Các đặc phái viên đã di chuyển từ Mỹ, châu Á đến châu Âu, tổ chức các cuộc đàm thoại từ Stockholm (Thụy Điển) đến San Francisco (Mỹ) để lên kế hoạch về thời gian, địa điểm và những nội dung chính của cuộc đối thoại lịch sử giữa đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang được các bên liên quan chuẩn bị gấp rút. Ảnh: Getty. |
Trong vài ngày qua, các đặc phái viên cũng đang dàn xếp việc thả 3 tù nhân Mỹ tại Triều Tiên, tạo cơ hội cho cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra trong không khí thoải mái.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã gợi ý về cuộc gặp mặt 3 bên giữa Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ. Tháng 4 tới, ông Moon và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cũng sẽ có cuộc gặp gỡ thượng đỉnh để đàm phán về vấn đề hòa bình và giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Theo CNN, cuộc gặp gỡ này là bước khởi động cho cuộc hội đàm cấp cao giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và đương kim tổng thống Mỹ vào tháng 5.
Ngoài ra, rất nhiều hoạt động khác cũng đang được các nhà ngoại giao gấp rút tiến hành để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ.
Ai đã ở đâu?
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho đã đến Thụy Điển hội đàm với người đồng cấp Margot Wallstrom, lý do được cho là để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump.
Đây là cũng động thái ngoại giao đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ khi ông Trump tuyên bố sẽ gặp ông Kim Jong Un hơn một tuần trước.
Trong diễn biến liên quan, các nhân viên ngoại giao từ Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ đã có hội đàm tại Phần Lan để thảo luận về vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Theo thông tin từ cơ quan chính phủ Hàn Quốc và Phần Lan, mỗi bên liên quan đã cử 6 đại biểu, bao gồm nhiều nhân viên của chính phủ và một số chuyên gia.
Đại diện phía Triều Tiên, Vụ phó phụ trách quan hệ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Choi Kang Il đã gặp gỡ một số cựu quan chức ngoại giao Mỹ cùng một số chuyên gia an ninh từ Seoul, trong đó có cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Kathleen Stephen.
Ông Choi Kang Il, vụ phó phụ trách quan hệ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã đến Phần Lan để thương thảo cho cuộc gặp gỡ. Ảnh: Reuters. |
Đồng thời vào cuối tuần qua, cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong đã gặp gỡ hai người đồng cấp là ông H.R. McMaster (Mỹ) và ông Shotaro Yachi (Nhật) tại thành phố San Francisco (Mỹ) để thảo luận về cuộc gặp gỡ lịch sử giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Cả ba tuyên bố sẽ "không lặp lại những sai lầm từ quá khứ và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau trong vài tuần tới", CNN trích dẫn tài liệu được chính phủ Hàn Quốc công bố.
Trước đó, các đặc phái viên Hàn Quốc đã đến Bắc Kinh, Tokyo và Moscow để dập tắt những nỗi lo lắng hướng về cuộc đàm thoại lịch sử.
Ngoài ra, trong khi tham dự Hội đồng Ngoại giao không chính thức của Liên minh châu Âu tại thủ đô Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cũng đã gặp Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg vào ngày 19/3.
Cả hai đã thảo luận về tiến trình đàm phán hòa bình và giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Cần giải quyết gì trước thượng đỉnh?
Trước thềm cuộc gặp gỡ thượng đỉnh, số phận của 3 công dân Mỹ Kim Sang Duk, Kim Hak-Song và Kim Dong Chul hiện bị giam giữ tại Triều Tiên là một vấn đề then chốt.
Theo ông Adam Mount, chuyên viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Mỹ (CAP), thay vì ngay lập tức nhận lời mời của Triều Tiên, Mỹ nên yêu cầu thả 3 tù nhân này như một tiền đề cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh.
Ông Mount cũng cho rằng có biểu hiện cho thấy Triều Tiên nghiêm túc với lời đề nghị gặp mặt, và có thể sẽ đồng ý thỏa thuận về vấn đề phóng thích các tù nhân.
Ông Kim Hak-Song và Kim Sang Duk bị giam giữ từ năm 2017 vì tội "có hành động chống phá". Ông Kim Dong Chul bị bắt từ năm 2015 và bị kết án 10 năm từ vì tội "hoạt động gián điệp".
Ông Kim Hak Song, Kim Dong Chul, Kim Sang Duk (theo thứ tự từ trái sang) đang bị giam giữ tại Triều Tiên. Ảnh: CNN. |
Nguồn tin của CNN cho biết Thụy Điển đang giúp sức thương thảo để giải thoát cho 3 tù nhân trên.
Ngược lại, một số vấn đề mà Mỹ và các đồng minh có thể nhượng bộ đó là điều chỉnh quy mô và cấu tạo các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Ngày 19/3 và 20/3, cuộc Đối thoại Quốc phòng Hỗn hợp Hàn Quốc - Mỹ (KIDD) lần thứ 13 đã được tổ chức tại thủ đô Washington (Mỹ). Cuộc họp với mục đích thảo luận về hợp tác quân sự giữa hai nước có thể sẽ ảnh hưởng đến buổi nói chuyện giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.
Vì sao Triều Tiên im lặng về vấn đề hạt nhân?
Ngày 21/3, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên phát đi thông báo đầu tiên về cuộc gặp gỡ lịch sử giữa nhà lãnh đạo tối cao của nước này và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo đó, Bình Nhưỡng chỉ trích các chuyên gia "bảo thủ" đã nghi ngờ động cơ đề nghị gặp gỡ của ông Kim Jong Un. KCNA khẳng định lời mời thể hiện "sự tự tin" và "tình yêu hòa bình" của Triều Tiên không phải "là kết quả của các lệnh trừng phạt từ phương Tây".
Tuy nhiên, tờ KCNA không đề cập trực tiếp về một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh. Chính quyền của ông Kim Jong Un cũng chưa đưa ra thông báo chính thức nào về việc giải trừ kho vũ khí hạt nhân cũng như ngừng thử nghiệm các loại tên lửa.
Trong khi đó, Washington vẫn quan sát kỹ các động thái của Triều Tiên đối với cuộc diễn tập quân sự chung thường niên giữa Hàn Quốc và Mỹ.
Khi nào quyết định thời gian và địa điểm gặp gỡ?
Tổng thống Trump đã nói cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra trước tháng 5, tuy nhiên cho đến nay hai nước vẫn chưa cùng nhau bàn bạc một cách chính thức mà chỉ thông qua các nước trung gian.
Theo chuyên gia Adam Mount, nhiều người đang mong chờ một cuộc họp chính thức giữa các cơ quan của Mỹ và Triều Tiên nhằm thống nhất các chi tiết trước thềm cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui Yong (giữa) thông báo về chuyến thăm của ông Trump hôm 8/3. Ảnh: New York Times. |
"Tôi nghĩ các bên cần phải gấp rút hơn và không nên quá phụ thuộc vào các nước trung gian như Hàn Quốc. Mỹ nên nhớ rằng cần phải giải thoát được 3 tù nhân đang bị giam giữ tại Triều Tiên trước khi cuộc gặp gỡ thượng đỉnh diễn ra, vì vậy không nhất thiết phải tổ chức sự kiện quan trọng này trước tháng 5", CNN dẫn lời ông Mount.
Theo vị chuyên gia, hai bên nên ưu tiên đáp ứng các điều kiện để cuộc gặp gỡ diễn ra suôn sẻ hơn là cố gắng gấp rút chạy theo thời hạn tháng 5 mà ông Trump đã đề ra.
Phần Lan và Thụy Điển có vai trò?
Mỹ không có bất cứ nhà ngoại giao nào ở Triều Tiên, còn Thụy Điển thì từng tạo điều kiện cho các hoạt động ngoại giao giữa hai đối thủ.
"Thụy Điển từ lâu đã thiết lập sự hiện diện của mình tại Triều Tiên, và từ những năm 1990, đất nước này đã giúp Mỹ đạt được những thỏa thuận với Bình Nhưỡng. Sự can thiệp của họ là một truyền thống", CNN dẫn lời ông Jim Hoare, cựu đại diện lâm thời của Anh tại Bình Nhưỡng.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết thủ đô Stockholm sẵn sàng chào đón sự hiện diện của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh.
"Chúng tôi muốn giúp đỡ. Nếu có thể tổ chức sự kiện này thì đó là điều mà Thụy Điển nên làm", ông Lofven phát biểu.
Tương tự, việc Phần Lan tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các nhà ngoại giao Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ cho thấy đất nước này đang theo đuổi vai trò dẫn dắt của người hàng xóm Bắc Âu.
Ngoài Thụy Điển, một số địa điểm có thể được chọn để tổ chức cuộc gặp gỡ là Thụy Sĩ, quốc gia trung lập nơi ông Kim Jong Un từng đi du học; làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở biên giới liên Triều; và Trung Quốc, nơi đặt quan hệ ngoại giao với cả hai nước Mỹ và Triều Tiên. Thậm chí thủ đô Hà Nội cũng là một địa điểm có thể được xem xét.