Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Canh bạc dầu mỏ nhiều năm gây dựng, sụp đổ trong vài ngày ở Nga

Dưới áp lực từ các lệnh trừng phạt của chính quyền phương Tây, nhiều tập đoàn dầu mỏ nhanh chóng rút khỏi các dự án ở Nga, dù đã mất hàng thập kỷ để xây dựng mối quan hệ hợp tác.

khung hoang Ukraine anh 1

Nhiều tập đoàn dầu mỏ đang rút khỏi các dự án ở Nga. Ảnh: Getty.

Các tập đoàn dầu mỏ phương Tây đã dành nhiều thập kỷ để khai thác sự giàu có từ nhiên liệu hóa thạch của Nga. Nhưng mối quan hệ hợp tác đó đã sụp đổ chỉ trong vài ngày sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, khiến những tập đoàn này đối mặt với nguy cơ mất hàng tỷ USD.

Ngay cả khi quân đội Nga tập trung ở biên giới Ukraine vào tháng trước, giám đốc điều hành của các tập đoàn dầu khí như BP, Shell và Exxon vẫn tin rằng họ có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng lần này, theo Wall Street Journal.

Nhưng trong vòng chưa đầy 60 giờ, tất cả đều thông báo sẽ rút khỏi các hoạt động ở Nga, dưới áp lực từ chính phủ Mỹ và Anh.

Đồng loạt rút lui

Tập đoàn dầu mỏ Shell ngày 8/3 cho biết tập đoàn sẽ ngừng mọi hoạt động mua dầu thô của Nga và sẽ đóng cửa các trạm dịch vụ, nhiên liệu hàng không tại đây.

Trước đó, Shell thông báo chấm dứt hoạt động liên doanh với Nga và rút khỏi dự án đường ống Nord Stream 2 đang bị Đức đình chỉ.

Hôm 1/3, Exxon tuyên bố đóng cửa một dự án dầu khí khổng lồ đang tiến hành trên đảo Sakhalin, ở vùng Viễn Đông nước Nga.

Trong khi đó, BP cho biết họ sẽ rút gần 20% cổ phần tại nhà sản xuất dầu khí Rosneft do chính phủ Nga kiểm soát.

khung hoang Ukraine anh 2

Hình ảnh đường ống Nord Stream 2. Ảnh: Wall Street Journal.

“Chúng tôi đã rút khỏi hoạt động kinh doanh ở Nga một cách hiệu quả”, Giám đốc BP John Sawers nói với Wall Street Journal vào tuần trước. Ông cho biết thêm cổ phần của BP ở Rosneft ước tính trị giá 14 tỷ USD vào năm 2021, hiện "gần bằng không".

Các tập đoàn này không nói rõ sẽ rút khỏi hoạt động kinh doanh ở Nga như thế nào và chịu thiệt hại bao nhiêu, vì bản thân họ cũng không thể tính toán con số chính xác.

Các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga ngày càng leo thang khiến việc tìm người mua lại tài sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thể, một nguồn tin thận cận với các tập đoàn này cho biết.

Việc các công ty rút khỏi nước xuất khẩu lớn thứ ba thế giới cũng khiến thị trường dầu khí toàn cầu thêm hỗn loạn, dù ​​giá đã tăng trên 120 USD/thùng.

Động thái này cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung trong tương lai. Chỉ riêng việc Exxon đóng cửa điểm khai thác dầu khí ở Sakhalin sẽ khiến thế giới mất gần 230.000 thùng/ngày.

Các công ty dầu mỏ phương Tây từng có mối quan hệ chặt chẽ với các quan chức hàng đầu của Nga. Giám đốc điều hành của những tập đoàn này đôi khi cũng đảm nhiệm một số chức vụ trong chính phủ Nga.

Chẳng hạn, CEO hiện tại của BP Bernard Looney từng là thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội Địa lý Nga. Cựu Giám đốc điều hành Exxon Rex Tillerson từng được Tổng thống Putin trao tặng huân chương hữu nghị vào năm 2013 để ghi nhận vai trò của ông trong lĩnh vực năng lượng.

Tuy nhiên, quyết định thoái vốn của các công ty dầu mỏ cho thấy vấn đề về pháp lý, chính trị và đạo đức có thể xoay chuyển tình hình một cách nhanh chóng.

