Trong khi Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã bán đồng hồ tại các cửa hàng trang sức của mình từ năm 2012, thì Công ty Cổ phần Tập đoàn Thế giới Di động (TGDĐ) mới bán thử nghiệm từ tháng 3 năm nay.
Tuy nhiên, sau thời gian ngắn gia nhập thị trường, TGDĐ hiện đã bỏ xa PNJ về cả số lượng cửa hàng và doanh thu trong mảng kinh doanh đồng hồ.
TGDĐ đi sau nhưng đã vượt trước PNJ
Thực tế, ban lãnh đạo TGDĐ đã thử nghiệm kinh doanh đồng hồ với mô hình “shop-in-shop” (một cửa hàng đồng hồ bên trong một cửa hàng bán điện thoại) từ quý I. Đến đầu tháng 3, trước những tín hiệu tích cực từ mô hình này, TGDĐ mới chính thức nhân rộng kinh doanh đồng hồ.
Với tiêu chí chọn các cửa hàng tập trung ở khu vực TP.HCM, là những điểm có doanh thu lớn và lượng khách đông, việc gia nhập thị trường đồng hồ được TGDĐ kỳ vọng sẽ gia tăng thêm khoảng 5.000 tỷ doanh thu mỗi năm cho công ty.
Thế giới Di động hiện là nhà bán lẻ đồng hồ có nhiều cửa hàng nhất thị trường. Ảnh: GettyImages/Bloomberg. |
Tương tự ba chuỗi trước đó (Thegioididong.com, Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh), các cửa hàng có bán đồng hồ của TGDĐ cũng đã mở rộng với tốc độ hàng chục cửa hàng mỗi tháng.
Theo báo cáo mới nhất mà tập đoàn này công bố, đến hết ngày 30/9, công ty đã sở hữu 134 cửa hàng bán đồng hồ, tăng 49 cửa hàng so với cuối tháng 8.
Tính riêng thị trường đồng hồ, TGDĐ đã trở thành nhà bán lẻ có số lượng cửa hàng nhiều nhất sau gần 6 tháng gia nhập thị trường. Thậm chí, công ty còn dự kiến nâng tổng số cửa hàng có bán đồng hồ lên khoảng 200 vào cuối năm nay.
Trong khi đó, số liệu thống kê từ website chính thức của PNJ cho biết doanh nghiệp này hiện sở hữu 39 cửa hàng PNJ Watch trên cả nước, riêng TP.HCM chiếm 19 cửa hàng.
Cũng kinh doanh theo mô hình shop-in-shop, nhưng tốc độ gia tăng cửa hàng có bán đồng hồ của PNJ chậm hơn rất nhiều so với TGDĐ. Dù vậy, việc sở hữu hàng chục cửa hàng bán đồng hồ cũng giúp PNJ là nhà bán lẻ có số lượng cửa hàng lớn thứ 2 trên thị trường đồng hồ.
Lý do giúp TGDĐ và PNJ gia tăng nhanh số lượng cửa hàng
Thử nghiệm từ năm 2012 nhưng thực tế PNJ mới đẩy mạnh mô hình bán đồng hồ từ đầu năm nay. Trong đó, nguyên nhân giúp công ty này và TGDĐ có thể nhanh chóng gia tăng số lượng cửa hàng là nhờ lợi thế từ hệ thống điểm bán có sẵn, và mô hình shop-in-shop.
Với TGDĐ, nhờ việc mở thêm 522 cửa hàng trong một năm qua (từ 9/2018 đến 9/2019), nhà bán lẻ này hiện sở hữu hơn 2.706 cửa hàng bán lẻ với 4 thương hiệu Bách hóa Xanh, Điện máy Xanh, Thegiodididong.com và Điện thoại siêu rẻ.
Trong đó, số cửa hàng Thegioididong.com và Điện máy Xanh (các cửa hàng dùng làm mô hình shop-in-shop để bán đồng hồ) là 1.918, số lượng điểm bán rất lớn đối với mỗi nhà bán lẻ sản phẩm bất kỳ.
Thay vì phải mở cửa hàng mới, điều TGDĐ làm là chọn những cửa hàng di động lớn có vị trí đẹp của mình và mang các sản phẩm đồng hồ tới bày bán. Nhờ vậy, dù mới đẩy mạnh hoạt động bán đồng hồ từ đầu tháng 3 nhưng đến cuối tháng 9 công ty đã sở hữu 134 cửa hàng, tốc độ gia tăng cửa hàng bình quân thời gian qua là 22 cửa hàng mỗi tháng.
Tương tự, chiến lược shop-in-shop cũng được PNJ sử dụng để mở rộng mô hình kinh doanh đồng hồ từ đầu năm. Tính đến cuối tháng 9, công ty này đang sở hữu tổng cộng 359 cửa hàng tại các tỉnh thành khác nhau. Con số cửa hàng rất lớn với một doanh nghiệp kim hoàn.
Tuy nhiên, đặc điểm của các cửa hàng vàng bạc đá quý là tốn nhiều diện tích trưng bày sản phẩm dẫn tới khó đặt thêm những tủ đồng hồ để bày bán, dẫn tới tốc độ gia tăng cửa hàng đồng hồ của PNJ thấp hơn nhiều so với TGDĐ.
TGDĐ thu xấp xỉ 375 tỷ từ đồng hồ
Mô hình và chiến lược kinh doanh giống nhau nhưng điểm khác nhau lớn nhất giữa PNJ và TGDĐ chính là sản phẩm bày bán.
TGDĐ chủ yếu tập trung ở nhóm đồng hồ chính hãng giá rẻ của các thương hiệu cho giới trẻ như Casio, Sheen, Baby-G, hay Fossil... với mức giá dưới 10 triệu đồng. Trong khi đó, các cửa hàng của PNJ phân phối rất nhiều phân khúc đồng hồ từ giá rẻ cho đến cao cấp như thương hiệu Daniel Wellington, Citizen, Seiko, CK, Guess, Michael Kors, Skagen, Tissot, Longines…
Hiện tại, chiếc đồng hồ đắt nhất bày bán tại các cửa hàng TGDĐ có giá khoảng 12,5 triệu đồng của hãng Citizen. Con số này bên phía PNJ đắt gấp 7 lần với chiếc đồng hồ Silvana giá gần 96 triệu.
Chiếc đồng hồ đắt nhất bán tại PNJ Watch có giá gần 96 triệu đồng, gấp 7 lần so với Thế giới Di động. Ảnh minh họa: PNJ. |
Tuy nhiên, việc có ít cửa hàng hơn cũng khiến doanh thu từ đồng hồ của PNJ kém so với TGDĐ.
Cụ thể, báo cáo tài chính của PNJ cho hay, 9 tháng từ đầu, doanh thu thuần của công ty này vào khoảng 11.700 tỷ đồng. Theo cơ cấu doanh thu, mảng hoạt động khác ngoài trang sức vàng, bạc, và vàng miếng chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng doanh thu toàn công ty. Ước tính mảng đồng hồ tối đa cũng mới mang về khoảng 59 tỷ đồng doanh thu sau 9 tháng.
Từng chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ, cho biết chiếm lĩnh thị trường đồng hồ rất khó vì hàng lậu nhập khẩu được bày bán công khai, trong khi thuế nhập khẩu chính ngạch cao... Trong cả giai đoạn 2013-2018, đồng hồ mới mang về khoảng 100 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu doanh thu toàn công ty.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo công ty cũng cho biết nếu tập trung vào mô hình shop-in-shop, PNJ dự kiến doanh số bán lẻ đồng hồ sẽ đạt 200-300 tỷ đồng vào năm 2021.
Trong khi đó, báo cáo kết quả kinh doanh của TGDĐ cho hay các cửa hàng đã bán ra tổng cộng 50.000 chiếc đồng hồ (bao gồm đồng hồ thời trang và đồng hồ thông minh) trong riêng tháng 9, nâng số đã bán ra sau 7 tháng kinh doanh là hơn 150.000 sản phẩm. Theo tính toán, số này mang về cho công ty khoảng 375 tỷ đồng doanh thu từ đầu năm.
Dự kiến, ngành hàng đồng hồ sẽ đóng góp từ 500 đến 600 tỷ đồng doanh thu cho công ty ngay trong năm 2019 này.