như ngày xưa", ông lão cười.

Ông Thành có sở thích đọc báo, nghe đài, lúc buồn chân thì nhảy xe buýt đi dạo khắp Hà Nội. Trong ngăn kéo tủ của ông có chiếc vé xe buýt miễn phí dành cho người già. Từ nhà ông đi xe buýt đến Bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông) mất 40 phút, hôm nào tắc đường thì lâu hơn.

Khi đoàn tàu đến ga cuối Yên Nghĩa, ông Thành ngó đồng hồ, lúc này chỉ 9h40. Vậy là cùng một chặng đường, tàu điện đi hết 25 phút, nhanh hơn xe buýt 15 phút, lại không bao giờ phải lo tắc đường.

Cuoc hen 10 nam tau Cat Linh - Ha Dong anh 14

Hành trình 10 năm

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dĩ nhiên không chỉ được xây để phục vụ những người cao tuổi đi ngắm phố phường dịp cuối tuần như ông Thành. Nó được kỳ vọng là bước khởi đầu của một hệ thống metro hiện đại phủ khắp thành phố, trở thành phương tiện của đa số người dân đô thị giống như tại Bangkok, Seoul, Tokyo...

Bước khởi đầu ấy lẽ ra đã đến từ năm 2015, mốc khánh thành ban đầu của dự án. Vì những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, thi công, nghiệm thu, thanh toán... ngày khánh thành dự án phải lùi đến tận cuối năm 2021.

Cuoc hen 10 nam tau Cat Linh - Ha Dong anh 15

Năm 2008, Bộ GTVT và Tổng thầu Trung Quốc ký hợp đồng EPC dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Tháng 11/2011, dự án chính thức được khởi công với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD (8.770 tỷ đồng), trong đó vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD.

Nhà cửa bắt đầu bị giải tỏa, cây cối bị chặt hạ, giao thông ùn tắc dọc tuyến công trường. Người dân Hà Nội khi đó được hứa hẹn đến năm 2015 sẽ thụ hưởng tuyến đường sắt đô thị hiện đại không kém gì Nhật Bản hay các nước Âu - Mỹ.

Cuoc hen 10 nam tau Cat Linh - Ha Dong anh 20

Khu vực nhà ga Cát Linh những ngày giải phóng mặt bằng.

Đối với người dân Hà Nội, những sự cố về an toàn suốt quá trình thi công cầu cạn và nhà ga của tuyến đường sắt vẫn để lại nỗi ám ảnh.

Sự cố tang thương nhất xảy ra ngày 6/11/2014. Khi đó, một bó thép lớn đang được cẩu lên cao để thi công cầu cạn thì cáp bị đứt. Thép rơi trúng 3 xe máy của người đi đường, khiến một người tử vong.

Chỉ hơn một tháng sau, một chiếc taxi chở 4 người di chuyển qua đường Trần Phú bên dưới công trường dự án Cát Linh - Hà Đông thì giàn giáo phía trên bất ngờ sập xuống. Một thanh thép lớn đè móp mui xe, cửa xe bị hàng chục khối bê tông tươi quây kín. 4 người trên xe may mắn thoát nạn.

Trong các năm 2015, 2016 và 2017, công trường vẫn xảy ra các sự cố như sắt thép rơi xuống đường, công nhân sảy chân tử vong...

Sau 10 năm thi công, trải qua 3 nhiệm kỳ bộ trưởng GTVT, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 8.770 tỷ đồng bị đội lên thành 18.001,6 tỷ đồng (tăng 9.231,6 tỷ đồng). Từ một công trình vận tải vì lợi ích dân sinh, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên trở thành nỗi thất vọng của cả thành phố.

Bước sang năm 2020, dự án có nhiều chuyển biến báo hiệu thời điểm về đích. Song song với việc chạy thử, Hanoi Metro đã tiến hành nhiều cuộc diễn tập hiện trường để kiểm chứng mức độ an toàn của dự án.

Ngày 12/12/2020, dự án chính thức vận hành thử tích hợp 20 ngày để làm căn cứ nghiệm thu, bàn giao. Khi đó, Bộ trưởng GTVT cam kết sẽ cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tuy nhiên, cam kết của tư lệnh ngành vẫn không thể trở thành hiện thực.