"Sức ép chưa từng có"

Tập đoàn BP, trụ sở tại London, có mối liên hệ chặt chẽ nhất với Nga sau hơn ba thập kỷ hợp tác. Tuy nhiên, trong một cuộc gọi với CEO Looney, Ngoại trưởng Anh Kwasi Kwarteng đã nói rõ chính phủ không hài lòng với cổ phần của BP ở Rosneft.

Hai ngày sau, BP thông báo thoái vốn sau cuộc họp khẩn của hội đồng quản trị, cảnh báo có thể chịu thiệt hại lên tới 25 tỷ USD.

khung hoang Ukraine anh 3

Hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin và Giám đốc điều hành của Exxon Rex Tillerson tại St.Petersburg, Nga, vào năm 2013. Ảnh: Wall Street Journal.

“BP đã phải chịu sức ép chưa từng có từ cả cơ quan quản lý và các cổ đông”, Rosneft nói về hành động rút vốn của đối tác trên trang web công ty.

Động thái của BP cũng gây áp lực lên Shell. Tối 28/2, Shell thông báo rút khỏi các hoạt động liên doanh với tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga và chấm dứt việc tham gia vào Nord Stream 2 dù đã đầu tư khoảng 1,04 tỷ USD.

Shell vẫn duy trì một số quan hệ hợp tác với Nga. Hôm 4/3, tập đoàn này đã mua 100.000 tấn dầu thô Urals của Nga với giá rẻ, theo Financial Times.

Một ngày sau, dưới sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận, Shell cho biết sẽ tìm kiếm nguồn cung dầu thay thế nhưng không thể ngừng mua dầu của Nga chỉ trong một đêm, vì quốc gia này đóng góp một lượng lớn nguồn cung toàn cầu.

Nhà sản xuất dầu và khí đốt của Anh cũng cam kết lợi nhuận từ việc mua dầu lần này sẽ dùng để viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Tới ngày 8/3, tập đoàn này cuối cùng cũng tuyên bố sẽ ngừng mọi hoạt động mua dầu thô của Nga.

Trong khi những tập đoàn khác tuyên bố rút lui, Exxon ban đầu vẫn giữ im lặng. Công ty này đã theo dõi tình hình ở biên giới Ukraine trong nhiều tuần và đưa ra nhiều kịch bản ứng phó. Nhưng các giám đốc điều hành của Exxon đánh giá rằng rất khó xảy ra một cuộc tấn công toàn diện, một nguồn tin thân cận cho biết.

Tuy nhiên, sau khi BP thông báo rút khỏi Rosneft, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các giám đốc điều hành của Exxon rằng tình hình ở Ukraine đang xấu đi và sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Đáp lại nhận định trên, các giám đốc điều hành của Exxon nói rằng công ty đang tìm hiểu tất cả lựa chọn nhưng việc rút lui nhanh chóng là không thể, vì Exxon đã vận hành dự án và chịu trách nhiệm về các biện pháp an toàn và môi trường.

Việc thoái vốn ở Nga cũng là một thách thức. Các công ty muốn tránh nhường quyền kiểm soát trực tiếp cho đối tác Nga hoặc vô tình tạo lợi thế cho họ.

Trong khi đó, Điện Kremlin đã hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài bán tài sản, khiến các công ty phương Tây có thể phải giải quyết trước tòa án quốc tế. "Đây sẽ là một trận chiến (thương mại) kéo dài nhiều năm", cô Lucia Raimanova, người xử lý các tranh chấp thương mại quốc tế, cho biết.

'Rời khỏi Ukraine vì chiến tranh, tôi ngỡ điều đó chỉ có trong phim' Hoảng sợ, tiếc nuối vì rời khỏi Ukraine trong tình thế bắt buộc, nhiều người Việt Nam tá túc ở chùa Nhân Hòa (Warsaw) vẫn nghĩ những ngày vừa qua như "chỉ có ở trong phim".

Mỹ có chấp nhận thiệt hại để trừng phạt dầu khí Nga?

Tổng thống Biden đứng trước sức ép từ lưỡng viện đòi trừng phạt ngành năng lượng của Nga, nhưng biện pháp cứng rắn này tiềm ẩn rủi ro khiến nền kinh tế Mỹ chịu thiệt hại.

Ba kịch bản cho Ukraine những tuần tới

Nga tiếp tục tăng cường chiến dịch quân sự hoặc hai bên đàm phán hòa bình thành công là hai kịch bản - tồi tệ và lý tưởng - mà chuyên gia đưa ra cho tương lai xung đột ở Ukraine.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm