Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ lần đầu tiên gặp mặt trực tiếp vào ngày 25/4, tại thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra giữa lúc Bình Nhưỡng và Washington tạm hoãn đàm phán hạt nhân sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai mà không đạt được thỏa thuận mới.
Các chuyên gia không kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh tại Vladivostok tạo ra tác động lớn lên tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa. Washington vẫn kiên quyết giữ lập trường cứng rắn, không muốn nới lỏng cấm vận cho Bình Nhưỡng trước khi phi hạt nhân hóa toàn diện, theo Yonhap.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 25/4. Ảnh: Getty. |
"Nếu Washington vẫn yêu cầu thỏa thuận lớn với Triều Tiên, mâu thuẫn với lộ trình dỡ bỏ cấm vận một phần mà phía Bình Nhưỡng đề ra, cuộc gặp lần này không có nhiều hy vọng tạo ra tác động nào mới", Nam Chang Hee, chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Inha, đánh giá.
"Thỏa thuận lớn" của Washington là chỉ dỡ bỏ cấm vận trong trường hợp Bình Nhưỡng từ bỏ tất cả chương trình hạt nhân.
Tuy nhiên, ông Kim Jong Un vẫn còn nhiều lý do khác để mong chờ cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga.
Chuyên gia Hàn Quốc nhận định đây là cơ hội để ông Kim chứng tỏ với thế giới, và với cả Washington, rằng Triều Tiên đang đẩy mạnh ngoại giao với những nhà lãnh đạo khác của thế giới, bên cạnh Mỹ và Trung Quốc.
"Ông Kim biết cách tận dụng những lợi thế từ vị trí địa lý của đất nước và duy trì đòn bẩy ngoại giao cho mình, có thể gửi ông Trump thông điệp rằng việc tăng áp lực không phải là lựa chọn sáng suốt", Nam Chang Hee nhận định.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS. |
Chuyên gia chính trị quốc tế Park Won Gon, làm việc tại Đại học Quốc tế Handong, cũng đồng tình với quan điểm trên.
"Hội nghị thượng đỉnh có lẽ chỉ là động thái mang tính biểu tượng, khẳng định Bình Nhưỡng dưới sự lãnh đạo của ông Kim có khả năng đa dạng hóa chính sách đối ngoại, ngoài lựa chọn hướng đến Trung Quốc", ông Park cho biết.
Các chuyên gia dự đoán hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều Tiên lần này sẽ đạt được tuyên bố chung và thu hút sự quan tâm của Washington. Văn bản này nhiều khả năng chỉ tuyên bố các nguyên tắc trong mối quan hệ song phương, nhưng không loại trừ kịch bản Tổng thống Putin tuyên bố ủng hộ đề xuất của Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa theo giai đoạn.
"Nếu điều này xảy ra, mức độ và cách thức Nga đề cập trong tuyên bố chung sẽ là vấn đề đáng để xem xét. Đó cũng sẽ là thông điệp gửi đến ông Trump", Park Won Go nhận định.