Hai bước ngoặt lớn nhất của dự án đến vào năm 2021. Ngày 29/4, Tư vấn ACT chính thức cấp chứng nhận an toàn cho dự án. Cuối tháng 10, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước phê duyệt kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư. Từ thời điểm đó, dự án đủ điều kiện bàn giao và vận hành thương mại.

Cuoc hen 10 nam tau Cat Linh - Ha Dong anh 29

Kỳ vọng mạng lưới metro

7h30 ngày 6/11, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông và Phó chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn ký biên bản bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Sự kiện đánh dấu hồi kết cho 10 năm mòn mỏi chờ đợi của người dân Hà Nội.

Ngay sau lễ bàn giao, Hanoi Metro ghi nhận lượng lớn người dân đến trải nghiệm tuyến tàu điện đầu tiên. Nhiều người bày tỏ hài lòng với loại hình phương tiện văn minh, hiện đại và tiết kiệm thời gian.

Cuoc hen 10 nam tau Cat Linh - Ha Dong anh 30

Thứ trưởng Đông nhấn mạnh đây là dự án đường sắt thí điểm đầu tiên của thủ đô được đưa vào khai thác, là tuyến vận tải khối lượng lớn, vận chuyển đúng giờ, sẽ giải quyết ùn tắc phía tây của Hà Nội.

TP Hà Nội tiếp nhận một công trình hiện đại và đồng thời tiếp nhận luôn trách nhiệm nặng nề khi phải trả khoản nợ 99 triệu USD vốn vay ODA để thực hiện dự án. Lãnh đạo Hanoi Metro cho biết từ thời điểm bàn giao, mọi chi phí vận hành dự án thuộc trách nhiệm chi trả của thành phố.

Trong cuộc họp báo trước ngày bàn giao, vận hành dự án, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã bật cười khi một phóng viên đặt câu hỏi "dự án vận hành với mức trợ giá vé như vậy thì đến khi nào hoàn đủ vốn". Ông Đông trả lời thẳng thắn: "Không bao giờ".

Cuoc hen 10 nam tau Cat Linh - Ha Dong anh 33

Theo nhận thức chung của nhiều chuyên gia, hệ thống đường sắt đô thị luôn có mức đầu tư quá lớn để có thể thu hồi vốn bằng tiền bán vé tàu. Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường khẳng định trên thế giới chỉ có Nhật Bản và Hong Kong là hai nơi mà tiền bán vé metro có thể bù được chi phí vận hành.

Với một loại hình vận tải mà Nhà nước đã xác định rõ trách nhiệm bù lỗ khi vận hành, mong mỏi lớn nhất của chính quyền TP là người dân sử dụng tàu điện với tần suất cao, góp phần giảm lượng phương tiện cá nhân như xe máy, ôtô con thường gây ùn tắc.

Tuy nhiên, dự án đường sắt đô thị đầu tiên được khai trương cũng phải đối mặt khó khăn do tính đơn tuyến, thiếu khả năng kết nối do các tuyến metro khác chưa hoàn thành.

Trả lời câu hỏi của Zing về việc Hà Nội sẽ khuyến khích người dân đi tàu điện thế nào khi cả thành phố chỉ có một tuyến, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết trước mắt tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ phải dựa vào hệ thống xe buýt để kết nối đến cửa nhà người dân. Đến cuối năm 2022, đoạn trên cao của metro Nhổn - Ga Hà Nội sẽ được khai thác, kỳ vọng tăng tính kết nối cho mạng đường sắt đô thị.

Ban quản lý đã chọn khai trương tuyến tàu vào ngày cuối tuần, với ưu đãi miễn phí vé cho tất cả người dân trong 15 ngày liên tiếp. Vì lẽ đó, hầu hết hành khách cho biết họ "đi trải nghiệm", "đi cho biết" chứ chưa thực sự nghĩ đến việc từ bỏ chiếc xe máy hay ôtô cá nhân để chuyển sang đi tàu điện.

Nhiều ý kiến cho rằng cách người dân Hà Nội đón nhận dự án sẽ được thể hiện rõ ràng hơn sau khi kết thúc 15 ngày đi tàu miễn phí.

Việt Linh - Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm