Máy bay chiến đấu Scorpion do hãng Textron AirLand, Mỹ sản xuất. Ảnh: Textron |
Theo BBC, sự tái xuất của Mỹ ở triển lãm năm nay giống như một cuộc “đảo chính”. Mỹ, khách hàng quốc phòng lớn nhất thế giới, không tham dự sự kiện năm 2013 do cuộc khủng hoảng ngân sách. Trong năm nay, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ không tham dự triển lãm nhưng số lượng công ty Mỹ vẫn trong nhóm đầu.
Washington Times cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu các công ty tư nhân tham dự triển lãm cảnh giác với các hoạt động gián điệp kinh tế và chủ nghĩa khủng bố. “Các nhóm khủng bố xuyên quốc gia, có quan hệ với mạng lưới al-Qaeda, đã tới Paris và nhiều nơi khác trên đất Pháp, có khả năng đe dọa lợi ích của Mỹ”, Bộ Ngoại giao thông báo.
Tại triển lãm năm nay, phi cơ Mỹ sẽ không bay trình diễn. Các công ty quốc phòng lớn của Mỹ, bao gồm Northrop Grumman, không tham dự Paris Air Show 2015 nhưng 220 nhà sản xuất của Mỹ vẫn tới Paris, khiến số lượng doanh nghiệp của Mỹ xếp ở vị trí thứ hai, chỉ kém nước chủ nhà.
Trong rất nhiều vũ khí mà các công ty Mỹ mang tới triển lãm, sản phẩm đáng chú ý nhất là máy bay chiến đấu giá rẻ Scorpion do Textron AirLand do hai tập đoàn lớn là Bell Helicopters và Cessna Aircraft chế tạo. Mỗi phi cơ Scorpion có giá dưới 20 triệu USD.
Scorpion là mẫu chiến đấu cơ hạng nhẹ, có thể tấn công, trinh sát, do thám và giám sát. Với tải trọng cất cánh tối đa 9.500 kg, chúng có thể mang 2.800 kg vũ khí trên các giá treo dưới cánh và 1.400 kg vũ khí trên các giá treo trong thân. Chúng có thể ném bom chính xác hoặc bom rơi tự do theo quán tính.
Máy bay chiến đấu JF-17 Thunder của Pakistan. Ảnh: defence.pk |
Một mẫu chiến đấu cơ khác cũng gây chú ý tại triển lãm năm nay là JF-17 Thunder, máy bay chiến đấu giá rẻ do Tập đoàn Thành Đô của Trung Quốc và công ty chế tạo máy bay Pakistan hợp tác sản xuất.
JF-17 là chiến đấu cơ hạng nhẹ đa nhiệm, có khả năng tấn công mục tiêu trên không, trên biển và trên đất liền. Chúng có khả năng di chuyển với vận tốc tối đa 1.900 km/h cùng phạm vi chiến đấu 3.500 km, mang theo pháo nòng đôi cỡ nòng 30 mm. 8 giá treo của máy bay có khả năng mang 3.400 kg vũ khí, bao gồm tên lửa, bom và thùng nhiên liệu phụ. Giá của mỗi chiếc JF-17 vào khoảng 30 tới 32 triệu USD, giúp chúng cạnh tranh khá tốt với chiến đấu cơ Mỹ và châu Âu.
Chiến đấu cơ Dassault Rafale tại Paris Air Show 2015. Ảnh: Reuters |
Trong vai trò nước chủ nhà, Pháp đưa tới Paris Air Show mẫu chiến đấu cơ Dassault Rafale. Xét về khả năng chiến đấu và công nghệ, Rafale vượt trội hơn hẳn so với Scorpion của Mỹ và JF-17 của Pakistan. Khả năng chiến đấu của Rafale đã được kiểm chứng trong các nhiệm vụ quốc tế mà Pháp tham gia.
Rafale có khả năng di chuyển với vận tốc 1.912 km/h khi bay cao và 1.390 km/h khi bay thấp. Phạm vi hoạt động của chúng đạt trên 3.700 km với 3 thùng nhiên liệu phụ. Chúng có 14 giá treo với khả năng mang 9.500 kg vũ khí và bom các loại để hạ mục tiêu trên không, trên mặt đất và trên biển. Tuy nhiên, giá thành của Rafale vào khoảng 94 tới 108 triệu USD nên ưu thế cạnh tranh của chúng giảm.
Máy bay vận tải chiến lược Airbus A400M Atlas trên bầu trời Paris hôm 15/6. Ảnh: Reuters |
Ngoài máy bay dân sự, Airbus đưa tới triển lãm mẫu phi cơ vận tải quân sự chiến lược A400M Atlas. Đây là đối thủ trực tiếp với các loại máy bay vận tải của Mỹ, Trung Quốc và Nga trên thị trường quốc tế. Tại Paris, A400M sẽ trình diễn khả năng bay lượn nhằm lấy lại niềm tin sau sự cố rơi máy bay hồi tháng 5 ở Tây Ban Nha khiến 4 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Airbus A400M Atlas là sản phẩm của quá trình hợp tác đa quốc gia. Phi cơ cất cánh lần đầu năm 2009 và chính thức ra mắt vào năm 2013. Mỗi phi cơ A400M có 4 động cơ cánh quạt, cho phép cất cánh với tải trọng tối đa 141.000 kg. Nó có thể bay lên với đường băng với chiều dài chưa dưới một km.