Vào khoảng giờ ăn trưa ngày 3/6, một giám sát viên an ninh quốc gia cấp cao của Bộ Tư pháp Mỹ và 3 đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đến nhà của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Mar-a-Lago, bang Florida để bàn bạc về những thùng chứa hồ sơ chính phủ. Những hồ sơ này khi ấy đang nằm trong kho lưu trữ dưới tầng hầm cùng với những bộ quần áo, giày đánh golf.
Vài hôm sau, FBI gửi thư yêu cầu lắp một chiếc khóa chắc chắn hơn ở cửa phòng kho lưu trữ. Phần ký tên của bức thư đề: “Xin cảm ơn. Kính thư, Jay Bratt, trưởng phòng phản gián và bộ phận kiểm soát xuất khẩu”, theo Wall Street Journal.
Tuy nhiên, trong những tuần tiếp theo, một vài nguồn tin nói với những nhà điều tra rằng vẫn còn nhiều tài liệu mật được lưu trữ tại nơi ở của ông Trump sau khi Cơ quan Lưu trữ Quốc gia thu hồi 15 thùng hồ sơ vào đầu năm nay.
Các quan chức Bộ Tư pháp sau đó cũng nghi ngờ về tính trung thực của những người thân cận với ông Trump về việc các tài liệu được cất giữ tại tư dinh của ông.
Hai tháng sau, hàng chục đặc vụ FBI quay trở lại Mar-a-Lago với lệnh khám xét. Sau vài giờ kiểm tra tư dinh của ông Trump, các đặc vụ mang ra nhiều thùng đựng bằng chứng và chở đi trên chiếc xe tải Ryder.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là từng gặp và trò chuyện thân mật với quan chức Bộ Tư pháp về các tài liệu mật hồi tháng 6. Ảnh: AFP. |
Cuộc gặp thân mật
Có nhiều yếu tố xảy ra xung quanh những sự kiện này: Một buổi thăm hỏi thân mật, một cuộc khám xét bất ngờ. Và điểm chung của những sự kiện này là sự chưa rõ ràng.
Đồng thời, những sự kiện này cho thấy các bước đi mới của Bộ Tư pháp trong quá trình điều tra cựu Tổng thống Trump, khởi đầu là cuộc điều tra về vụ bạo loạn ở đồi Capitol hôm 6/1/2021. Hơn hết, tất cả việc này gây nên sự phẫn nộ cho các đảng viên đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump trong cuộc đua tái tranh cử chức tổng thống Mỹ.
Ông Trump và các luật sư cho rằng họ đã hợp tác hàng tháng trời với chính phủ để có thể giữ những tài liệu ông mang về từ Nhà Trắng.
Cựu tổng thống cũng phẫn nộ với cuộc khám xét không báo trước tại dinh thự của ông ở Mar-a-Lago hôm 8/8. Trong suốt các sự kiện xảy ra, ông Trump và các cộng sự cho rằng họ có thể hiện thiện chí hợp tác, bằng chứng là việc họ nhanh chóng lắp ổ khóa mới tại cửa phòng kho lưu trữ theo yêu cầu của Bộ Tư pháp và FBI hồi tháng 6.
Một số nguồn tin cho biết cuộc khám xét hôm 8/8 diễn ra sau vài tuần thảo luận nội bộ giữa Bộ Tư pháp và FBI.
Cuộc tranh cãi bắt đầu khi cựu Tổng thống Trump rời nhiệm sở. Khi đó, Cục Quản lý Hồ sơ và Văn khố Quốc gia Mỹ liên hệ với các cộng sự của ông Trump để hỏi xem những hồ sơ bị thất lạc là gì. Tất cả tài liệu chính thức được yêu cầu phải nộp lại theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống.
Hồi tháng 1, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ thu hồi 15 thùng tài liệu và các vật phẩm khác từ tư dinh của ông Trump tại Mar-a-Lago.
Các thùng chứa tài liệu được các quan chức của cơ quan lưu trữ mô tả là “tài liệu tuyệt mật về an ninh quốc gia”. Đây cũng là nguyên nhân họ chuyển những tài liệu này đến Bộ Tư pháp để điều tra.
Các trợ lý của ông Trump cho biết họ đã hợp tác với Bộ để giải quyết vấn đề. Cựu tổng thống thậm chí còn xuất hiện trong cuộc gặp ngày 3/6 tại Mar-a-Lago và bắt tay với các quan chức. “Tôi rất cảm kích công việc mà quý vị đang làm”, ông nói tại cuộc gặp. “Nếu quý vị cần gì, hãy cho chúng tôi biết”.
Năm ngày sau, luật sư của cựu tổng thống, ông Evan Corcoran, nhận được thư điện tử của ông Bratt. Ông Bratt cũng là người giám sát các cuộc điều tra liên quan đến tài liệu mật.
Các đặc vụ tại lối vào dinh thự của ông Trump tại Mar-a-Lago hôm 8/8. Ảnh: AP. |
Theo Wall Street Journal, bức thư được gửi đến có nội dung: “Chúng tôi yêu cầu căn phòng lưu trữ tài liệu ở Mar-a-Lago phải được bảo vệ an toàn. Đồng thời, các thùng đựng được chuyển từ Nhà Trắng đến Mar-a-Lago (cùng với các vật dụng khác trong phòng) phải được giữ trong căn phòng lưu trữ đó với điều kiện như hiện nay cho đến khi có thông báo mới”.
Trả lời thư, ông Corcoran viết: “Xin cảm ơn, ông Jay. Tôi viết thư này để xác nhận đã nhận được thư của ông. Trân trọng, Evan”.
Ngày hôm sau, một ổ khóa lớn hơn được khóa trước cửa căn phòng, một người có liên quan đến vấn đề này cho biết. Cũng theo người này, đó là lần nói chuyện cuối cùng giữa họ trước buổi khám xét hôm 8/8.
Cuộc khám xét kín đáo
Ngày 8/8, trong một buổi sáng đầu tuần đầy nắng, các đặc vụ đến tư dinh của ông Trump và bắt đầu cuộc khám xét vào khoảng 9h. Christina Bobb, luật sư của cựu tổng thống, cho biết lệnh khám xét có chữ ký của một thẩm phán quận Palm Beach, bang Florida, viện dẫn Đạo luật Hồ sơ Tổng thống và khả năng vi phạm điều luật về xử lý tài liệu mật.
Lệnh khám xét và các tài liệu bị thu hồi vẫn chưa được ông Trump công khai.
Một số nguồn tin cũng cho biết các quan chức FBI nhận được chỉ thị thực hiện cuộc khám xét càng kín đáo càng tốt. Do vậy, các đặc vụ mặc thường phục và không mang theo bất kỳ vũ khí nào.
Tại hiện trường, FBI yêu cầu được nhận sơ đồ của khu nghỉ dưỡng và tắt các camera giám sát với lý do đảm bảo an toàn cho các nhân viên điều tra.
Mặc áo phông và quần dài, các đặc vụ kiểm tra phòng ngủ, văn phòng làm việc và nhà kho lưu trữ. Các đặc vụ giữ được bí mật về vụ khám xét trong gần cả ngày làm việc cho đến khi một blogger chính trị ở Florida đăng thông tin vụ khám xét lên Twitter và ông Trump thông báo nhà của ông “bị một nhóm lớn các đặc vụ FBI bao vây, đột kích và chiếm giữ”.
Nhiều người ủng hộ ông Trump tập hợp bên ngoài dinh thự của ông tại Mar-a-Lago. Ảnh: New York Times. |
Vào cuối ngày, các đặc vụ mang khỏi dinh thự khoảng 10 thùng đựng tài liệu. Các tài liệu được thu giữ hiện vẫn ở văn phòng của FBI tại Miami, một người có liên quan cho biết.
“Cuộc đột kích trắng trợn hôm 8/8 không chỉ là việc chưa từng có mà còn hoàn toàn không cần thiết”, Taylor Budowich, người phát ngôn của ông Trump cho biết. “Cựu Tổng thống Trump và các đại diện phải nỗ lực rất nhiều trong việc liên lạc và hợp tác với các cơ quan liên quan”.
Những ngày sau khi vụ khám xét diễn ra, các cộng sự của ông Trump liên hệ với các luật sư bào chữa để xem họ có thể đại diện cho ông Trump trong vấn đề này hay không. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy cựu tổng thống đang lo ngại vướng vào một rắc rối pháp lý mới, Wall Street Journal nhận định.