Bên kia đầu dây của cuộc gọi hôm 9/3 là Tổng thống Joe Biden. Ông muốn “phó tướng” của mình nắm được thông tin về cách Nhà Trắng đang cố giải quyết một vấn đề mà Phó tổng thống Kamala Harris sẽ phải đối mặt tại Ba Lan, CNN dẫn lời một quan chức cấp cao.
Vấn đề ấy liên quan tới bất đồng giữa Mỹ và Ba Lan về cách chi viện tiêm kích cho Ukraine. Chính phủ Ba Lan trước đó bất ngờ đề nghị Mỹ làm trung gian chuyển tiêm kích cho Ukraine, nhưng ý tưởng này lập tức bị Lầu Năm Góc gạt đi ngay trước chuyến công du của bà Harris.
Thông thường, chuyện này sẽ được lãnh đạo hai nước điện đàm trao đổi qua để làm rõ khúc mắc. Nhưng khi ấy, Nhà Trắng vẫn còn đang suy tính cách phản ứng tốt nhất trong lúc bà Harris đang bay qua biển Đại Tây Dương để gặp thủ tướng và tổng thống Ba Lan.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và Tổng thống Ba Lan Andrzej. Ảnh: Reuters. |
Tiêm kích "phủ bóng" chuyến đi
Từ trước, quan chức Ba Lan đã thầm cảm thấy khó chịu vì họ có thể bị cho là phía trì hoãn chuyển giao tiêm kích cho Ukraine, đặc biệt là sau khi Ngoại trưởng Blinken xuất hiện trên truyền hình hôm 6/3 để “bật đèn xanh” cho việc Warsaw giao máy bay.
Theo CNN, phát biểu của ông Blinken khiến một số người cảm giác Mỹ đang đẩy trách nhiệm cho một nước nằm trọn trong tầm công kích của Moscow, trong khi hành động giao máy bay cho Ukraine có thể bị coi là sự leo thang xung đột.
Trong hoàn cảnh ấy, bà Harris và ông Duda khó có thể không đề cập đến vấn đề giao máy bay cho Ukraine trong lúc hội đàm.
Thời điểm tổng thống Biden gọi cho phó tướng cũng chính là lúc Nhà Trắng quyết định đặt dấu chấm hết cho khả năng Mỹ giao tiêm kích Ba Lan cho Ukraine.
Việc ông Biden thông báo trước đã phần nào giúp giảm sự khó xử cho bà Harris khi bà đến Điện Belvedere ở Warsaw để hội đàm với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.
Sau câu chào, bà Harris và ông Duda bắt tay hơn một phút rồi có cuộc trao đổi riêng trước khi phái đoàn hai bên tham gia.
Một tiêm kích của Ba Lan. Ảnh: Shutterstock. |
Theo quan chức Mỹ và Ba Lan, các cuộc trao đổi giữa hai bên về chuyện giao tiêm kích tập trung chủ yếu vào những vấn đề logistics và tình báo đang ngăn cản việc chuyển giao, thay vì vào việc Ba Lan bất ngờ đề nghị Mỹ đứng ra làm trung gian.
Khi xuất hiện tại buổi họp báo chung, bà Harris phần lớn tránh né vấn đề. “Tôi muốn nói rõ rằng Mỹ và Ba Lan đoàn kết trong những gì chúng tôi đã và sẵn sàng thực hiện để giúp đỡ người Ukraine”, bà nói.
Trong khi đó, ông Duda có vẻ muốn giải thích cách suy nghĩ của mình về việc giao máy bay.
“Những yêu cầu đó do phía Ukraine gửi cho chúng tôi và ở một chừng mực nào đó là do cả phía truyền thông”, ông Duda nói thông qua phiên dịch viên. “Chúng tôi đã hành động đúng với tư cách thành viên đáng tin cậy của NATO: Một thành viên không muốn để NATO phải rơi vào bất cứ tình thế nan giải nào”.
Tới cuối cùng, bà Harris và ông Duda đã có thể chuyển hướng tập trung vào những gì mà hai nước sẵn sàng thực hiện, thay vì sa lầy vào vấn đề mà cả hai bên có vẻ đều không mấy mặn mà.
Một vụ nổ hôm 11/3 do xe tăng Nga bắn vào tòa nhà chung cư tại Mariupol, Ukraine. Ảnh: AP. |
Vẫn còn câu hỏi
Trong lúc giao tranh tại Ukraine ngày càng ác liệt, bà Harris đã trở thành gương mặt đại diện hàng đầu của ông Biden tại châu Âu. Chuyến công du tới Ba Lan là lần thứ 3 bà tới lục địa này trong 4 tháng.
Như đa số sự kiện khác, chuyến đi của bà Harris được lên kịch bản kỹ càng. Trước khi chuyên cơ cất cánh, phó tổng thống cũng đã được ông Blinken báo cáo về chuyến đi của ông tới khu vực vào tuần trước, đồng thời đã tham vấn với chuyên gia về Ba Lan.
Ngoài một sự cố nhỏ trong cuộc hội thảo chung với tổng thống Ba Lan, không có điều gì khiến bà phải chịu chỉ trích mạnh mẽ. Đây là điều hiếm thấy vì phó tổng thống - người mới bước chân vào công tác đối ngoại - là mục tiêu phê phán “yêu thích” của đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, chiến thắng ngoại giao này vẫn để lại các câu hỏi về cách thức xung đột hiện tại sẽ kết thúc ra sao.
Ngoài ra, CNN cho rằng bà Harris rõ ràng còn gặp hạn chế trong việc trấn an châu Âu trong thời khắc khủng hoảng này. Khi một phóng viên người Romania hỏi liệu nước mình có phải mục tiêu tấn công tiếp theo hay không, bà Harris chỉ có thể nói mình không biết.
“Tôi không thể phỏng đoán về các hành động tương lai của ông Putin”, bà nói.