"Chính quyền Ba Lan sẵn sàng triển khai, ngay lập tức và miễn phí, tất cả máy bay chiến đấu MiG-29 đến căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở Đức", và trao toàn quyền sử dụng cho Washington, Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết hôm 8/3.
Đây là bước đệm để số tiêm kích này được triển khai đến Ukraine theo lời kêu gọi của Tổng thống Volodymyr Zelensky với phương Tây trước đó.
Tuy nhiên, Mỹ ngay lập tức phản đối kế hoạch này. “Chúng tôi không nghĩ rằng đề xuất của Ba Lan có thể thực hiện được. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn Ba Lan và các đồng minh NATO khác về vấn đề này”, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, theo Reuters.
Dù luôn thể hiện quan điểm ủng hộ đồng minh, Mỹ và Ba Lan dường như đều muốn lảng tránh rủi ro khi viện trợ cho Không quân Ukraine.
Máy bay chiến đấu MiG-29 do Liên Xô sản xuất được điều khiển bởi Không quân Ba Lan trong triển lãm hàng không ở Radom, Ba Lan, vào ngày 27/8/2011. Ảnh: AP. |
Vì sao Ba Lan không thể trực tiếp chuyển giao máy bay cho Ukraine?
Ba Lan là quốc gia láng giềng, ủng hộ Ukraine cả về mặt chính trị, sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền. Quốc gia này cũng mở cửa biên giới cho những người tị nạn Ukraine khi xung đột nổ ra.
Tuy nhiên, việc chuyển giao máy bay chiến đấu là một quyết định quan trọng và đầy thách thức đối với Warsaw.
Bộ Quốc phòng Nga không đề cập trực tiếp đến việc cung cấp máy bay chiến đấu, nhưng cảnh báo rằng bất kỳ quốc gia nào tiếp nhận tiêm kích được sử dụng để chống lại Nga sẽ bị coi là quyết định tham chiến.
Ba Lan có chung biên giới với Nga và có đường biên giới dài với Belarus - đồng minh thân cận của Nga. Mối quan hệ giữa Warsaw và Moscow ở mức thấp kể từ khi chính phủ cánh hữu lên nắm quyền ở Ba Lan vào năm 2015.
Khi Ba Lan quyết định chuyển giao quyền sử dụng toàn bộ máy bay MiG-29 cho Mỹ, và nếu chúng được giao cho các phi công Ukraine sau đó, thì số tiêm kích này sẽ cất cánh từ một căn cứ không quân ở Đức và dưới danh nghĩa tài sản của Mỹ. Điều này có thể giúp Warsaw tránh được những đòn trả đũa trực tiếp của Moscow.
Vì sao Ba Lan chọn căn cứ không quân Ramstein?
Trong bối cảnh các đợt pháo kích đang tàn phá nhiều thành phố ở Ukraine, rất khó để xây dựng các địa điểm tiếp nhận và bảo dưỡng máy bay chiến đấu một cách an toàn trên lãnh thổ nước này.
Trong khi đó, Ramstein là một căn cứ không quân của Mỹ và NATO ở Đức. Việc triển khai máy bay đến một cường quốc và thành viên NATO sẽ là cách đảm bảo tốt hơn với số tiêm kích này.
Các binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang Ukraine cũng từng làm việc với nhiều đơn vị Không quân Mỹ ở căn cứ Ramstein. Tại đây, các binh sĩ Ukraine được hỗ trợ tăng cường khả năng kiểm soát không lưu và nhiều kỹ năng khác, theo Ramstein Air Base.
Vì sao Mỹ từ chối kế hoạch của Ba Lan?
Ngay sau thông báo của Bộ Ngoại giao Ba Lan, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố việc triển khai MiG-29 từ căn cứ không quân Ramstein sẽ dấy lên lo ngại nghiêm trọng đối với toàn bộ liên minh NATO.
"Việc Mỹ điều động máy bay chiến đấu từ căn cứ của Mỹ hoặc NATO ở Đức để bay vào không phận đang tranh chấp giữa Nga và Ukraine sẽ dấy lên lo ngại nghiêm trọng đối với các đồng minh NATO”, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby tối 8/3 cho biết.
Nếu tiêm kích Ba Lan đến Ukraine từ một căn cứ NATO và dưới danh nghĩa tài sản của Mỹ, động thái này có thể bị coi là quyết định tham chiến của liên minh.
Trong khi đó, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, NATO luôn khẳng định không muốn xung đột trực tiếp với Moscow. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng loại trừ việc cử lính Mỹ tới Ukraine để chiến đấu, bao gồm cả binh sĩ trên bộ và trên không.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ đặc trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland nói rằng Mỹ không được thông báo trước về quyết định của Ba Lan, và gọi đây là “một động thái bất ngờ”.
“Theo hiểu biết của tôi, việc họ dự định giao những chiếc máy bay này cho (Mỹ) đã không được tham vấn trước”, bà Nuland nói trong buổi điều trần với Quốc hội Mỹ hôm 8/3.
Bà Nuland cảnh báo các nhà lập pháp Mỹ - những người thúc giục việc triển khai máy bay chiến đấu đến Ukraine - rằng Washington đã mất cảnh giác. Bà cũng từ chối cam kết hỗ trợ hoặc tạo điều kiện cho việc chuyển giao, theo AFP.
Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nhấn mạnh lập trường của Washington: Quyết định chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine cuối cùng vẫn thuộc trách nhiệm của chính phủ Ba Lan.
Việc chuyển giao máy bay có thể thay đổi cuộc chiến?
Chính phủ Ukraine rất coi trọng việc chuyển giao máy bay chiến đấu, nhưng các quan chức và chuyên gia quân sự Mỹ hoài nghi về tầm quan trọng của những chiếc MiG-29, đặc biệt là khi lực lượng Nga có hệ thống tên lửa phòng không ưu việt.
"Chắc chắn máy bay chiến đấu có thể giúp ích, nhưng còn rất nhiều vũ khí khác có thể giúp làm suy giảm sức mạnh không quân của Nga và ngăn chặn phần lớn thương vong dân sự do pháo kích tầm xa", ông Michael Carpenter, Đại sứ Mỹ tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), nói với Guardian.
Trong khi đó, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết Nga đã mất khoảng 5% số xe tăng và các trang thiết bị quân sự khác mà nước này đưa vào Ukraine, nhưng vẫn còn "phần lớn" tên lửa đất đối không và pháo tầm ngắn.
Quan chức Mỹ cũng cho biết Lầu Năm Góc tin rằng Nga chuẩn bị tới 11 tàu đổ bộ ở Biển Đen cho các cuộc tấn công vào bờ biển Ukraine.