Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc hành trình 30 năm từ Bến cảng Nhà Rồng

109 năm trước, chiếc tàu buôn Pháp mang tên Amiral Latouche Tréville rời Sài Gòn, đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành bước vào một cuộc hành trình kéo dài 30 năm.

Ngày 05/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, Thương cảng Sài Gòn - cửa ngõ giao thương xứ Nam kỳ, vùng đất thuộc Pháp sầm uất bậc nhất Đông Dương, chàng thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, “Tây du” trên chiếc tàu buôn Pháp mang tên Amiral Latouche Tréville của Hãng Vận tải hợp nhất, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm đường cứu nước.

Hanh trinh cuu nuoc anh 1

Bến Nhà rồng trong quá trình xây dựng. Photograph by John Thomson,1867.

Nguồn: Wellcome Library.

Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ

Nói về mục đích của chuyến đi lịch sử này, trong bài phỏng vấn với nhà báo Nga Ôxíp Manđenxtam vào năm 1923, với tư cách là một người dân An Nam đang tìm đường, mở lối đi cho dân tộc, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc nói:

“Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thưở ấy, tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu sau những chữ ấy… Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”. (Báo Ogoniok, số 39, ngày 23/12/1923. Bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Cũng nói về mục đích chuyến đi, trong lần trò chuyện với nhà báo Mỹ Anna Louise Strong vào năm 1965, trên cương vị là người đứng đầu một nước, Nguyễn Tất Thành - khi này là Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết:

Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. (Báo Nhân dân, ngày 18/5/1965).

Hanh trinh cuu nuoc anh 2

Tàu L’Admiral Latouche Trévill, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước. Nguồn: hochiminh.vn.

Trở lại sự kiện người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, dựa vào các nguồn tư liệu, tài liệu lưu trữ sưu tầm trong và ngoài nước, sách Nghiên cứu, xác minh tư liệu và địa chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và hoạt động ở nước ngoài từ năm 1911 - 1941 đã xác định:

Tháng 02/1911, Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Người ở tạm tại trụ sở các chi nhánh của Liên Thành công ty đặt tại Sài Gòn như nhà số 3, đường Tổng đốc Phương (nay là số 5 Châu Văn Liêm); số nhà 128, Khánh Hội.

Ngày 03/6/1911, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba, xin làm phụ bếp trên chiếc tàu buôn Pháp mang tên Amiral Latouche Tréville, một tàu lớn vừa chở hàng vừa chở khách của hãng Năm Sao đang chuẩn bị rời Thương cảng Sài Gòn đi Marseille (Pháp).

Ngày 05/6/1911, từ Bến Cảng Nhà Rồng, Sài Gòn, tàu buôn Pháp mang tên Amiral Latouche Tréville nhổ neo đậu đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành bước vào một cuộc hành trình lịch sử kéo dài 30 năm.

Nơi xuất phát hành trình 30 năm

Nói về việc này, trong bài Một vài suy nghĩ về nơi Nguyễn Tất Thành đã học nghề ở Sài Gòn năm 1911 trước khi ra đi tìm đường cứu nước (sách Nghiên cứu, xác minh tư liệu và địa chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và hoạt động ở nước ngoài từ năm 1911 - 1941) tác giả Nguyễn Thị Hoa Xinh cho rằng:

Sài Gòn, thủ phủ Nam kỳ, nơi Nguyễn Tất Thành dừng chân ngắn nhất, nhưng lại có vai trò quyết định đối với sự lựa chọn con đường cứu nước của Người.

Sài Gòn là mảnh đất dễ tìm kiếm công ăn việc hơn các vùng khác và cũng dễ kiếm manh mối xuất dương, nên Nguyễn Tất Thành đã xin được việc để làm ở tàu Pháp.

Hanh trinh cuu nuoc anh 3

Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp trên con tàu Amiral Latouche Tréville, đưa Người ra đi tìm đường cứu nước năm 1911. Ảnh tư liệu.

Ý kiến trên của tác giả Nguyễn Thị Hoa Xinh hoàn toàn có cơ sở, vì lẽ Nam kỳ lục tỉnh lúc này được thực dân Pháp đặt dưới chế độ trực trị, nghĩa là thực dân Pháp xác định chế độ cai trị ở Lục tỉnh như một hạt hải ngoại của nước Pháp, không chịu ảnh hưởng cai trị về mặt hành chính của triều đình phong kiến nhà Nguyễn.

Là xứ trực trị nên quy chế hành chính của nước Cộng hòa Pháp phải được áp dụng ở đây. Điều này có nghĩa là xứ Nam kỳ có được một số “đặc quyền” nào đó.

Cụ thể, theo người Pháp, vùng này công dân được hưởng quyền tự do, dân chủ cao hơn. Ví dụ như người bản xứ có điều kiện sẽ vào “làng Tây”; cơ sở hạ tầng cho một nền kinh tế, văn hóa, xã hội hiện đại ở vùng này sẽ được xây dựng ưu tiên, tốt hơn, nhiều hơn và nhanh hơn các địa bàn khác; văn hóa, văn minh “chính quốc” cũng có nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến vùng trực trị…

Theo sách Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ. NXB Văn học, 2008, tác giả Nguyễn Thế Anh cho biết cùng với các chính sách “ưu tiên” như trên về chính trị, người Pháp cũng thi hành những chính sách khai thác kinh tế ở vùng Nam kỳ một cách có lợi nhất cho chính quốc.

Hanh trinh cuu nuoc anh 4

Sổ lương thủy thủ Amiral Latouche Tréville (Bản chụp). Nguồn: archives.gov.vn.


Thực dân Pháp coi Sài Gòn lúc bấy giờ là cửa ngõ giao thương quan trọng bậc nhất của Pháp ở Viễn Đông nên sớm được quan tâm đầu tư. Sài Gòn được mở cho sự thông thương từ năm 1860, khi quân Pháp chiếm Nam kỳ.

Thương cảng Sài Gòn có thể tiếp nhận cùng một lúc 40 chiếc tàu trọng tải nặng. Và ở đây, có nhiều công ty tàu biển lớn chạy đường Pháp - Đông Dương, nên rất thuận lợi cho việc sang Pháp...

Mặt khác, ở Sài Gòn cũng dễ đi lại hơn các vùng khác, nên người thanh niên Nguyễn Tất Thành dễ dàng thâm nhập vào thực tế của cuộc sống. Người vào các khu phố chợ, làm quen với giới thợ thuyền, tiếp cận với những người đã từng tham gia phong trào Đông Du, Duy Tân và thấy ngay giữa Sài Gòn đồ sộ, sầm uất... vẫn có những bất công giữa hai cảnh sống của thực dân Pháp và người lao động.

Và chính điều này đã tiếp thêm động cơ và ý chí ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Ảnh tư liệu về Sài Gòn - Gia Định thế kỷ 19

Những hình ảnh tư liệu cho thấy Sài Gòn - Gia Định chuyển mình từ thành thị phong kiến trở thành đô thị trong thế kỷ 19.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm